Cơ hội mở rộng cho vay tín chấp ngành lúa gạo
Hàng nghìn nông hộ sản xuất lúa đã tiếp cận được các khoản vay không có tài sản đảm bảo từ các NHTM. Song cầu vay vốn tín chấp của bà con rất lớn. Do đó cơ chế cho vay tín chấp lĩnh vực lúa gạo đang được xem xét triển khai nhân rộng tại các mô hình liên kết chuỗi giá trị và các mô hình tham gia Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao.
Dư nợ trăm tỷ không cần tài sản thế chấp
Theo thông tin từ KienlongBank, thời gian qua, ngân hàng này đã phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam triển khai chương trình cho vay tín chấp tại nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tại Kiên Giang, sau hơn 6 tháng triển khai (từ cuối tháng 9/2024 đến tháng 4/2025) ngân hàng này đã giải ngân 155,5 tỷ đồng cho 1.831 hộ nông dân, với hạn mức vay tối đa 500 triệu đồng/hộ, không yêu cầu tài sản đảm bảo.
Ông Đỗ Trần Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang cho hay, theo kế hoạch phối hợp với KienlongBank chi nhánh Rạch Giá, từ nay đến cuối năm 2025, hai bên sẽ phấn đấu giải ngân khoảng 500 tỷ đồng vốn vay, hỗ trợ khoảng 7.000 hội viên Hội Nông dân được tiếp cận nguồn vốn. Trong khi đó, về phía ngân hàng, ông Lê Trung Hưng, Giám đốc KienlongBank chi nhánh Kiên Giang nhận định, ưu điểm lớn nhất của chương trình là quy trình nhanh gọn, không yêu cầu tài sản thế chấp, các khoản vay được xét duyệt dựa trên năng lực trả nợ, phương án sử dụng vốn và uy tín cá nhân (thông qua đánh giá của tổ vay vốn) nên đều rất chặt chẽ, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích.
Ngoài Kiên Giang, hiện tại KienlongBank cũng đã cho vay hơn 27,4 tỷ đồng cho nông dân trồng lúa tại Bạc Liêu theo cách thức tương tự. Ngân hàng này cũng đã triển khai thêm gói tín dụng ưu đãi 1.000 tỷ đồng dành cho các chủ thể OCOP với hạn mức vay tín chấp lên đến 500 triệu đồng. Các địa phương khác, hiện cũng đang có nhu cầu và kiến nghị mở rộng chính sách cho vay tín chấp với hộ dân, hợp tác xã sản xuất lúa, sản xuất rau màu.
Theo quan sát của phóng viên tại một số địa phương, hiện nay nhu cầu vay tín chấp để đầu tư kho sấy và nâng cấp giống chất lượng cao của các HTX là rất lớn. Đại diện các hợp tác xã lớn như HTX Tiến Dũng (Cờ Đỏ, Cần Thơ), HTX Thuận Thắng (Thới Lai, Cần Thơ) cho biết, thời gian qua chính quyền địa phương và các NHTM cũng đã khảo sát nhu cầu vốn và đặt vấn đề triển khai các gói vay phục vụ HTX, nông hộ tham gia các mô hình liên kết với doanh nghiệp hoặc tham gia Đề án 1 triệu hecta lúa gạo chất lượng cao.
Về phía ngân hàng, Agribank đã cam kết sẽ triển khai cho vay không cần tài sản thế chấp đến 3 tỷ đồng dành cho các HTX sản xuất lúa gạo (tùy theo quy mô và hợp đồng liên kết). Ngân hàng cũng đã dành ra khoảng 30.000 tỷ đồng để thời gian tới cho vay các thành phần tham gia thực hiện Đề án 1 triệu hecta lúa gạo chất lượng cao vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, hiện vẫn đang chờ ngành nông nghiệp và địa phương xác định xong vùng chuyên canh và danh sách các đơn vị liên kết chuỗi mới có thể ký hợp đồng, giải ngân.

Nhiều NHTMCP cung cấp dịch vụ cho sản xuất và kinh doanh lúa gạo
Cần thêm cơ sở pháp lý bảo lãnh vay tín chấp
Mặc dù đồng tình với việc mở rộng cho vay tín chấp đối với sản xuất lúa gạo nói riêng và nông - thủy sản nói chung, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, việc triển khai cho vay không có tài sản đảm bảo cần kết hợp chặt chẽ với chính sách bảo lãnh công khai, minh bạch từ ngân sách Nhà nước hoặc các quỹ hỗ trợ nông nghiệp, đồng thời gia tăng các chính sách bảo hiểm nông nghiệp để có cơ sở bảo vệ cho cả ngân hàng và nông dân.
TS. Trần Minh Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam (Vietrisa) cho rằng, đối với các mô hình liên kết sản xuất lúa, các ngân hàng có thể xem xét nghiên cứu mô hình cho vay tín chấp thông qua cá nhân trong HTX. Theo đó, thay vì HTX đứng ra vay, có thể phân bổ hạn mức vay tín chấp cho các thành viên dựa trên cam kết bảo lãnh của doanh nghiệp liên kết và chính quyền địa phương. Việc phân bổ hạn mức này giúp gia tăng tính chủ động và trách nhiệm cho các thành viên HTX, đồng thời tháo gỡ một số nút thắt pháp lý khiến các mô hình kinh tế tập thể khó tiếp cận vốn vay.
Tuy nhiên, ông Cao Thăng Bình, chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của WB tại Việt Nam cho rằng, để các ngân hàng có thể gia tăng cho vay tín chấp thì khung pháp lý về bảo lãnh các khoản vay này cần rõ ràng. Trong đó, cơ chế kiểm soát rủi ro, các tiêu chí tín nhiệm, cơ sở dữ liệu sản xuất, hợp đồng liên kết và năng lực tài chính của khách hàng phải được đánh giá kỹ ngay từ giai đoạn thẩm định và xem xét hỗ trợ vốn.
Đại diện một số NHTM cũng nhận định rằng, việc cho vay nông nghiệp với tỷ lệ tín chấp cao, giải ngân theo nhu cầu dòng tiền từng thời điểm của dự án giai đoạn trước đã được thực hiện với nhiều mô hình liên kết chuỗi giá trị nông sản theo chủ trương của Chính phủ và NHNN. Tuy nhiên, nhiều mô hình sau đó gặp khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngân hàng.
Vì thế, nếu các bộ, ngành, địa phương muốn các ngân hàng nhân rộng các khoản vay tín chấp với Đề án 1 triệu hecta lúa gạo hoặc các chuỗi liên kết giá trị nông sản thì ngoài việc hoàn thiện các cơ chế pháp lý chung về bảo lãnh, kiểm soát rủi ro, ràng buộc trách nhiệm của các bên trong chuỗi giá trị thì cần chủ động hợp tác với từng NHTM để phối hợp xây dựng những quy chế, cơ chế, hướng dẫn triển khai các khoản vay phù hợp, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn và hạn chế tối đa rủi ro cho cả ngân hàng và các mô hình được nhận các khoản vay tín chấp.