Cơ hội việc làm từ tín dụng chính sách

Nhu cầu về việc làm, sinh kế của người dân vẫn còn rất lớn. Việc tiếp tục mở rộng chương trình tín dụng chính sách hỗ trợ tạo việc làm là yêu cầu cấp thiết để giúp các hộ nghèo, cận nghèo và các nhóm yếu thế có sinh kế để cải thiện đời sống, tăng thu nhập và từng bước vươn lên làm giàu chính đáng.

Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh Quảng Nam đã luôn nỗ lực đưa nguồn vốn ưu đãi đến tận tay người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế, hộ nghèo, cận nghèo và những người mới tái hòa nhập cộng đồng. Những đồng vốn ấy đã không chỉ giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt, mà còn mở ra cơ hội việc làm, sinh kế lâu dài và hành trình lập thân, lập nghiệp bền vững trên chính mảnh đất quê hương xứ Quảng.

Từ dòng vốn nhỏ đến những khởi đầu lớn

Duy Xuyên là huyện đồng bằng nằm phía Bắc tỉnh Quảng Nam, với diện tích hơn 30.000ha và 14 đơn vị hành chính. Đây là địa phương có truyền thống lịch sử, văn hóa phong phú, từng hai lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng. Tuy nhiên, xuất phát điểm của huyện lại khá thấp, phần lớn dân cư sống bằng nghề nông, khiến bài toán phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm luôn là vấn đề nan giải.

Trong bối cảnh ấy, nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo kinh tế địa phương. Hàng ngàn hộ dân tại Duy Xuyên đã được tiếp cận vốn vay để đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, cải tạo vườn tạp, xây dựng công trình nước sạch, nhà vệ sinh, phát triển sản xuất và thoát nghèo bền vững. Đồng vốn chính sách đã không chỉ là tiền bạc, mà còn là niềm tin và hy vọng cho tương lai tươi sáng hơn.

Mô hình vay vốn phát triển sản phẩm cà phê sạch của anh Lê Văn Lương ở xã Duy Nghĩa.

Mô hình vay vốn phát triển sản phẩm cà phê sạch của anh Lê Văn Lương ở xã Duy Nghĩa.

Điển hình là anh Lê Văn Lương ở xã Duy Nghĩa. Từng bôn ba khắp nơi làm đủ nghề, anh quyết định trở về quê nhà khởi nghiệp với khát vọng an cư lạc nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương. Khoản vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH đã giúp anh bắt đầu hành trình khởi nghiệp bằng việc đưa cà phê sạch từ Tây Nguyên về quê.

Năm 2017, thương hiệu Cavalry ra đời - mang hình ảnh người kỵ sĩ tiên phong, đúng với tinh thần đổi mới và dấn thân của anh. Những ly cà phê nguyên chất không phụ gia, không hương liệu của Cavalry dần khẳng định được vị thế tại Quảng Nam, Đà Nẵng và đang mở rộng ra các tỉnh, thành ở miền Trung - Tây Nguyên. Một khởi đầu từ khoản vay nhỏ, nhưng đã đánh thức một giấc mơ lớn.

Tương tự, ông Võ Thành Trung ở xã Duy Vinh cũng là một minh chứng sinh động cho hiệu quả nguồn vốn chính sách. Sau khi hoàn thành lớp học nghề may, ông quyết tâm mở xưởng may tại quê hương. Với khoản vay 100 triệu đồng từ NHCSXH, ông đầu tư mua sắm thiết bị, xây dựng nhà xưởng. Đến nay, xưởng may tạo việc làm ổn định cho 20 lao động địa phương với thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. “Nguồn vốn chính sách đã giúp tôi chạm tới ước mơ, không chỉ cho riêng mình mà còn cho nhiều người khác”, ông Trung chia sẻ.

Không chỉ dừng lại ở đó, mô hình sản xuất bột ngũ cốc Duy Oanh của chị Phạm Thị Duy Mỹ ở xã Duy Sơn cũng là một câu chuyện đầy cảm hứng. Nhận thấy nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch tăng cao, chị Mỹ mạnh dạn vay vốn từ NHCSXH để đầu tư máy móc, mở rộng sản xuất. Mỗi năm, cơ sở cung ứng khoảng 3 tấn sản phẩm ra thị trường, doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Sản phẩm chủ lực như bột ngũ cốc, trà gạo… đều đạt tiêu chuẩn HACCP và OCOP 3 sao. Mô hình không chỉ giúp gia đình chị ổn định kinh tế mà còn tạo việc làm cho nhiều phụ nữ nghèo ở địa phương.

Nguồn vốn từ NHCSXH chi nhánh Quảng Nam đã và đang tiếp sức cho các sản phẩm OCOP.

Nguồn vốn từ NHCSXH chi nhánh Quảng Nam đã và đang tiếp sức cho các sản phẩm OCOP.

Một điểm nhấn khác là việc hỗ trợ những người từng chấp hành xong án phạt tù. Chỉ tính riêng năm 2024 và 4 tháng đầu năm 2025, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Duy Xuyên đã giải ngân cho 24 trường hợp thuộc nhóm này, với tổng dư nợ gần 1,5 tỷ đồng...

Trường hợp gia đình ông Nguyễn Chúc ở thị trấn Nam Phước là một ví dụ. Thời điểm con trai trở về hòa nhập với cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù, gia đình anh gặp nhiều khó khăn. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của công an thị trấn và NHCSXH, ông đã khuyên nhủ con trai vay vốn đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. “Tôi rất mừng vì nhờ đồng vốn chính sách, con trai tôi có thể làm lại cuộc đời, hòa nhập với cộng đồng”, ông Nguyễn Chúc bày tỏ.

Ông Nguyễn Bá Tùng, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Duy Xuyên cho biết, xác định vốn vay giải quyết việc làm là một trong những chương trình then chốt, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể để tuyên truyền chính sách, rà soát nhu cầu, giải ngân kịp thời và đúng đối tượng. Trên thực tế, chương trình này đã giúp hàng nghìn hộ dân khởi nghiệp, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập…

Tiếp sức cho phát triển bền vững

Theo số liệu từ NHCSXH chi nhánh Quảng Nam, đến ngày 30/4/2025, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn đạt 8.412 tỷ đồng, với hơn 141.160 khách hàng còn dư nợ. Toàn tỉnh có 3.203/3.347 Tổ Tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt, không có tổ xếp loại yếu; nợ quá hạn chỉ chiếm 0,04% tổng dư nợ - một con số ấn tượng thể hiện hiệu quả và trách nhiệm trong quản lý vốn.

Việc mở rộng chương trình tín dụng chính sách hỗ trợ tạo việc làm là yêu cầu cấp thiết.

Việc mở rộng chương trình tín dụng chính sách hỗ trợ tạo việc làm là yêu cầu cấp thiết.

Chương trình cho vay giải quyết việc làm, duy trì và mở rộng việc làm được NHCSXH xác định là một trong những “kênh” quan trọng để người dân có thêm “cần câu” vươn lên trong cuộc sống. Để thực hiện hiệu quả chương trình, chi nhánh đã triển khai đầy đủ, công khai và kịp thời các chính sách liên quan; đồng thời chỉ đạo các phòng giao dịch cấp huyện xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch từng năm, tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Không chỉ dừng ở hoạt động cho vay, NHCSXH tỉnh còn phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng sản xuất - kinh doanh, giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả, tránh rủi ro và tối ưu hóa lợi ích từ đồng vốn chính sách.

Thực tế cho thấy, nhu cầu về việc làm, sinh kế của người dân vẫn còn rất lớn. Việc tiếp tục mở rộng chương trình tín dụng chính sách hỗ trợ tạo việc làm là yêu cầu cấp thiết để giúp các hộ nghèo, cận nghèo và các nhóm yếu thế cải thiện đời sống, tăng thu nhập và từng bước vươn lên làm giàu chính đáng. Nhiều mô hình trang trại, gia trại tổng hợp đã hình thành, nhiều làng nghề truyền thống được phục hồi, không chỉ góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo mà còn hỗ trợ các địa phương hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Tín dụng chính sách không chỉ đơn thuần là một giải pháp tài chính, mà còn là công cụ quan trọng thúc đẩy an sinh xã hội, khơi thông nội lực cộng đồng và khẳng định vai trò của Nhà nước trong đồng hành cùng người dân, nhất là những người dễ bị tổn thương nhất. Những thành quả từ chương trình vốn vay giải quyết việc làm tại Quảng Nam đang là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả bền vững và ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà tín dụng chính sách đã và đang mang lại.

Nghi Lộc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/co-hoi-viec-lam-tu-tin-dung-chinh-sach-164622.html
Zalo