Trên 150 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong phát triển nông nghiệp

Chiều tối 15/5, tại Hà Nội, Khoa Kinh tế và quản lý, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Sinh viên với khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế số.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

PGS.TS. Nguyễn Mậu Dũng, Phó trưởng Khoa Kinh tế và quản lý, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Các sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam tích cực tham gia nhiều dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Năm 2024, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có trên 150 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Riêng Khoa Kinh tế và quản lý có nhiều dự án thiết thực như: Xây dựng cơ sở giết mổ tập trung và chế biến thịt lợn sạch LEANMEAT; Hệ thống bán hàng trực tuyến sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre; Phối giống thành công gà H'mông (Yên Bái) thuần chủng bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.

Trong 5 năm 2020-2024, Khoa Kinh tế và quản lý có 24 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên. Các đề tài nghiên cứu đều phản ánh nhu cầu thực tế trong sản xuất và quản lý. Một số đề tài đáng lưu ý như: Chuyển đổi số trong chăn nuôi gia súc trên địa bàn huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên); Giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động du lịch trên địa bàn huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình; Phát triển du lịch trải nghiệm gắn với nông nghiệp sinh thái trên địa bàn huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang…

Ông Nguyễn Mậu Dũng chia sẻ, Khoa Kinh tế và quản lý là đơn vị đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện nghiên cứu sáng tạo, phát triển và chuyển giao tri thức khoa học, công nghệ và cung cấp các dịch vụ tư vấn trong các lĩnh vực: kinh tế, kinh tế nông nghiệp, quản lý kinh tế, quản lý nguồn nhân lực và phát triển nông thôn. Khoa cam kết đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Là một trong những ngành đào tạo truyền thống và sớm nhất tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ngành Kinh tế nông nghiệp được định hướng đào tạo theo chuẩn quốc tế, gắn với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động và cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Học viện cũng chú trọng đào tạo cử nhân ngành kinh tế đầu tư theo định hướng hội nhập, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chuyên môn, kỹ năng và tư duy sáng tạo trong thời đại phát triển năng động.

Sinh viên không chỉ được trang bị kiến thức nền tảng vững chắc mà còn được khuyến khích tham gia vào các đề tài nghiên cứu khoa học, chương trình hợp tác nghiên cứu trong nước và quốc tế, các hoạt động trao đổi sinh viên, chương trình thực tập thực tế tại doanh nghiệp, tổ chức, trang trại trong và ngoài nước.

Đặc biệt, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, giúp sinh viên hình thành tư duy kinh doanh, khả năng giải quyết vấn đề và hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo. Các chương trình, cuộc thi về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo luôn được tổ chức thường xuyên, tạo môi trường năng động để sinh viên phát triển toàn diện.

Nhiều sinh viên khởi nghiệp thành công chia sẻ câu chuyện, kinh nghiệm trong khởi nghiệp. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nhiều sinh viên khởi nghiệp thành công chia sẻ câu chuyện, kinh nghiệm trong khởi nghiệp. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Hướng tới năm 2035, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng Khoa Kinh tế và Quản lý trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao hàng đầu trong nước và khu vực. Với các sản phẩm, dịch vụ khoa học công nghệ có chất lượng, khoa sẽ tiếp tục đồng hành cùng quá trình hội nhập quốc tế và chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện của nền kinh tế.

Từ kinh nghiệm khởi nghiệp trong ngành hoa, cây cảnh, ông Lê Văn Duy, Giám đốc Công ty TNHH Cây công trình Lê Duy chia sẻ, Học viện nông nghiệp Việt Nam được biết đến là cái nôi của giống cây trồng chuẩn xịn nên dựa vào uy tín đó bắt đầu buôn bán cây giống và các sản phẩm nông nghiệp. Do đó, ông bắt đầu từ kinh doanh nhỏ lẻ giống cây ăn quả cho người quen, nhiều khách hàng biết đến và giới thiệu cho nhau rồi mở rộng sang bán cây hoa cảnh qua nhiều nguồn.

Từ buôn bán nhỏ lẻ, có lượng khách hàng ổn định, ông Duy tích cóp vốn rồi tìm đến vùng sản xuất, đầu tư cùng nông dân, mở rộng hệ thống vườn, thuê thêm nhiều công nhân. Từ đó, khách hàng được mở rộng và ông đã thành lập được công ty.

“Trước khi tốt nghiệp, tôi đã định hướng được công việc, tự mua được 20 hecta rừng để trồng cây công trình và tích góp được vốn để kinh doanh. Sau khi ra trường là thành lập công ty và phát triển đến thời điểm hiện tại”, ông Lê Duy chia sẻ.

Nói về thị trường hoa cây cảnh, ông Lê Duy cũng đánh giá, xu hướng trồng cây xanh trong nhà, ban công, sân thượng ngày càng phổ biến ở đô thị. Cây mini để bàn, cây phong thủy, bonsai mini được ưa chuộng bởi từng gia đình do dễ chăm sóc và mang ý nghĩa phong thủy.

Bên cạnh đó, xu hướng cây cảnh gắn với yếu tố sinh thái – bền vững; cơ hội xuất nhập khẩu cây hoa cảnh và các sản phẩm nông nghiệp dễ dàng. Vào dịp Tết và lễ hội nhu cầu hoa cây cảnh tăng mạnh. Đặc biệt đây là sản phẩm dễ dàng bán hàng online qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tren-150-du-an-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-trong-phat-trien-nong-nghiep/373739.html
Zalo