Tên gọi quê nhà tha thiết lắm
Tên gọi quê nhà tha thiết lắm. Cái tên ấy được ghi trong giấy khai sinh khi ta vừa cất tiếng khóc chào đời, ghi trong căn cước khi ta trưởng thành, ghi vào giấy chứng tử khi ta vẫy chào cuộc sống.
Suốt mấy ngày dài trằn trọc, bạn thở ngắn than dài. Tin sáp nhập tỉnh dù chưa được thông báo chính thức, cụ thể nhưng chỉ với những đồn đoán thôi đã khiến bạn không thôi nghĩ ngợi.
Nhập tỉnh, giấy tờ tùy thân có thể sẽ phải làm lại, thủ phủ ngay nơi mình ở có thể sẽ dời đến một nơi xa lắc, xa đến hàng trăm cây số, phải tập làm quen với nhiều điều mới mẻ…
Nhưng những thứ đó đối với bạn cũng chẳng hề gì, cố gắng một chút rồi sẽ quen được hết, cuộc sống có thể sẽ còn tốt hơn không biết chừng. Điều khiến bạn băn khoăn là tên tỉnh rồi đây có thể cũng sẽ đổi khác. Một cái tên mới sẽ thay thế tên gọi quê mình.
Mà đâu chỉ riêng gì bạn, người nào dành cho quê hương mình một tình yêu sâu nặng mà không cảm thấy ngậm ngùi.

Quảng trường Nghinh Phong ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Ảnh: Thanh Nhân
Có người nói "kệ, cũng chẳng sao, chỉ là một cái tên thôi mà". Nhưng kệ làm sao được. Tên gọi quê nhà tha thiết lắm.
Cái tên ấy được ghi trong giấy khai sinh khi ta vừa cất tiếng khóc chào đời, ghi trong căn cước khi ta trưởng thành, ghi vào giấy chứng tử khi ta vẫy chào cuộc sống.
Cha ông hàng trăm năm trước khi chọn tên đã gửi vào đó bao nhiêu khát vọng. Nó định hình một miền văn hóa, gọi tên một nét tính cách, khơi dậy ý thức đùm bọc lẫn nhau trong tình nghĩa đồng hương.
Dẫu biết rằng sáp nhập tỉnh là yêu cầu thời đại, để tạo không gian phát triển phục vụ cho khát vọng hùng cường của dân tộc, nhưng đối diện với tình huống tên gọi quê nhà rồi đây sẽ khác, trong lòng mỗi người đều không tránh khỏi trăn trở, suy tư.
Yêu quê, ai chẳng muốn tên quê còn mãi. Nhưng rồi trong guồng quay bất tận của lịch sử, có rất nhiều điều không như ước vọng của chúng ta. Dù ta không muốn, nó vẫn cứ thay đổi, cứ diễn ra và ta phải học cách chấp nhận. Hơn nữa, nếu sự thay đổi ấy hướng tới những giá trị tích cực theo đúng quy luật phát triển của thời đại thì ta càng phải biết chấp nhận.
Chúng ta yêu quê, ngậm ngùi, day dứt khôn nguôi trước khả năng tên quê đổi khác. Nhưng bạn đừng lo nghĩ quá, cũng đừng bi quan quá. Tôi quả quyết với bạn rằng tên quê sẽ không bao giờ mất, ít nhất là trong sâu thẳm tâm hồn của những người yêu quê, nặng lòng với quê như bạn, như tôi và như biết bao người.
Tôi còn nhớ, trước đây có đọc một tạp bút có tên “Người ở xa nhà” của học giả Huỳnh Như Phương. Bài viết bàn về ý nghĩa của ngôi nhà ở cố hương trong tâm tưởng mỗi người.

Theo phương án Trung ương thống nhất, tỉnh Hà Giang sẽ sáp nhập với tỉnh Tuyên Quang lấy tên là tỉnh mới là Tuyên Quang. Như vậy thời gian tới đây, tên Hà Giang sẽ không còn được ghi trên bản đồ hành chính. Ảnh: Hoàng Hà
Trong đó có một đoạn tôi rất thích: “Ngôi nhà mới dù ở phố thị vẫn mơ màng hướng về quê cũ, qua bàn thờ gia tiên, qua bức tranh dòng sông con đò treo trên vách, qua cây cau khóm trúc trồng phía trước sân. Những ngôi nhà ta đã ở thành địa chỉ khai trong lý lịch của ta. Đời ta đi qua những ngôi nhà đó, một phần đời ta để lại trong những ngôi nhà đó. Nét chữ ta vẽ hằn trên bức tường, dấu khắc chiều cao của ta trên cây cột gỗ, con búp bê ta chơi khi bé còn bỏ lại một xó nhà..., tất cả là những mảnh đời dĩ vãng của ta”.
Nhớ lại đoạn văn tuyệt đẹp này, tôi chợt có một liên tưởng. Sau đợt sáp nhập, tên gọi quê mình có thể không còn được ghi trên bản đồ hành chính nữa. Nhưng tên quê thì chắc chắn không bao giờ mất. Cũng giống như ngôi nhà ở cố hương dù ta không còn ở nữa, dù “nền nhà nay dựng cơ quan mới” (thơ Chế Lan Viên) thì ngôi nhà ấy vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí của ta.
Sau này, trong giấy tờ tùy thân, tên tỉnh có thể sẽ được thay bằng một cái tên mới. Trong giấy khai sinh của con cháu mình, tên quê sẽ không còn được ghi vào đó nữa. Nhưng, cũng giống như cách nghĩ của tác giả “Người ở xa nhà”, tên quê không mất mà sẽ mãi còn.
Tên quê còn trong ca dao và tục ngữ, trong nhạc và trong thơ, trong lời ru của mẹ, trong câu chuyện của bà, trong lời dạy của cha, trong lời ông khấn vái trước bàn thờ tiên tổ, trong bao nhiêu kỉ vật thân thương truyền từ đời này sang đời khác.
Và đặc biệt là tên quê sẽ mãi còn trong tâm hồn, trong kí ức, trong niềm thương nỗi nhớ của mỗi chúng ta - những con người yêu quê tha thiết. Để rồi, một khoảnh khắc nào đó giữa dòng đời hối hả, nghĩ về tên gọi cũ của quê hương, lòng ta bỗng ngân nga câu hát “Một lần chợt nghe quê quán tôi xưa/ Giọng người gọi tôi nghe tiếng rất nhu mì” (nhạc Trịnh Công Sơn)...