Cơ hội để phát triển khu công nghệ cao hiệu quả nhất
Tại kỳ họp thứ 22, với đa số đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết quy định về trình tự, thủ tục thành lập, mở rộng, điều chỉnh ranh giới khu công nghệ cao và thực hiện một số thẩm quyền của Ban Quản lý các khu công nghệ cao và khu công nghiệp TP Hà Nội (thực hiện điểm a khoản 1, điểm a, b, c, d khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều 24 Luật Thủ đô).
Luật Thủ đô 2024

Hình ảnh mô hình khu trung tâm Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: N.M
Quy định thành lập khu công nghệ cao
Theo đó, Nghị quyết gồm 7 chương và 30 điều, quy định rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, trình tự, thủ tục thành lập khu công nghệ cao… Trong đó, Điều 4 quy định trình tự, thủ tục thành lập khu công nghệ cao. Cụ thể, Ban Quản lý tổ chức lập hồ sơ đề nghị thành lập khu công nghệ cao như: đề án thành lập khu công nghệ cao; dự thảo Tờ trình của Ban Quản lý gửi UBND TP về việc đề nghị thành lập khu công nghệ; dự thảo Quy chế hoạt động của khu công nghệ cao; dự thảo Quyết định của UBND TP về việc thành lập khu công nghệ cao...
Ban Quản lý gửi văn bản lấy ý kiến của các cơ quan liên quan về hồ sơ đề nghị thành lập khu công nghệ cao. Cơ quan được hỏi ý kiến gửi văn bản tham gia ý kiến cho Ban Quản lý trong thời hạn 10 ngày. Ban Quản lý thành lập Hội đồng thẩm định (HĐTĐ) để đánh giá, thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập khu công nghệ cao. HĐTĐ do Trưởng ban Ban Quản lý làm Chủ tịch Hội đồng, các thành viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, cơ quan chuyên môn có liên quan trực thuộc UBND TP. Trường hợp cần thiết, Ban Quản lý có thể mời đại diện các Bộ, ngành và các chuyên gia thuộc các lĩnh vực liên quan tham gia Hội đồng.
Ban Quản lý gửi hồ sơ đề nghị thành lập khu công nghệ cao để lấy ý kiến của các thành viên HĐTĐ trước khi họp, các thành viên HĐTĐ có trách nhiệm gửi ý kiến cho Ban Quản lý trong thời hạn tối đa 10 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định. Ban Quản lý tổ chức cuộc họp của HĐTĐ để thẩm định hồ sơ trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày Hội đồng được thành lập. Nội dung đánh giá, thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập khu công nghệ cao được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về khu công nghệ cao.
Trên cơ sở ý kiến thẩm định của HĐTĐ và ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan, Ban Quản lý chỉ đạo đơn vị chuyên môn trực thuộc thực hiện chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ đề nghị thành lập khu công nghệ cao để trình UBND TP quyết định thành lập khu công nghệ cao. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Ban Quản lý, UBND TP xem xét, quyết định việc thành lập khu công nghệ cao và ban hành Quy chế hoạt động của khu công nghệ cao. Quyết định thành lập khu công nghệ cao là căn cứ để triển khai lập quy hoạch phân khu, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghệ cao theo quy định của pháp luật về đầu tư công, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghệ cao theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Quy định trình tự mở rộng, điều chỉnh ranh giới khu công nghệ cao
Tại Điều 5 của Nghị quyết quy định trình tự, thủ tục mở rộng, điều chỉnh ranh giới của khu công nghệ cao. Trong đó, trường hợp mở rộng khu công nghệ cao, Ban Quản lý tổ chức lập hồ sơ đề nghị mở rộng khu công nghệ cao gồm: đề án mở rộng khu công nghệ cao; dự thảo Tờ trình của Ban Quản lý gửi UBND TP về việc đề nghị mở rộng khu công nghệ cao; dự thảo Quy chế hoạt động của khu công nghệ cao; dự thảo Quyết định của UBND TP về việc mở rộng khu công nghệ cao...
Trường hợp điều chỉnh ranh giới khu công nghệ cao, Ban Quản lý tổ chức lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh ranh giới khu công nghệ cao, bao gồm: đề án điều chỉnh ranh giới khu công nghệ cao, bao gồm các nội dung sau: căn cứ pháp lý, lý do và sự cần thiết của việc điều chỉnh ranh giới; đánh giá công tác xây dựng, phát triển và hoạt động của khu công nghệ cao hiện hữu; các khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng và phát triển khu công nghệ cao khi điều chỉnh ranh giới, giảm quy mô diện tích; kiến nghị các giải pháp và tổ chức thực hiện; thể hiện phương án điều chỉnh ranh giới khu công nghệ cao trên bản đồ tỷ lệ 1:5.000 - 1:2.000; các nội dung khác có liên quan (nếu có); dự thảo Tờ trình của Ban Quản lý gửi UBND TP về việc đề nghị điều chỉnh ranh giới khu công nghệ cao; dự thảo Quyết định của UBND TP về việc điều chỉnh ranh giới khu công nghệ cao; Ban Quản lý lấy ý kiến các cơ quan liên quan, thành lập HĐTĐ và tổ chức cuộc họp của HĐTĐ để đánh giá, thẩm định hồ sơ đề nghị mở rộng hoặc điều chỉnh ranh giới khu công nghệ cao theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 4 Nghị quyết này. Trên cơ sở ý kiến thẩm định của HĐTĐ và ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan, Ban Quản lý chỉ đạo đơn vị chuyên môn trực thuộc tổ chức chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ đề nghị mở rộng, điều chỉnh ranh giới khu công nghệ cao để trình UBND TP quyết định mở rộng, điều chỉnh ranh giới khu công nghệ cao. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Ban Quản lý, UBND TP xem xét, quyết định mở rộng, điều chỉnh ranh giới khu công nghệ cao.
Trình tự, thủ tục cấp giấy phép xây dựng khu công nghệ cao
Điều 10 quy định trình tự, thủ tục cấp giấy phép xây dựng và điều chỉnh giấy phép xây dựng. Cụ thể, chủ đầu tư dự án nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng, điều chỉnh giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng cho Ban Quản lý. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định, Ban Quản lý thực hiện việc kiểm tra thực địa và lập biên bản ghi nhận hiện trạng, kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Trường hợp hồ sơ, tài liệu còn thiếu, không đúng theo quy định hoặc không đúng với thực tế, Ban Quản lý thông báo bằng văn bản một lần cho chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ. Hồ sơ bổ sung không đáp ứng được các nội dung theo thông báo thì trong thời hạn 3 ngày làm việc, Ban Quản lý thông báo đến chủ đầu tư về lý do không cấp giấy phép xây dựng.
Trường hợp cần thiết, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định, Ban Quản lý gửi văn bản lấy ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước về các lĩnh vực liên quan đến công trình xây dựng. Trong thời hạn 12 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định, các cơ quan được hỏi ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về những nội dung thuộc chức năng quản lý của mình.
Điều 13 quy định trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Cụ thể, nhà đầu tư nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định cho Ban Quản lý. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ban Quản lý gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của Sở Tài chính và các Sở, ngành có liên quan về những nội dung thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của cơ quan đó theo quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định pháp luật có liên quan và gửi về Ban Quản lý trong thời hạn 15 ngày làm việc.
Điều 21 quy định trình tự, thủ tục chấp thuận sử dụng người lao động nước ngoài của nhà thầu. Cụ thể, trước khi tuyển người lao động nước ngoài, nhà thầu nộp hồ sơ cho Ban Quản lý trong đó kê khai số lượng, trình độ, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm của người lao động nước ngoài cần tuyển để thực hiện gói thầu tại Việt Nam và đề nghị tuyển người lao động Việt Nam vào các vị trí công việc dự kiến tuyển người lao động nước ngoài.
Trường hợp nhà thầu có nhu cầu điều chỉnh, bổ sung số lao động đã kê khai thì chủ đầu tư phải xác nhận phương án điều chỉnh, bổ sung nhu cầu lao động cần sử dụng của nhà thầu. Ban Quản lý xem xét, quyết định việc nhà thầu được tuyển người lao động nước ngoài vào các vị trí công việc không tuyển được người lao động Việt Nam trong trường hợp không giới thiệu hoặc cung ứng được người lao động Việt Nam được cho nhà thầu.
Hơn 2 thập kỷ qua, sự ra đời của các khu công nghệ cao đã tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư công nghệ cao từ các DN, tập đoàn trong và ngoài nước, kết hợp có hiệu quả giữa sản xuất với nghiên cứu, chuyển giao, phát triển công nghệ cao và thu hút đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao. Luật Thủ đô 2024 phân quyền cho UBND TP Hà Nội được quyết định thành lập, điều chỉnh, mở rộng ranh giới khu công nghệ cao trên địa bàn TP là điều kiện rất tốt, mở ra kỷ nguyên mới cho khu công nghệ cao ở Hà Nội.
TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương).