Đà Nẵng: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao - động lực thúc đẩy tăng trưởng
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không còn là lựa chọn, mà là nhiệm vụ cấp thiết, là động lực nền tảng để đưa thành phố phát triển nhanh, bền vững, mang bản sắc riêng, thích ứng với xu thế toàn cầu hóa và chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Đà Nẵng đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo
Tại Tọa đàm khoa học “Các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong kỷ nguyên mới” do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh nhấn mạnh trong chiến lược phát triển bền vững của thành phố, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đóng vai trò then chốt.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, thành phố có những kết quả nổi bật về KH&CN và đổi mới sáng tạo, đóng góp rõ nét vào sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là sự chuyển hướng lấy KH&CN và đổi mới sáng tạo làm nền tảng quan trọng, động lực chủ yếu để thúc đẩy phát triển kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng và hướng đến sự phát triển của doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chung nhấn mạnh việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không còn là lựa chọn, mà là nhiệm vụ cấp thiết, là động lực nền tảng để đưa thành phố phát triển nhanh, bền vững. Ảnh: danang.gov.vn
Đà Nẵng đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng nhằm tạo động lực phát triển khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nổi bật như: Các chương trình hợp tác chiến lược với các trường đại học, viện nghiên cứu lớn; chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; đầu tư trọng điểm vào hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, các mô hình đào tạo kết hợp với thực tiễn doanh nghiệp, viện – trường; các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
"Đà Nẵng đã đạt nhiều thành tựu trong chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, nhưng vẫn đối mặt với thách thức về cân đối ngành nghề, liên kết đào tạo và chính sách thu hút nhân tài. Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không còn là lựa chọn, mà là nhiệm vụ cấp thiết, là động lực nền tảng để đưa thành phố phát triển nhanh, bền vững, mang bản sắc riêng, thích ứng với xu thế toàn cầu hóa và chuyển đổi xanh, chuyển đổi số", ông Lê Trung Chinh nhìn nhận.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ ở số lượng mà còn ở chiều sâu trí tuệ, bản lĩnh hội nhập và năng lực thích ứng công nghệ được xác định là nhiệm vụ xuyên suốt, là khâu đột phá chiến lược của thành phố.

Trung tâm vi mạch bán dẫn và công nghệ thông tin - nơi đào tạo giảng viên nguồn lĩnh vực vi mạch bán dẫn Đà Nẵng được đặt tại Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Hàn.
Liên kết cơ sở đào tạo - doanh nghiệp: Chìa khóa phát triển nhân lực
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng có tiềm năng lớn để trở thành một trong ba trung tâm đào tạo và đổi mới sáng tạo của cả nước.
“Đà Nẵng có lợi thế tiềm năng của thành phố đại học. Đây là một lợi thế lớn, đặc thù riêng có của Đà Nẵng, là điều kiện thuận lợi để Đà Nẵng phát triển trở thành trung tâm đào tạo, trung tâm nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Cần phải đánh giá đúng mức để đưa vào Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ tới nhằm phát huy lợi thế quan trọng này”, ông Vũ nói.
Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn mới, thành phố có chủ trương tăng sự chủ động của doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá hiệu quả đầu ra để việc đào tạo thực sự gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và của xã hội. Mặt khác, thành phố xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đặc biệt là về công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo.

Khu Công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng.
Các cơ sở đào tạo đổi mới chương trình đào tạo theo hướng thực tiễn, tích hợp kỹ năng số, kỹ năng mềm và ngoại ngữ. Các trường Đại học tích hợp STEM từ phổ thông, đào tạo lập trình, tư duy số từ bậc trung học cơ sở. Đà Nẵng cũng có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, nâng cao mức vay cho sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh theo học các ngành nghề ưu tiên, công nghệ chiến lược.
Gợi ý chiến lược cho Đà Nẵng, GS. Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Nhật Bản) nhận định, Việt Nam đang tiến gần ngưỡng thu nhập trung bình cao nhưng vẫn đối mặt với thách thức năng suất lao động thấp do công nghiệp hóa thiên về gia công, khu vực tư nhân yếu. Trong bối cảnh này, việc chuyển đổi mô hình phát triển, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực doanh nghiệp và đào tạo nhân lực chất lượng cao là những yếu tố then chốt để tăng trưởng bền vững.
"Tương tự trường hợp TP. Hợp Phì (Trung Quốc), một địa phương vươn lên mạnh mẽ nhờ hạ tầng hiện đại, lãnh đạo quyết liệt và mô hình hợp tác công - tư hiệu quả, Đà Nẵng cần xây dựng hệ thống hạ tầng cứng và mềm vượt trội, đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, môi trường sống và văn hóa hấp dẫn để thu hút các tập đoàn toàn cầu", GS. Trần Văn Thọ đề xuất.
Ông khuyến nghị lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cần chủ động tiếp cận, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp tiềm năng để cải thiện môi trường đầu tư, thậm chí cân nhắc mô hình góp vốn nhà nước - doanh nghiệp trong những trường hợp cụ thể để tạo động lực phát triển bứt phá.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng KH&CN, Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam cho rằng Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực trong phát triển khoa học và công nghệ (KHCN), đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung. Do đó Đà Nẵng cần tận dụng cơ hội từ Nghị quyết 57 để đột phá chính sách, đặc biệt trong đầu tư cho nghiên cứu - phát triển (R&D).
Ông cũng nhấn mạnh việc thí điểm Quỹ đầu tư mạo hiểm có vốn nhà nước, kết hợp xã hội hóa, để hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và thương mại hóa nghiên cứu. Mô hình này có thể là đòn bẩy hoàn thiện hành lang pháp lý cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.