'Bán tháng 5' hay ngược sóng thị trường?

Trong bối cảnh thị trường chưa thực sự ổn định và nhiều yếu tố ngoại lực còn tiềm ẩn rủi ro, giới phân tích khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì thế phòng thủ, thận trọng trong phân bổ vốn và ưu tiên nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản vững chắc...

Tháng 4 vừa qua, VN-Index đã ghi nhận mức suy giảm đáng kể 5,9% sau khi Mỹ bất ngờ áp thuế đối ứng lên tới 46% đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Cùng thời điểm, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang cũng khiến nhà đầu tư toàn cầu trở nên thận trọng hơn.

Dù chịu áp lực lớn, thị trường Việt Nam đã nhận được một số yếu tố hỗ trợ quan trọng vào cuối tháng 4. Trong đó, nổi bật là việc Mỹ tạm dừng áp dụng mức thuế mới trong 90 ngày và cam kết tiếp tục đối thoại. Bên cạnh đó, FTSE Russell giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng thị trường mới nổi thứ cấp, GDP quý 1/2025 tăng 6,93% - mức cao nhất trong 5 năm - và cuộc đối thoại trực tuyến với Bộ Thương mại Hoa Kỳ được đánh giá tích cực.

Nhờ những yếu tố trên, chỉ số VN-Index đã phục hồi phần nào, trở lại vùng 1.200 - 1.230 điểm, thiết lập trạng thái cân bằng tạm thời, dù vẫn thấp hơn khoảng 8% so với trước thời điểm công bố thuế đối ứng.

Về thanh khoản, thị trường có tín hiệu cải thiện rõ rệt. Tổng giá trị giao dịch bình quân ba sàn đạt 26,6 nghìn tỷ đồng (tương đương 858,8 triệu USD), tăng 17,1% so với tháng 3. Tuy nhiên, khối ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng mạnh – tổng cộng 39,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 1,5 tỷ USD) từ đầu năm, riêng tháng 4 là 13,2 nghìn tỷ đồng, cao nhất kể từ tháng 6/2024.

VN-INDEX SẼ VẬN ĐỘNG RA SAO?

Như thói quen hàng năm, cứ đầu tháng 5, các nhà đầu tư thường nhắc đến câu ngạn ngữ nổi tiếng trong giới tài chính "Sell in May and Go Away” - ám chỉ nên bán hết cổ phiếu trong tháng 5 và đi chơi, chờ thời điểm tốt hơn để quay trở lại.

Điều này xuất phát từ việc, thị trường thường rơi vào tình trạng thiếu vắng thông tin ở thời điểm này, khiến cho tâm lý giao dịch cầm chừng, nhà đầu tư cũng hạn chế giải ngân hơn. Thậm chí, một số còn quyết tâm bán, “hold” lại tiền mặt và danh mục để tìm kiếm cơ hội trong tháng mới.

Dù vậy, theo thống kê, trong tháng 5 của 10 năm giao dịch gần nhất, hiệu ứng “Sell In May” đã bị lấn át bởi “Buy In May”, khi có tới 7 lần tăng và chỉ 3 lần giảm.

Nhìn chung khoảng 5, 6 năm trở lại đây, tháng 5/2020 là đáng chú ý nhất, khi đó là thời điểm đời sống xã hội bị đảo lộn bởi dịch Covid-19, nhưng thị trường lại bật tăng mạnh mẽ, với hiệu ứng dòng tiền của thế hệ nhà đầu tư mới (F0), thanh khoản đạt hơn 111.682 tỷ đồng, tăng gần 33% so với tháng trước đó và giúp VN-Index tăng 12,4%.

Trong tháng 5 gần nhất, năm 2024, chỉ số VN-Index tăng hơn 4,3% so với tháng trước đó. Khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 826 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 21.594 tỷ đồng/phiên, tương ứng giảm nhẹ 1,96% về khối lượng và tăng 1,03% về giá trị so với tháng 4/2024.

Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư cũng không nên quá bi quan về diễn biến thị trường chứng khoán trong tháng 5 này.

Nhìn về triển vọng thị trường chứng khoán tháng 5/2025, phần lớn các công ty chứng khoán đều bày tỏ sự lạc quan nhờ vào nhiều yếu tố tích cực từ nền kinh tế vĩ mô, kết quả kinh doanh quý 1/2025 khởi sắc, chính sách đầu tư công và kỳ vọng nâng hạng thị trường. Mới đây, thông tin hệ thống công nghệ mới (KRX) vận hành ổn định và thông suốt cũng có tác động tích cực tới tâm lý nhà đầu tư.

Chứng khoán VNDirect nhận định, VN-Index có thể dao động trong vùng 1.200 - 1.280 điểm khi nhà đầu tư chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn từ các vòng đàm phán thương mại giữa Mỹ và Việt Nam, bắt đầu từ ngày 7/5. Khả năng vượt qua ngưỡng kháng cự mạnh tại vùng 1.270 - 1.280 điểm sẽ phụ thuộc nhiều vào kết quả đàm phán thương mại theo hướng một mức thuế đối ứng thấp hơn, về dưới 20%, hoặc trong kịch bản Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế.

Chứng khoán SSI lại cho rằng VN-Index đang trong quá trình tích lũy và có thể kiểm định lại vùng 1.280 – 1.300 điểm. Tuy vậy, nhóm phân tích cảnh báo đây chỉ là nhịp hồi kỹ thuật trong xu hướng trung tính nghiêng về giảm, khi các chính sách thuế tại Mỹ vẫn chưa rõ ràng.

Ở một góc nhìn lạc quan hơn, Chứng khoán SHS cho rằng thị trường đã chiết khấu đủ sâu, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư trung hạn tham gia. Theo dự báo của SHS, chỉ số VN-Index sẽ dao động trong vùng 1.150 – 1.270 điểm trong thời gian tới.

Cùng quan điểm thận trọng, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) đánh giá rằng dù tín hiệu kỹ thuật đã có cải thiện, nhưng sự thiếu chắc chắn từ dòng vốn ngoại và tình hình kinh tế toàn cầu khiến khả năng bứt phá mạnh vẫn còn hạn chế. MASVN đưa ra vùng kỳ vọng cho chỉ số là 1.280 – 1.300 điểm.

Trong khi đó, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) bày tỏ lo ngại về khả năng điều chỉnh kỹ thuật khi VN-Index tiếp cận ngưỡng kháng cự mạnh quanh mốc 1.300 điểm, đặc biệt là khi tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa thực sự ổn định và thiếu vắng động lực từ nhóm tổ chức.

Ngược lại, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) và Chứng khoán An Bình (ABS) đưa ra dự báo tích cực hơn khi tin rằng VN-Index có thể tiến sát mốc 1.300, thậm chí hướng tới 1.313 điểm. Theo hai đơn vị này, kết quả kinh doanh quý 1 khả quan của nhiều doanh nghiệp cùng với kỳ vọng về sự ổn định trong chính sách tiền tệ và câu chuyện nâng hạng thị trường là những yếu tố hỗ trợ đáng kể.

TRÁNH RỦI RO NGẮN HẠN, ĐÓN ĐẦU XU HƯỚNG DÀI HẠN

Trong bối cảnh thị trường chưa thực sự ổn định và nhiều yếu tố ngoại lực còn tiềm ẩn rủi ro, giới phân tích khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì thế phòng thủ, thận trọng trong phân bổ vốn và ưu tiên nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản vững chắc.

VNDirect cho rằng các nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức hợp lý, tránh lạm dụng đòn bẩy và chờ tín hiệu rõ ràng hơn từ thị trường. Nếu VN-Index lùi về vùng 1.200–1.220 điểm, đây có thể là thời điểm phù hợp để giải ngân hoặc gia tăng tỷ trọng.

SSI Research đánh giá rằng các nhóm ngành như bất động sản, khu công nghiệp, dầu khí, hóa chất, thực phẩm đồ uống (bao gồm thủy sản), hàng tiêu dùng cá nhân, dệt may, ngân hàng, chứng khoán và xây dựng đang dần mở ra cơ hội, đặc biệt trong rổ vốn hóa trung bình (VNMidcap), khi kỳ vọng về kết quả đàm phán thuế quan trở nên tích cực hơn. Ngược lại, nếu kết quả không như kỳ vọng, các nhịp điều chỉnh lại có thể trở thành cơ hội để tích lũy nhóm cổ phiếu ít chịu ảnh hưởng trực tiếp.

MASVN giữ cái nhìn tích cực với thị trường nhờ nền tảng vĩ mô ổn định, chính sách hỗ trợ tăng trưởng và dòng tiền nội vững vàng. Tuy vậy, MASVN vẫn khuyến nghị chiến lược đầu tư thận trọng, tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, đặc biệt là những doanh nghiệp được hưởng lợi từ xu hướng đầu tư công, tiêu dùng nội địa và chuyển đổi năng lượng.

Trong khi đó, Agriseco định hướng chiến lược tháng 5 nghiêng về nhóm VN30 và các cổ phiếu đầu ngành có định giá hấp dẫn, kèm theo tiềm năng duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong các quý tới.

Chứng khoán TPS đánh giá dòng tiền trên thị trường đang xoay vòng giữa các nhóm ngành, trong đó nhóm Midcap đang nắm giữ nhiều cơ hội. Các chủ đề đầu tư mà TPS theo đuổi bao gồm: doanh nghiệp có kết quả kinh doanh nổi bật, có tín hiệu phục hồi sau chu kỳ giảm, và doanh nghiệp đang tích lũy tài sản phục vụ tăng trưởng. Ngành được ưu tiên gồm: phân bón, cảng biển – vận tải, bán lẻ, hàng tiêu dùng, thực phẩm, vật liệu xây dựng, bất động sản, khu công nghiệp, hàng không, công nghiệp…

Yuanta Việt Nam (YSVN) cho biết chỉ báo tâm lý đang giảm về vùng bi quan, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư đối với triển vọng dài hạn. Tuy vậy, xu hướng thị trường trong 5–12 tháng tới vẫn được đánh giá là tích cực.

Do đó, việc duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao được khuyến khích, nhất là trong các nhóm thiết bị điện – điện tử, bất động sản, du lịch – giải trí, ngân hàng, xây dựng – vật liệu xây dựng, vận tải, khai khoáng và sản xuất thực phẩm. Ngoài ra, những chủ đề như nâng hạng thị trường, cải cách thể chế và chuyển đổi số cũng được xem là cơ hội đầu tư trung hạn đầy tiềm năng.

Tổng kết lại, chiến lược đầu tư trong tháng 5 nên kết hợp giữa sự thận trọng trong ngắn hạn và tầm nhìn lựa chọn cơ hội mang tính trung dài hạn. Trong điều kiện thị trường chưa có xu hướng rõ nét, việc giữ nhịp đầu tư ổn định, theo sát dòng tiền và tín hiệu kỹ thuật sẽ là yếu tố then chốt giúp kiểm soát rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận.

Bảo Châu

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/ban-thang-5-hay-nguoc-song-thi-truong-post560088.html
Zalo