Cơ chế hậu kiểm cần đủ mạnh, tránh 'doanh nghiệp ma'

Sáng 16-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Dự thảo nghị quyết nêu mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp. Để đạt mục tiêu này, các đại biểu cho rằng, phải có giải pháp đặc biệt cùng với cơ chế thực thi hiệu quả thì nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống và mang lại chuyển biến thực chất.

Tránh áp dụng tràn lan hoặc lỏng lẻo cơ chế hậu kiểm

Qua thảo luận, các đại biểu bày tỏ nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Đây là bước đi quan trọng, kịp thời thể chế hóa quan điểm chỉ đạo nhất quán của Đảng, đặc biệt là trong các văn kiện Đại hội XIII và gần đây là Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Các đại biểu cũng cho rằng, đây là nghị quyết đặc biệt, với nhiều nội dung trong dự thảo Nghị quyết, đặc biệt là cách tiếp cận cởi mở, thực tiễn, đặt trọng tâm vào việc tháo gỡ rào cản và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) phát biểu thảo luận. Ảnh: TRỌNG HẢI

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) phát biểu thảo luận. Ảnh: TRỌNG HẢI

Góp ý về nguyên tắc quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân (Điều 4 dự thảo), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) hoàn toàn nhất trí với chủ trương chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đặc biệt trong quản lý điều kiện kinh doanh. Đây là hướng đi phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo và mở rộng sản xuất.

Tuy nhiên, theo đại biểu nếu không có cơ chế hậu kiểm đủ mạnh, minh bạch và hiệu quả thì chính sách này rất dễ trở thành kẽ hở để các “công ty ma” lợi dụng. Thực tế đã cho thấy, nhiều đối tượng đã lợi dụng chính sách thông thoáng để lập ra hàng trăm công ty không hoạt động thực tế, mua bán hóa đơn, trốn thuế, rửa tiền, gây thất thu ngân sách và làm méo mó môi trường cạnh tranh. Có vụ việc cơ quan chức năng đã phát hiện tới hơn 600 doanh nghiệp “ma” xuất trên 1 triệu hóa đơn khống, với giá trị giao dịch lên tới gần 64.000 tỷ đồng.

Do đó, để triển khai nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị, Chính phủ cần bổ sung rõ các yêu cầu cụ thể đối với hệ thống hậu kiểm: Liên thông dữ liệu giữa các cơ quan thuế, hải quan, ngân hàng; kiểm tra thực địa; ứng dụng công nghệ số trong giám sát; và chế tài đủ sức răn đe. Đồng thời, cần quy định rõ các ngành, lĩnh vực buộc phải tiền kiểm, trên cơ sở rủi ro và kinh nghiệm quốc tế, để tránh áp dụng tràn lan hoặc lỏng lẻo.

 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TRỌNG HẢI

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TRỌNG HẢI

Doanh nghiệp cũng cần sự ổn định của chính sách

Đặc biệt quan tâm tới sự ổn định của chính sách, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) bày tỏ: Doanh nghiệp cũng cần sự ổn định của chính sách. Nhiều doanh nghiệp mới khởi nghiệp rất khó khăn nhưng chính sách thay đổi liên tục, doanh nghiệp vừa dồn lực đầu tư chính sách lại thay đổi, họ phải quay lại thời điểm xuất phát nên rất khó.

Cho rằng dự thảo nghị quyết đề ra nhiều nội dung mang tính đột phá, để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ kinh tế tư nhân tiếp cận với đất đai, tài chính, tín dụng, hỗ trợ về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tuy nhiên, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) đề nghị rà soát về quy định hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh tại khoản 2 Điều 7 quy định: “Chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ được hỗ trợ đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều này phải dành một phần diện tích đất đã đầu tư hạ tầng để cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê, thuê lại”.

 Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) phát biểu thảo luận. Ảnh: TRỌNG HẢI

Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) phát biểu thảo luận. Ảnh: TRỌNG HẢI

Theo đại biểu, việc hỗ trợ đầu tư hạ tầng một số địa phương đã có cơ chế thu hút đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhưng việc thu hút nhà đầu tư thứ cấp ở một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp cũng gặp không ít khó khăn, thu hút chậm. Nên việc quy định phải dành riêng một phần diện tích đất đã đầu tư hạ tầng để cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê, thuê lại, là sẽ gặp khó khăn. Hơn nữa quy định một phần diện tích là bao nhiêu cũng là rất khó khăn để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. “Nếu để lại một phần diện tích mà không có doanh nghiệp thuê lại, để lãng phí đất sau đầu tư hạ tầng thì ai chịu trách nhiệm cho vấn đề này? Hay lại đẩy doanh nghiệp vào khó khăn, như thế sẽ khó khăn cho việc thu hút các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp".

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/co-che-hau-kiem-can-du-manh-tranh-doanh-nghiep-ma-828551
Zalo