Cô gái tìm thấy người thân thất lạc hơn 30 năm
Cuối tháng 4, khi đăng video lên tài khoản cá nhân, Xiangxiang, 31 tuổi, không ngờ hành trình tìm người thân kéo dài suốt 30 năm lại kết thúc chỉ trong vòng 24 giờ.

Bức ảnh cũ của gia đình Xiangxiang. (Nguồn: Wenxuecit)
Sinh ra ở Đài Loan (Trung Quốc) nhưng Xiangxiang là hậu duệ của một gia đình có gốc tại Giang Tô. Ông bà nội cô sang Đài Loan lập nghiệp nhiều thập niên trước và cha cô cũng được sinh ra tại đây.
Khi Xiangxiang còn bé, dì cô từng sang thăm và gia đình hai bên giữ liên lạc qua thư tay, điện thoại. Những bức thư được gửi từ Thượng Hải, An Huy, chuyển tiếp qua Hong Kong (Trung Quốc) trước khi tới tay gia đình cô ở Đài Loan.
Theo thời gian, thư từ thưa dần và rồi gián đoạn hẳn. Lá thư cuối cùng được viết cách đây hơn 30 năm, từ đó, mọi thông tin về người dì ở Giang Tô đều mất dấu. Trong trí nhớ của thế hệ trẻ như Xiangxiang, hình ảnh họ hàng trở nên mờ nhạt.
Thế nhưng, cô vẫn thuộc lòng từng lá thư cũ, từng nét chữ và luôn biết mong muốn lớn nhất của cha, nay đã ngoài 70 tuổi, là được nghe tin từ người thân.
Tháng 4, Xiangxiang quyết định khởi động hành trình tìm người thân. Không thông báo với cha, cô âm thầm chụp lại những bức thư cũ, làm video chia sẻ trên tài khoản cá nhân.
Các video được lồng giọng Quảng Đông quê hương của cha mẹ cô. Một trong những video tìm người thân thu hút tới 600.000 lượt xem, phần lớn đến từ khu vực Giang Tô.
Chỉ chưa đầy một ngày sau khi video được đăng tải, hôm 27/4, Xiangxiang nhận được tin nhắn từ Trần Huệ, người đàn ông ngoài 50 tuổi ở Trung Quốc, nhận là anh họ cô. Sau khi xác thực qua các bức ảnh, địa chỉ thư cũ và những ký ức được khơi lại, cả hai bên đều chắc chắn về mối quan hệ họ hàng.
Trần Huệ cho biết, bức thư mà Xiangxiang chia sẻ chính là một trong những thư tay hiếm hoi ông viết lúc hơn 20 tuổi. Sau nhiều lần chuyển nhà và thiếu điều kiện liên lạc, gia đình ông dần mất kết nối với người thân ở Đài Loan.
Dì Xiangxiang, mẹ Trần Huệ, từng kể nhiều chuyện về họ hàng nhưng bà vừa qua đời nửa năm trước, không kịp chứng kiến khoảnh khắc đoàn tụ này. Người đàn ông U60 nghẹn ngào nói: "Bà luôn mong được gặp lại người thân, nhưng tiếc là không chờ được đến hôm nay".
Hiện tại, các thành viên trong đại gia đình đã lập nhóm trò chuyện trên mạng, với hơn 20 thành viên. Bố Xiangxiang lớn tuổi nhất, còn lại phần lớn là thế hệ trẻ. Cả gia đình đang lên kế hoạch tổ chức buổi đoàn tụ tại Giang Tô.
Sau khi câu chuyện lan rộng, nhiều người để lại bình luận xin cô giúp tìm họ hàng bị thất lạc tại Đài Loan. Xiangxiang cũng đã giúp một người đăng thông tin tìm kiếm lên trang cá nhân. Xiangxiang nói: "Tôi thấy mình rất may mắn. Nếu ai còn mong muốn tìm lại người thân, hãy bắt đầu càng sớm càng tốt".