Sắp có quy định mới về công ty mua bán nợ của tổ chức tín dụng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động của công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng (TCTD) trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản.

Theo Dự thảo, khoản nợ mà công ty mua bán nợ thực hiện quản lý, khai thác theo ủy quyền là nợ xấu bao gồm cả nội bảng, ngoại bảng. Đối với khoản nợ của các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản ngân hàng thương mại (AMC) được mua, bán, chỉ bao gồm các khoản nợ xấu nội bảng, ngoại bảng phát sinh từ nghiệp vụ cho vay, khoản trả thay cho bảo lãnh, khoản phải thu từ hợp đồng cho thuê tài chính.

NHNN cho biết, hoạt động của tổ chức tín dụng hiện nay đa dạng hơn so với thời điểm ban hành Quyết định 1390/2002/QĐ-NHNN. Do đó, việc tiếp nhận, xử lý các khoản nợ theo ủy quyền của AMC cần được mở rộng để đảm bảo có nguồn lực xử lý các khoản nợ xấu phát sinh trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Trên thế giới, các công ty AMC được thành lập theo nhiều mô hình khác nhau, nhằm xử lý nợ xấu và tái cấu trúc tài sản của ngân hàng thương mại. Các AMC của ngân hàng thương mại thường hoạt động với mục tiêu xử lý nợ xấu nội bộ, hoặc chỉ mua nợ thông thường ở một số trường hợp đặc biệt, như khi doanh nghiệp có khoản vay tốt nhưng gặp khó khăn tài chính tạm thời, AMC có thể mua lại nợ và tái cơ cấu hoặc bán lại khi doanh nghiệp phục hồi, thay vì để thành nợ xấu...

Cùng với việc luật hóa Nghị quyết 42/2017QH14, giải pháp quan trọng nhất để giải quyết rốt ráo nợ xấu chính là phát triển thị trường mua bán nợ

Cùng với việc luật hóa Nghị quyết 42/2017QH14, giải pháp quan trọng nhất để giải quyết rốt ráo nợ xấu chính là phát triển thị trường mua bán nợ

Tại Hàn Quốc, các ngân hàng lớn như KB Kookmin, Shinhan, Woori đều có AMC riêng. Tại Trung Quốc, có một hệ thống AMC phát triển mạnh như ICBC, CCB, BOC đều thành lập AMC riêng để xử lý nội bộ.

Tại Việt Nam, trước đây, mục tiêu của việc thành lập công ty quản lý nợ là để xử lý các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng của tổ chức tín dụng. AMC giúp các tổ chức tín dụng thu hồi nợ khó đòi, tái cấu trúc các khoản vay và giảm tỷ lệ nợ xấu, góp phần làm sạch bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng, giúp tổ chức tín dụng hoạt động an toàn và hiệu quả hơn. Do đó, việc tiếp tục thực hiện mục tiêu xử lý nợ xấu của AMC là cần thiết.

“Việc quy định phạm vi khoản nợ được tiếp nhận, quản lý, xử lý theo ủy quyền; mua, bán là khoản nợ xấu phù hợp với mục tiêu chính của việc thành lập công ty quản lý nợ, giúp công ty quản lý nợ tập trung xử lý đối với các khoản nợ xấu. Đồng thời, tránh được việc tổ chức tín dụng lợi dụng hoạt động của công ty quản lý nợ để mua, bán nợ, làm thay đổi số liệu, tình hình nợ xấu của tổ chức tín dụng”, NHNN khẳng định.

Hiện nay, gần 50% nợ xấu được các ngân hàng xử lý bằng trích lập dự phòng rủi ro. Trong khi đó, việc bán nợ xấu theo giá trị thị trường là không đáng kể do thị trường mua bán nợ xấu gần như không tồn tại.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng cần xác định hoạt động ngân hàng luôn song hành cùng nợ xấu. Do đó, cần một khung pháp lý để làm sạch chúng và xử lý một cách công khai ở một thị trường mở và có những giao dịch thương mại đúng nghĩa.

Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay vẫn không có một giao dịch mua bán nợ xấu nào đúng nghĩa thị trường mà chủ yếu là mua bán trên bảng cân đối kế toán giữa các ngân hàng và VAMC. Thị trường mua bán nợ chưa thực sự mở cửa cho các nhà đầu tư tham gia thị trường.

“Đã đến lúc xử lý nợ xấu thông qua việc mở cửa thị trường. Khi Việt Nam muốn trở thành một phần của thị trường tài chính toàn cầu phải có được bảng cân đối tài sản mạnh mẽ, muốn có nguồn tín dụng cho doanh nghiệp nội địa cần mở được cánh cửa cho thị trường mua bán nợ xấu của mình. Việt Nam cần có nhà đầu tư nước ngoài tới giải quyết hỗ trợ nợ xấu, thu hút vốn của các nhà đầu tư này”, ông Hiếu nói.

Thực tế, gần đây các gân hàng đang tích cực thành lập các công ty mua bán nợ để xử lý các khoản nợ xấu và cải thiện tình hình tài chính. Việc này nhằm giúp các tổ chức tín dụng giảm gánh nặng về nợ xấu và tạo điều kiện cho các công ty mua bán nợ chuyên nghiệp thu hồi các khoản nợ.

Mới đây, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của LPBank, cổ đông đã thông qua việc thành lập Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng Lộc Phát (LPBank AMC) với vốn điều lệ 200 tỷ đồng trong năm nay.

Theo giải trình của ban lãnh đạo LPBank, việc xử lý tài sản bảo đảm và các khoản nợ tồn đọng hiện vẫn gặp nhiều rào cản về pháp lý lẫn vận hành, nên cần lập Công ty để chuyên môn hóa công tác quản lý và xử lý nợ xấu.

Hiện nay các ngân hàng lớn tại Việt Nam như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)... đều có công ty mua bán nợ.

Thực tế, thị trường nợ xấu Việt Nam có quy mô đủ hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian qua, có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Công ty TNHH Mua bán nợ OK, Công ty TNHH Mua bán nợ Welcome, Công ty Quản lý Tài sản Hàn Quốc (KAMCO)... quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư vào thị trường mua bán nợ tại Việt Nam.

Tuy vậy, hiện nay, việc mua bán nợ vẫn diễn ra loanh quanh giữa Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và các công ty mua bán nợ trực thuộc các ngân hàng thương mại (AMC) trong nước. Việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia “chợ” nợ xấu dù được đặt ra từ rất sớm nhưng chưa được triển khai hiệu quả.

Lãnh đạo công ty mua bán nợ của một ngân hàng cho biết, hiện nay, thông tin về nợ xấu cơ bản đã minh bạch và đầy đủ. Lý do chính khiến “chợ” chưa thể phát triển là hành lang pháp lý chưa đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư, chưa hấp dẫn được nhà đầu tư nước ngoài.

Do đó, các chuyên gia và ngân hàng cho rằng việc luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và ban hành thông tư mới về AMC sẽ kích thích thị trường nợ phát triển, thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/sap-co-quy-dinh-moi-ve-cong-ty-mua-ban-no-cua-to-chuc-tin-dung-1106984.html
Zalo