10 người giàu nhất tại Mỹ kiếm 365 tỷ USD trong 1 năm

Để so sánh, 10 người lao động Mỹ với mức thu nhập trung bình phải mất 726.000 năm mới kiếm được số tiền 365 tỷ USD...

Theo chiều kim đồng hồ từ trên bên trái: Warren Buffet, Mark Zuckerberg, Elon Musk, Larry Ellison, Jeff Bezos, Jim Walton, Rob Walton, Steve Ballmer, Sergey Brin, Larry Page. Đây là 10 tỷ phú giàu nhất tại Mỹ - Ảnh: Getty Images/Reuters/USA Today Sports

Theo chiều kim đồng hồ từ trên bên trái: Warren Buffet, Mark Zuckerberg, Elon Musk, Larry Ellison, Jeff Bezos, Jim Walton, Rob Walton, Steve Ballmer, Sergey Brin, Larry Page. Đây là 10 tỷ phú giàu nhất tại Mỹ - Ảnh: Getty Images/Reuters/USA Today Sports

Theo một phân tích mới từ tổ chức Oxfam International, trong 12 tháng qua, dù có một số giai đoạn thị trường tài chính trải qua cơn hoảng loạn ngắn hạn, tổng tài sản của 10 người giàu nhất tại Mỹ tăng thêm 365 tỷ USD. Theo đó, mỗi ngày nhóm tỷ phú này “bỏ túi” 1 tỷ USD.

Để so sánh, trong năm 2023, người lao động Mỹ chỉ kiếm được bình quân hơn 50.000 USD. Theo phân tích của Oxfam, 10 người lao động Mỹ với mức thu nhập trung bình phải mất 726.000 năm mới kiếm được số tiền 365 tỷ USD.

Những con số trên cho thấy sự bất bình đẳng thu nhập tại nền kinh tế lớn nhất thế giới và được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy một dự luật có tên “One Big Beautiful”.

Dự luật này gia hạn vĩnh viễn các chính sách trong Đạo luật Giảm thuế và Việc làm năm 2017 từ nhiệm kỳ trước của ông Trump và cắt giảm gần 1 tỷ nghìn tỷ USD từ các chương trình an sinh xã hội quan trọng như Medicaid, SNAP.

“Tài sản của các tỷ phú tăng lên chóng mặt trong khi nhiều người lao động bình thường vẫn phải vật lộn để kiếm sống”, bà Rebecca Riddell, giám đốc chính sách cấp cao về công lý kinh tế và chủng tộc tại Oxfam America, nhận xét trong báo cáo phân tích trên.

Để đo lường tốc độ tăng tài sản của 10 người giàu nhất nước Mỹ, Oxfam dựa trên số liệu thống kê tài sản của các tỷ phú theo thời gian thực từ cuối tháng 4/2024 đến cuối tháng 4/2025 của tạp chí Forbes.

Trong đó, ông Elon Musk, CEO hãng xe điện Tesla và hiện là người giàu nhất thế giới, chiếm hơn 50% số tài sản tăng thêm của top 10 tỷ phú. Trong 1 năm qua, tài sản của vị tỷ phú tăng thêm 186,1 tỷ USD. Một phân tích vào mùa thu năm ngoái cho thấy ông Musk đang trên đà trở thành người sở hữu nghìn tỷ USD đầu tiên trên thế giới. Tính tới ngày 21/5/2025, tài sản của ông Musk là 416 tỷ USD.

Tài sản của ông Mark Zuckerberg, CEO công ty Meta Platforms, và ông Rob Walton, người thừa kế đế chế bán lẻ Walmart, tăng thêm 38,7 tỷ USD mỗi người. Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett “bỏ túi” thêm 34,8 tỷ USD, còn ông Jim Walton, cũng là người thừa kế Walmart, tăng thêm 36,5 tỷ USD.

Trong năm qua, một số tỷ phú như hai người đồng sáng lập Google Larry Page và Sergey Brin ghi nhận tài sản sụt giảm.

Theo Oxfam, dự luật trên, một ưu tiên trong chương trình nghị sự của ông Trump, sẽ gây thêm khó khăn cho người dân thường và mang lại lợi ích cho nhóm người giàu nhất nước Mỹ.

“Chúng ta đang chứng kiến một dự luật về thuế có thể mang lại cho thế giới một người sở hữu nghìn tỷ USD đầu tiên”, bà Riddell nhận xét.

Một số người theo chủ nghĩa cấp tiến kêu gọi chống lại tình trạng bất bình đẳng bằng cách áp thuế tài sản đối với tỷ phú và người siêu giàu. Theo phân tích của Oxfam, chỉ cần áp mức thuế 3% với tài sản trên 1 tỷ USD của 10 người giàu nhất có thể mang về số tiền thuế 50 tỷ USD, đủ để cung cấp lương thực trong vòng 1 năm cho 22,5 triệu người.

Tất nhiên, việc đánh thuế tài sản không dễ, một phần bởi rất khó để định giá chính xác tài sản. Bên cạnh đó, việc này có trái hiến pháp hay không cũng là một câu hỏi được đặt ra.

Trong khi đó, Nhà Trắng khẳng định các ưu tiên về ngân sách của ông Trump sẽ giúp người Mỹ sống sung túc hơn và kéo dài những thành quả từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông.

“Trên thực tế, vào nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, sự bất bình đẳng về tài sản ở Mỹ đã lần đầu tiên giảm xuống sau nhiều thập kỷ nhờ chương trình nghị sự gồm việc cắt giảm thuế, bãi bỏ nhiều quy định, tăng sản xuất năng lượng trong nước và thuế quan”, hãng tin CNN dẫn lời phát ngôn viên Nhà Trắng Kush Desai trong một tuyên bố gần đây. “Dự luật One, Big, Beautiful gồm nhiều trong số những chính sách thành công đó, bao gồm chính sách giảm thuế mang tính lịch sử từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, nhằm hồi sinh sự thịnh vượng cho người dân Mỹ”.

Dự luật trên được đưa ra trong bối cảnh khối nợ cao kỷ lục 36 nghìn tỷ USD của Chính phủ Mỹ gây quan ngại lớn. Tổ chức Moody’s Ratings tuần trước hạ xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Mỹ từ mức cao nhất xuống thứ hạng hai do lo ngại về mức nợ công và số tiền trả lãi nợ công ngày càng lớn của chính phủ nước này. Theo đó, Mỹ hiện được xếp hạng thứ hai về mức độ tín nhiệm bởi tất cả các tổ chức xếp hạng lớn, bao gồm Moody’s, S&P và Fitch Ratings.

Ủy ban Ngân sách Liên bang Có trách nhiệm (CRFB), một tổ chức giám sát tài chính độc lập và phi lợi nhuận, ước tính dự luật trên có thể làm tăng đáng kể thâm hụt ngân sách chính phủ Mỹ trong ngắn hạn khi làm tăng thêm 3,3 nghìn tỷ USD nợ công trong một thập kỷ, bao gồm cả tiền lãi. Con số này sẽ là 5,2 nghìn tỷ USD nếu các điều khoản hiện đang được thực thi có thời hạn trở thành vĩnh viễn.

Ngọc Trang

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/10-nguoi-giau-nhat-tai-my-kiem-365-ty-usd-trong-1-nam.htm
Zalo