Chuyện về ông giáo già nhận nuôi trẻ mồ côi Làng Nủ
Sau nhiều đêm suy nghĩ, thầy Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng trường Marie Curie - Hà Nội, quyết định nhận nuôi các cháu còn sống sau trận lũ quét kinh hoàng Làng Nủ.
Gặp thầy Nguyễn Xuân Khang trong ngôi trường Marie Curie khang trang, từng đạt giải thưởng quốc gia về kiến trúc, nhưng phòng làm việc của vị hiệu trưởng lại giản dị đến bất ngờ. Chỉ có những bức hình thầy chụp với học sinh, những tấm thiệp học sinh tặng, không có bất kỳ tấm bằng khen hay huân huy chương nào.
Mở đầu câu chuyện, thầy Khang nhắc tới trường hợp Trần Ngọc Lan, cô bé duy nhất may mắn sống sót trong một gia đình bị nạn tại Làng Nủ. Mới 6 tuổi, nhưng Lan mất cả bố, mẹ cùng hai người anh trai do thảm họa rạng sáng 10/9/2024. Sau khi được điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Yên (Lào Cai), cô bé 6 tuổi về ở với ông bà ngoại cũng rất nghèo.
Một trường hợp nữa là em Nguyễn Văn Hành, học sinh Trường THPT Bảo Yên, mất mẹ sau trận lũ quét kinh hoàng. Nước dữ chia cắt gia đình em, cuốn trôi mỗi người một ngả. Hành bị gãy xương quai xanh và một số vết thương ở phần mềm. Những ngày nằm viện, nam sinh lớp 12 không có ai thân thích đồng hành. Người chăm sóc em là cô giáo chủ nhiệm Đào Thị Thanh Thủy.
“Khi trận lũ quét cuốn phăng cả bản Làng Nủ, cả nước bàng hoàng, đau thương. Nhiều người khóc. Tôi cũng khóc. Nhưng sau tôi nghĩ: Chỉ khóc thôi ư? Cần phải làm gì để nguôi ngoai? Thế là nghĩ ra cách mình có thể làm: Nhận nuôi các cháu mồ côi cha mẹ, bù đắp để các cháu được ấm no và học hành tử tế", thầy Khang ngậm ngùi nói.
Sau khi nhóm cán bộ của trường Marie Curie đến Làng Nủ thăm hỏi, khảo sát, danh sách 22 học sinh từ mầm non đến lớp 12 sống sót sau trận lũ quét rạng sáng 10/9/2024 được lập ra. Thông qua chính quyền địa phương và các nhà trường, trường Marie Curie chính thức thực hiện “Dự án Làng Nủ”, nhận nuôi 22 em đến hết 18 tuổi, bằng cách hàng tháng gửi cho mỗi em 3 triệu đồng. Ước tính, số tiền hỗ trợ cơ bản của trường Marie Curie tới các em khoảng 5,6 tỷ đồng, chưa tính các chi phí phát sinh.
Dự án Làng Nủ là dấu ấn đặc biệt trong hành trình làm việc thiện của thầy Nguyễn Xuân Khang. Trước đây, thầy đã có nhiều dự án hỗ trợ vùng khó khăn như: Dự án giúp hơn 30 giáo viên tiếng Anh ở Hà Giang đi học với tổng mức kinh phí hơn 12 tỷ đồng, giải quyết tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp; Dự án xây trường Phổ thông dân tộc bán trú Marie Curie - Mèo Vạc, với tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng; Dự án trồng 1 vạn cây xanh ở huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang)…
“Tôi vốn là một chiếc lá rách, kiên trì phấn đấu để trở thành chiếc lá lành, vừa lo được cho mình, vừa giúp những người khác”, ông nói.
Đón nhận những học sinh đặc biệt là con tử tù
Cách đây hơn 20 năm, một vụ án ma túy lớn làm rúng động dư luận xã hội. Nhiều đối tượng nhận bản án nghiêm khắc của pháp luật: Tử hình. Với tinh thần nhân đạo, thầy Khang nhận con của các vị tử tù đó vào trường học không cần qua thi cử, mặc dù thi tuyển lớp 6 vào Marie Curie rất khó khăn. Với thầy, đây là một việc nên làm, vì những ông bố có tội đã chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật, nhưng những đứa con của họ không hề có tội, cần cho những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt đó cơ hội để phấn đấu.
Thầy dang tay đón nhận, dạy dỗ, giúp các em vượt qua mặc cảm, tự ti, không ngừng học tập và rèn luyện, sau này trở thành công dân có ích trong xã hội. Đây là lần đầu thầy chia sẻ việc này. “Con của tử tù cũng là những đứa trẻ mất bố. Là người cha, tôi thấu hiểu nỗi đau, sự mất mát của những đứa con. Mỗi năm đến sinh nhật bố, giao thừa... các em lại thổn thức rất nhiều".
Một trong 4 người con tử tù ấy là giáo viên tiếng Anh tại trường Marie Curie từ hơn 10 năm nay. Lúc tiếp nhận về trường, thầy bảo người học trò: "Hãy nhớ lại thời điểm đó thầy đã làm gì cho các em, cư xử với các em ra sao thì bây giờ em nên làm như vậy với những học sinh của mình".
Từng là thầy giáo nghèo, chỉ có một bộ quần áo đi dạy
Thầy Nguyễn Xuân Khang quê gốc Nghệ An, là lứa học sinh chuyên Toán đầu tiên của Việt Nam từ năm 1965. Năm 1968, cậu học trò nghèo đỗ Đại học Tổng hợp Hà Nội, khoa Vật lý. Nhờ thành tích học tập tốt, thầy được giữ lại trường dạy môn Vật lý cho khối Phổ thông chuyên Toán - nơi có rất nhiều học sinh đạt giải Olympic Toán học quốc tế từ những lứa đầu như: Hoàng Lê Minh, Đàm Thanh Sơn, Ngô Bảo Châu... Thầy bảo, đấy là cái duyên, là điều may mắn trong cuộc đời đi dạy của mình.
Một lớp chuyên Toán chỉ trên dưới 20 học sinh được tuyển chọn gắt gao từ các tỉnh. Đời sống của các em lúc đấy rất khó khăn. Thầy cũng nghèo, chỉ có một bộ áo quần đủ lành lặn để lên bục giảng, ban ngày mặc đi dạy, tối về giặt, vuốt phẳng phiu và hong khô, sáng hôm sau lại mặc tiếp. Khi học trò hỏi: "Thầy ơi, sao thầy không thay áo quần?". Thầy đành "chữa cháy": "Các em nhầm, thầy đâu phải có 1 bộ, thầy có 5 bộ giống nhau thế này".
Thầy Khang bật khóc khi kể lại kỷ niệm và cho biết, đó là tình cảm học trò dành cho thầy, là sự quan tâm của những đứa trẻ ngây thơ, chứ không phải có ý coi thường thầy nghèo.
Đến năm 1992, thầy Khang xin phép Bộ Giáo dục, UBND TP Hà Nội thành lập trường phổ thông dân lập năng khiếu Marie Curie, dành cho học sinh giỏi ở Hà Nội và các tỉnh.
“Đây là quyết định táo bạo của đời tôi, xin mở trường khi trong tay không có gì. Ông trời thương nên khoảng 50 ngày đêm kể từ khi có quyết định thành lập, tôi thuê được địa điểm, vay được tiền và tuyển được giáo viên, học sinh, kịp tổ chức lễ khai giảng năm học đầu tiên vào Chủ nhật 6/9/1992”, thầy kể.
Từ hiệu quả đào tạo, đến năm 2010, Thành phố bắt đầu lần lượt giao đất để thầy Khang xây trường: 1 ha ở Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), 1 ha ở Văn Phú (quận Hà Đông) và 3 ha ở Việt Hưng (quận Long Biên). Cứ thế, cơ ngơi của trường ngày càng lớn mạnh, với 3 cơ sở phục vụ hàng nghìn học sinh 4 cấp học từ mầm non, tiểu học, THCS đến THPT của Thủ đô và các tỉnh lân cận.
Sau nhiều năm lăn lộn với giáo dục, với trường Marie Curie, từ thầy giáo nghèo, thầy Khang giờ tự tin khẳng định mình không còn nghèo nữa. Gia tài lớn nhất thầy có chính là những thế hệ học sinh trưởng thành từ mái trường Marie Curie. Học trò trường Marie Curie thường gọi thầy Khang bằng ông nội. Ông dành thời gian nói chuyện với học trò mỗi ngày, ra sân bóng cổ vũ cho học trò thi đấu, ngồi ăn trưa cùng học trò.
“Hôm nay ngồi ăn với bạn này, ngày mai ngồi với bạn khác để trò chuyện. Dần dần, các em luôn sẵn sàng chia sẻ với thầy. Tôi như vậy nên các đồng nghiệp, từ thầy cô giáo, chú bảo vệ, bác lái xe, cô cấp dưỡng đều yêu quý bọn trẻ, không bao giờ la mắng. Nhờ thế, ai cũng thấy hạnh phúc khi đến trường. Đó là ước mong lớn nhất của đời tôi - xây dựng môi trường giáo dục hạnh phúc, học sinh làm trung tâm và không ai bị bỏ lại phía sau”, thầy Nguyễn Xuân Khang nói.