Nghệ An hành động để gỡ nút thắt cho doanh nghiệp

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản yêu cầu chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, khắc phục hạn chế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An thăm và làm việc tại một doanh nghiệp trên địa bàn.

Lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An thăm và làm việc tại một doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo Công văn số 4368/UBND-KSTT, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tiếp tục chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, giải quyết dứt điểm các phản ánh, kiến nghị nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng điều hành, phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Chấn chỉnh các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý về tinh thần, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp; phê bình, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Chấm dứt ngay tình trạng doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính và các hoạt động khác liên quan đến cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu rà soát, thiết lập, duy trì đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị một cách thực chất, hiệu quả; tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp nhận, xử lý ngay các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về việc phải trả chi phí không chính thức cho cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức (nếu có).

Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, thúc đẩy đối thoại công - tư và cải thiện hiệu quả thực thi chính sách để đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, hướng tới mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 của tỉnh Nghệ An là 10,5%.

Triển khai các giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh nâng cao năng lực sản xuất, kết nối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để hình thành chuỗi cung ứng nội địa bền vững.

Đồng thời đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt tập trung vào các vị trí kỹ thuật chuyên môn và quản lý giám sát thông qua hợp tác với các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề và chương trình thực tập thực tế tại doanh nghiệp.

Yêu cầu Sở Tài chính hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tham gia tích cực, hiệu quả vào phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, thích ứng biến đổi khí hậu.

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu các kết quả về môi trường kinh doanh và cải thiện chất lượng quản trị môi trường để tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế và phải hoàn thành trong tháng 6/2025.

Trước đó, theo Báo cáo chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024, Nghệ An đạt 66,48 điểm, xếp thứ 44/63 tỉnh, thành của cả nước, giữ nguyên thứ hạng so với năm 2023, xếp thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ (sau tỉnh Thanh Hóa).

Đáng nói hơn, chỉ số chi phí không chính thức của Nghệ An không có sự chuyển biến (đạt 6,45 điểm). Thực tế này cho thấy, vẫn còn những rào cản, những điểm nghẽn, bất cập trong quản lý, điều hành và thực thi công vụ khiến cộng đồng doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng.

Minh Đức

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nghe-an-hanh-dong-de-go-nut-that-cho-doanh-nghiep.html
Zalo