Gia Lâm - vùng đất hào hùng
Ngày 3/4/2025, UBND huyện Gia Lâm khánh thành 3 địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến: làng Trân Tảo, đình Hàn Lạc, thôn Kim Sơn thuộc xã Phú Sơn. Đây là một trong chuỗi các hoạt động thiết thực chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025); 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2025).
Vang dội những chiến công
Không chỉ là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử với 320 di tích lịch sử văn hóa, cách mạng kháng chiến và các công trình, địa điểm có dấu hiệu di tích, trong đó có 163 di tích đã được xếp hạng Di tích Quốc gia và di tích cấp TP, Gia Lâm còn tự hào là vùng đất có lịch sử đấu tranh cách mạng. Từ tháng 8/1929, Gia Lâm đã có Chi bộ Đảng cộng sản thành lập tại Nhà máy gạch Hưng Ký, sau đó các chi bộ Đảng ở Gia Lâm lần lượt ra đời và không ngừng phát triển, lãnh đạo, chỉ đạo phong trào quần chúng cách mạng trên địa bàn…

Lãnh đạo huyện Gia Lâm gắn biển địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến thôn Kim Sơn, xã Phú Sơn. Ảnh: Hoàng Quyết
Những năm 40 của thế kỷ XX, xã Trung Mầu, thôn Đào Xuyên, thôn Thuận Tốn (xã Đa Tốn) đã trở thành địa điểm An toàn khu của T.Ư và Xứ ủy Bắc Kỳ; nơi nuôi giấu, bảo vệ và chở che cán bộ của T.Ư về hoạt động. Làng Cam (xã Cổ Bi), làng Giao Tất (xã Kim Sơn) ghi dấu sự chiến đấu kiên cường của quân và dân ta...
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Gia Lâm là địa bàn trọng yếu, là lũy thép kiên cường. Những thành tích trừ gian, diệt tề, phá bốt, những chiến công vang dội như “Sấm đường 5”, “Lửa phi trường”; những tiểu đội như “Tiểu đoàn Thiên Đức”, “Đại đội Hồng Hà”, “Đội nữ du kích Trưng Trắc”… còn mãi in đậm trong lịch sử quê hương.
Trong cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân và dân Gia Lâm dũng cảm, kiên cường góp phần cùng Hà Nội đập tan uy thế của không lực Hoa Kỳ lập nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Vì miền Nam ruột thịt, Gia Lâm chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Với những thành tích to lớn, những chiến công đặc biệt trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc, Nhân dân và lực lượng vũ trang Nhân dân huyện Gia Lâm và các xã trên địa bàn huyện đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.
Động lực cho phát triển
Thực hiện Nghị quyết số 1286/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025, xã Phú Sơn được sáp nhập từ 2 xã trước đây là xã Phú Thị và xã Kim Sơn. Là các địa phương có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa với các thôn làng truyền thống như: Phú Thị, Trân Tảo, Tô Khê, Hàn Lạc, Đại Bản (xã Phú Thị), Kim Sơn, Giao Tất, Giao Tự, Linh Quy (xã Kim Sơn); trong đó 2 thôn Phú Thị, Kim Sơn nổi tiếng có truyền thống hiếu học, là hai làng khoa bảng của đất Thăng Long - Hà Nội.
Với hệ thống các di tích lịch sử văn hóa có giá trị, thờ những nhân vật lịch sử có công với đất nước như: Lý Công Tuấn; Tướng quân Đào Liên Hoa; Lã Tá Đường; Trần Văn Xương; Trần Văn Khúc; Cao Bá Quát; Nguyễn Biểu…, những tấm gương gắn với trang sử hào hùng của lịch sử giữ nước và chống giặc ngoại xâm đó là niềm tự hào, tiếp thêm sức mạnh để xã Phú Thị, xã Kim Sơn phát huy truyền thống yêu nước, viết tiếp trang sử mới, đạt nhiều thành tích trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hội nhập và phát triển.
Trong bề dày truyền thống lịch sử vẻ vang đó, không thể không nhắc đến tháng năm của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, Phú Thị, Kim Sơn tự hào là một phần của khu du kích “Toàn quyết chiến thắng”, nơi ghi nhận những thành tích vẻ vang trong chống càn, phục kích, phá tề, diệt bốt...
Các thôn Trân Tảo, Hàn Lạc, Linh Quy, Giao Tất, Kim Sơn với những chiến công của quân và dân kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh dân vận đã làm thất bại âm mưu huy động lực lượng bao vây làng, cướp của, phá nhà của giặc; tổ chức rào làng, canh gác, xây dựng làng chiến đấu cản bước tiến của địch khi chúng càn quét từ năm 1947 đến năm 1954. Đau thương và khói lửa, chấp nhận hy sinh, mất mát, không thể khuất phục nổi tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của cán bộ đảng viên và Nhân dân các thôn, xã Phú Thị, xã Kim Sơn để giành và bảo vệ độc lập tự do.
Xương máu của hơn 100 đồng bào đồng chí, 300 cán bộ, đảng viên và Nhân dân (xã Phú Thị) được ghi nhận có công với cách mạng; 40 cán bộ đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang (xã Kim Sơn) hy sinh được Tổ quốc đời đời ghi công; mãi mãi là những con số biết nói ghi nhận, tri ân công lao đóng góp của Nhân dân Phú Thị, Kim Sơn trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Xã Phú Thị, xã Kim Sơn được phong tặng “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” về thành tích kháng chiến chống Pháp.
Để tri ân và ghi nhớ công lao của các thế hệ cha anh trong hai cuộc kháng chiến “thần thánh” bảo vệ và giữ gìn non sông, đất nước, những năm qua, huyện Gia Lâm đã phối hợp với các sở, ngành TP thẩm định sự kiện lịch sử cách mạng để đề xuất gắn bia các di tích, địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến trên địa bàn huyện. Đến nay, đã có 17 địa điểm được UBND TP ban hành quyết định gắn biển địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến, trong đó có 3 địa điểm vừa là di tích lịch sử văn hóa, vừa là di tích cách mạng kháng chiến. Đối với xã Phú Sơn, đã có 3 địa điểm được gắn bia địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến thuộc thôn Linh Quy, Giao Tất (xã Kim Sơn cũ) và trận địa xã Phú Thụy (xã Phú Thị cũ).
Năm 2020, sau khi thu thập thông tin, tài liệu về thôn Trân Tảo, thôn Kim Sơn, đình Hàn Lạc và để ghi nhận công lao, thành tích của Nhân dân, cán bộ các làng Trân Tảo, Kim Sơn, đình Hàn Lạc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, huyện Gia Lâm và các xã đã đề xuất, phối hợp thực hiện lập hồ sơ và được UBND TP chấp thuận ban hành quyết định gắn bia địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến đối với các địa danh của xã Phú Sơn từ năm 2021.
Sau quá trình phối hợp với Sở VH&TT, trong tháng 10/2024, Ban Quản lý Di tích danh thắng thi công dựng bia và gắn biển tại thôn Trân Tảo, thôn Kim Sơn và đình Hàn Lạc đúng theo vị trí, bảo đảm nội dung, hình thức và chất liệu đã được phê duyệt.
Việc khánh thành 3 địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến là niềm vinh dự của Nhân dân xã Phú Sơn nói chung và Nhân dân 3 thôn có công trình được gắn biển nói riêng. Để tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn nói chung và di tích lịch sử cách mạng - kháng chiến nói riêng, lãnh đạo huyện Gia Lâm chỉ đạo các phòng, ban liên quan; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Phú Sơn có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của di tích lịch sử; trong đó tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về giá trị những địa điểm cách mạng, kết nối với các di sản văn hóa trên địa bàn để khai thác phát triển du lịch. Tiếp tục đầu tư tôn tạo, giữ gìn, bảo quản các địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến; nhắc nhở con cháu noi gương cha ông góp phần làm rạng danh quê hương.
Thời điểm này, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Gia Lâm đang thực hiện việc sắp xếp lại địa giới và bộ máy hành chính theo chủ trương chung của T.Ư và TP. Việc tổ chức bộ máy hành chính theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và sắp xếp lại địa giới hành chính có thể dẫn tới những thay đổi về vị trí địa lý, song những giá trị văn hóa, tinh thần của đất và người Gia Lâm sẽ mãi không phai mờ trong tâm trí Nhân dân.