Chung cư nghìn tỷ bên sông Tô Lịch: 5 năm vẫn lác đác cư dân, đèn tắt triền miên
Dự án nhà ở thương mại phục vụ tái định cư khu X2, quận Hoàng Mai (Hà Nội) có 750 căn hộ. Sau 5 năm hoàn thành, dự án chỉ có gần 80 căn hộ có người ở.
Hàng trăm căn hộ bỏ trống, nhà đầu tư 'mắc kẹt'
Nằm bên sông Tô Lịch, trên địa bàn phường Đại Kim, quận Hoàng Mai (Hà Nội), dự án nhà ở thương mại phục vụ tái định cư khu X2 gồm 3 tòa chung cư (CT1, CT2, CT3) cao 28 tầng nổi, 3 tầng hầm. Đây là một trong những dự án xây dựng nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng.
Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, năm 2018, Ban Quản lý công trình nhà ở và công sở (Sở Xây dựng Hà Nội) và Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà ở và đô thị Bộ Quốc phòng (MHDI) ký hợp đồng kinh tế về việc đặt hàng tạo lập nhà ở dự án thương mại phục vụ tái định cư trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, MHDI được đặt hàng tạo lập quỹ nhà để bán cho các đối tượng tái định cư. Tổng mức đầu tư ban đầu là 1.300 tỷ đồng, toàn bộ 750 căn hộ tại dự án sẽ được thành phố mua lại.

Dự án nhà ở thương mại phục vụ tái định cư khu X2, nằm bên sông Tô Lịch. Ảnh: Hồng Khanh
Hợp đồng quy định: Sau 12 tháng kể từ ngày công trình đủ điều kiện bố trí tái định cư mà thành phố không bố trí tái định cư hoặc không mua thì MHDI được bán kinh doanh thương mại.
Đến tháng 1/2019, UBND TP Hà Nội có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, trong đó điều chỉnh tổng mức đầu tư lên hơn 1.600 tỷ đồng.
Ngoài ra, thời gian được phép kinh doanh thương mại các căn hộ tái định cư là sau 9 tháng kể từ ngày dự án đủ điều kiện đưa vào sử dụng, nếu còn căn hộ chưa bố trí hoặc người được bố trí không nhận nhà.
Tháng 9/2020, cả 3 tòa nhà được Bộ Xây dựng nghiệm thu hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Tại dự án này, Hà Nội đã bố trí 747/750 căn tái định cư cho các dự án giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, kể từ thời điểm nghiệm thu đến nay, mới có 81 căn có quyết định bán nhà, với 77 căn có người về ở lác đác ở cả 3 tòa, có khi cả tòa nhà chỉ hơn 10 căn hộ sáng đèn.
Gần 5 năm qua, trong khi người dân thiếu nhà ở thì cả nghìn tỷ đồng với hàng trăm căn hộ tại dự án tái định cư này vẫn “đắp chiếu”. Doanh nghiệp đầu tư thì điêu đứng do dịch Covid-19 bùng phát, thị trường bất động sản trầm lắng nên nợ đọng vốn dự án với tiền lãi vay tăng cao...

Chung cư nghìn tỷ lác đác cư dân, đèn tắt hàng loạt. Ảnh: Hồng Khanh
Một cán bộ thuộc dự án cho biết, để thực hiện theo đúng tiến độ được duyệt, chủ đầu tư đã phải thế chấp dự án vay 800 tỷ đồng. Sau khi công trình hoàn thành, khoản lãi vay được tính vào chi phí tài chính khiến hoạt động kinh doanh thua lỗ lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Ưu tiên bố trí vốn trước để mua lại dự án đã hoàn thành
Trước thực trạng trên, MHDI nhiều lần đề nghị được phép bán nhà kinh doanh thương mại ra thị trường như hợp đồng kinh tế đã ký kết trước đó để thu hồi công nợ và trả nợ.
Bởi chiếu theo quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư và hợp đồng kinh tế, chủ đầu tư đã đủ điều kiện thực hiện bán thương mại quỹ nhà tại nhà ở thương mại phục vụ tái định cư khu X2 kể từ ngày 18/6/2021.
Tuy nhiên, tới nay, hàng trăm căn hộ chưa được bố trí tái định cư, vẫn bỏ không, trong khi MHDI lại chưa được bán ra thị trường.
Đối với đề xuất của doanh nghiệp, tại văn bản gửi UBND TP Hà Nội hồi tháng 8/2024, Sở Xây dựng cho biết, quỹ nhà tái định cư tạo lập từ các dự án nhà ở thương mại thực hiện theo cơ chế đặt hàng là nguồn quỹ nhà tái định cư chủ yếu phục vụ các dự án giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố, nhất là các dự án trọng điểm trong giai đoạn 2021-2025 (chiếm khoảng 80% tổng quỹ nhà ở tái định cư).
Do vậy, nếu cho phép nhà đầu tư bán nhà ra thị trường (nếu sau 9-12 tháng thành phố không mua) sẽ tiềm ẩn rủi ro về pháp lý, thành phố sẽ thiếu hụt quỹ nhà tái định cư phục vụ các dự án giải phóng mặt bằng...


Trong khi người dân thiếu nhà ở thì hàng trăm căn hộ tại dự án bỏ không, gây lãng phí. Ảnh: Hồng Khanh
Ngoài dự án nhà ở thương mại phục vụ tái định cư khu X2, Hà Nội còn 13 dự án xây dựng nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, có 4 dự án đã hoàn thành, đủ điều kiện đưa vào sử dụng và đã ký hợp đồng đặt mua nhà với các chủ đầu tư. Số tiền dự kiến cần để mua lại quỹ nhà ở tại 4 dự án này là 2.892 tỷ đồng.
Để tháo gỡ khó khăn tài chính cho nhà đầu tư, đồng thời tránh phát sinh rủi ro pháp lý nếu quỹ nhà tái định cư bị đưa ra kinh doanh thương mại, Sở Xây dựng đã đề nghị UBND TP Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (nay là Sở Tài chính) khẩn trương hoàn thiện báo cáo về phương án bố trí vốn. Việc này nhằm phục vụ chủ trương mua lại quỹ nhà ở thương mại tại 8 dự án thực hiện thí điểm theo Cơ chế đặt hàng, trong đó có dự án khu X2, qua đó đảm bảo đủ nguồn nhà tái định cư cho các dự án giải phóng mặt bằng và hạn chế nguy cơ khiếu kiện.
Bên cạnh đó, UBND thành phố sớm xem xét và báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy về chủ trương mua lại quỹ nhà trên.
Sau khi có chủ trương thống nhất của Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì khẩn trương bố trí vốn để mua lại quỹ nhà tại 8 dự án, trong đó ưu tiên bố trí vốn để mua lại trước 4 dự án đã hoàn thành.
Một nguồn tin từ phía nhà đầu tư nói với VietNamNet, đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa nhận được văn bản chỉ đạo hoặc hướng dẫn phương án xử lý. Tình trạng này càng kéo dài thì doanh nghiệp sẽ càng khó khăn.
Nhà đầu tư mong muốn được bán thương mại các căn hộ để thu hồi vốn. Trong trường hợp không cho bán thương mại, doanh nghiệp đề xuất vẫn bán cho những đối tượng theo chính sách nhưng nhà đầu tư được duyệt danh sách để đẩy nhanh tiến độ tránh trì trệ.