Giải phóng Trường Sa góp phần hoàn thiện bức tranh toàn vẹn lãnh thổ

Cách đây tròn 50 năm, khi các binh đoàn chủ lực tiến về giải phóng Sài Gòn thì một cánh quân khác của Quân đội ta âm thầm vượt trùng khơi, giải phóng quần đảo Trường Sa. Nếu Chiến dịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi trên đất liền thì việc giải phóng Trường Sa góp phần hoàn thiện bức tranh toàn vẹn lãnh thổ – từ đất liền đến biển đảo.

50 năm sau ngày giải phóng, cơ sở hạ tầng, xã hội ở huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa được đầu tư đồng bộ, từng bước trở thành trung tâm văn hóa, kinh tế trên biển của cả nước.

Cuối tháng 3/1975, khi thế trận trên các chiến trường miền Nam chuyển biến nhanh chóng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân khẩn trương giải phóng quần đảo Trường Sa. Ngay sau đó, một đơn vị thực hiện nhiệm vụ đặc biệt được thành lập, gồm lực lượng Lữ đoàn 126 Đặc công Hải quân phối hợp với bộ binh, thông tin, các đơn vị hậu cần thuộc Quân khu 5.

Bộ đội đặc công Hải quân làm chủ quần đảo Trường Sa tháng 4/1975

Bộ đội đặc công Hải quân làm chủ quần đảo Trường Sa tháng 4/1975

Để đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ, các tàu vận tải quân sự được ngụy trang thành tàu đánh cá nước ngoài. Bộ đội ẩn mình trong các khoang tàu, hầm hàng, kiên trì hành quân trong điều kiện biển động và đầy nguy hiểm. Chiều ngày 13/4/1975, các tàu của ta đã tiếp cận đảo Song Tử Tây. Rạng sáng hôm sau, lực lượng đặc công nước, bộ binh đồng loạt nổ súng, mở đợt tấn công thần tốc lên đảo. Dù vấp phải sự kháng cự quyết liệt nhưng nhờ sự hiệp đồng chặt chẽ, yếu tố bất ngờ, chỉ sau 30 phút chiến đấu, quân giải phóng đã làm chủ đảo Song Tử Tây. Đó là phát súng mở màn cho chiến dịch giải phóng toàn bộ quần đảo Trường Sa.

Ông Trần Đăng Ninh, 70 tuổi, quê Hải Hậu, Nam Định, cựu binh đặc công tham gia chiến dịch xúc động nhớ lại:“Trận này là bí mật, bất ngờ áp sát đảo, phía quân Sài Gòn không ngờ chúng ta đã tiếp cận nhanh đến vậy. Khi đó, tình hình trên đất liền còn nhiều bất ổn, trên biển nhiều tàu địch hoạt động, thậm chí có cả sự nhòm ngó của thế lực bên ngoài. Sau ngày 14/4, phân đội đặc công chúng tôi ở lại giữ đảo, còn đoàn chở thương binh, tù binh về lại Đà Nẵng”.

Những cán bộ, chiến sỹ Hải quân ngày đầu giữ đảo

Những cán bộ, chiến sỹ Hải quân ngày đầu giữ đảo

Tiếp đà chiến thắng, ngày 21/4/1975, biên đội tàu thứ hai tiếp tục vượt sóng ra khơi, tiếp cận và lần lượt giải phóng các đảo Sinh Tồn, Nam Yết, Trường Sa, Sơn Ca… Ngày 29/4/1975, các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã được giải phóng, chỉ một ngày trước khi quân ta tiến vào Dinh Độc Lập. Trung úy Nguyễn Văn Mỹ, cựu trinh sát thuộc Sư đoàn 2 phối thuộc Lữ đoàn 126 kể lại, lúc đó, khi đang chốt giữ trên đảo, thông tin thiếu thốn, khơi xa, chiều ngày 30/4, mọi người nghe tin chiến thắng qua bản tin đặc biệt của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Mỹ không thể nào quên được thời khắc đặc biệt đó: “Lúc đó, chúng tôi đang ở đảo Song Tử Tây, liên lạc rất khó khăn. Khi Đài Tiếng nói Việt Nam công bố đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, cắm cờ dinh Độc Lập, anh em phấn khởi lắm, vỗ tay, mừng lắm. Khi biết giải phóng, chúng tôi còn sống, thương đồng đội hy sinh khi gần hòa bình. Có đồng chí Tống Văn Quang, hi sinh ở đấy, mai táng ngay trước nhà của Ban chỉ huy”.

Các cựu chiến binh tham gia giải phóng Trường Sa gặp mặt tại thành phố Nha Trang

Các cựu chiến binh tham gia giải phóng Trường Sa gặp mặt tại thành phố Nha Trang

50 năm sau ngày chiến thắng, Trường Sa hôm nay không ngừng đổi thay. Từ những đảo chìm nổi, hoang sơ, đến nay huyện đảo Trường Sa đã từng bước trở thành “pháo đài vững chắc” nơi đầu sóng, là điểm tựa hậu cần giữa Biển Đông rộng lớn. Nhiều âu tàu hiện đại có thể tiếp nhận hàng ngàn lượt tàu cá neo đậu tránh bão, tiếp tế nhiên liệu, xếp dỡ hải sản.

Các đảo lớn như Đá Tây, Song Tử Tây, Trường Sa Lớn… đã có nhà máy sản xuất đá cây công suất lớn, kho lạnh bảo quản hải sản. Cơ sở hậu cần nghề cá giúp ngư dân kéo dài thời gian đánh bắt, tiết kiệm chi phí vận hành và đảm bảo an toàn. Bà Lê Thị Sang, chủ tàu cá tại xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Thường, chúng tôi lấy đá cây ở đảo Đá Tây nếu không thì gặp ở các đảo nào lấy đảo đó. Tàu chạy gần đảo, sau đó vô đó lấy đá, rất thuận tiện, trên đảo bán đá, nhiên liệu bình thường như ở đất liền. Nếu đảo không có thì buộc phải quay về, chuyến đó phải lỗ. Không có đá không thể nào ở lại đến 2 tháng được, không bù đắp tổn phí”.

Từ trái qua, ông Nguyễn Văn Mỹ, ông Trần Đăng Ninh kể lại những trận chiến giải phóng Trường Sa 50 năm trước với phóng viên VOV Miền Trung

Từ trái qua, ông Nguyễn Văn Mỹ, ông Trần Đăng Ninh kể lại những trận chiến giải phóng Trường Sa 50 năm trước với phóng viên VOV Miền Trung

Trường Sa không chỉ là cột mốc chủ quyền mà còn là nơi “nghĩa tình”, nơi mọi con tàu, ngư dân đều được đón nhận và hỗ trợ. Những năm qua, các lực lượng đóng quân tại đây đã thực hiện hàng trăm lượt cứu hộ cứu nạn, cứu chữa ngư dân gặp nạn trên biển. Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa cho biết, xa đất liền nhưng Trường Sa luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân cả nước, kiều bào xa quê. Những chuyến tàu thăm đảo, những món quà, lời động viên… là nguồn cổ vũ lớn lao để quân dân Trường Sa yên tâm bám trụ nơi đầu sóng, giữ vững từng hòn đảo, từng bãi đá:

“Đối với huyện đảo Trường Sa, hiện nay, công tác dân sinh rất là tốt. Như là xây dựng doanh trại chính quy xanh, sạch đẹp; Âu tàu hỗ trợ ngư dân ra đánh bắt hải sản tại Trường Sa; Trang thiết bị nghe nhìn; ánh sáng…Cảnh quan môi trường rất khang trang. Từ việc học tập của các cháu, đến bảo đảm y tế. Những kết quả này là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với huyện đảo Trường Sa”- Ông Lê Đình Hải cho biết.

Quần đảo Trường Sa được đầu tư hiện đại, điểm tựa vững chắc cho ngư dân bám biển

Quần đảo Trường Sa được đầu tư hiện đại, điểm tựa vững chắc cho ngư dân bám biển

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa xác định rõ vai trò đặc biệt của quần đảo Trường Sa trong chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng – an ninh. Triển khai Nghị quyết 09/2022 của Bộ Chính trị về phát triển Khánh Hòa trở thành trung tâm của vùng duyên hải Nam Trung Bộ, tỉnh đã phối hợp với Quân chủng Hải quân đề xuất và hoàn thiện Đề án xây dựng Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước.

Sau 50 năm được giải phóng, huyện đảo Trường Sa hôm nay đang vươn mình mạnh mẽ trong thế trận quốc gia về kinh tế biển, là “trái tim” giữa Biển Đông, góp phần nâng tầm vị thế đất nước trên bản đồ biển đảo quốc tế. Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, thời gian tới, Khánh Hòa tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng sống cho quân dân các đảo; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Trường Sa trong cộng đồng.

Trung tâm dịch vụ hậu cần trên quần đảo Trường Sa cung cấp nước ngọt cho ngư dân

Trung tâm dịch vụ hậu cần trên quần đảo Trường Sa cung cấp nước ngọt cho ngư dân

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định, mục tiêu là đưa Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế – xã hội hiện đại giữa biển Đông, đồng thời là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc: “Đảm bảo thật tốt, một mặt các chế độ, chính sách mặt khác phải tạo ra nguồn thu cho cư dân. Các hộ vừa tham gia lao động sản xuất vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Quân chủng Hải quân, tỉnh Khánh Hòa cùng nhau chăm lo huyện đảo. Đó là nguồn động viên lớn, để mọi người dân trong đất liền cũng như ngoài đảo thấy rằng thiêng liêng nhất là chủ quyền, độc lập của Tổ quốc”- Ông Nguyễn Tấn Tuân nói

.

Thái Bình/ VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/giai-phong-truong-sa-gop-phan-hoan-thien-buc-tranh-toan-ven-lanh-tho-post1193757.vov
Zalo