Hành trang để học sinh trở thành 'công dân toàn cầu'

Trong thời đại hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh trở thành nhu cầu thiết yếu của người dân.

Giờ học tiếng Anh của cô giáo Lê Thị Thanh Huyền và học sinh Trường tiểu học Châu Sơn (Ba Vì, Hà Nội).

Giờ học tiếng Anh của cô giáo Lê Thị Thanh Huyền và học sinh Trường tiểu học Châu Sơn (Ba Vì, Hà Nội).

Đối với ngành giáo dục, để tạo ra các thế hệ học sinh hướng tới trở thành những “công dân toàn cầu”, việc chú trọng đào tạo ngoại ngữ song hành với trang bị kiến thức toàn diện là nhiệm vụ quan trọng, giúp học sinh tự tin hơn trong giao tiếp và nắm bắt cơ hội phát triển.

Ba Vì là huyện ngoại thành, có cả vùng núi của Thủ đô Hà Nội cho nên còn gặp nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của thành phố về chất lượng giáo dục. Cũng vì thế, từ năm 2019, ngành giáo dục Ba Vì đã tập trung thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ và đến nay đã có tiến bộ rõ rệt. Chia sẻ một số giải pháp trọng tâm đã triển khai, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết, ngành đã tham mưu chính quyền địa phương xây dựng đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ”. Việc triển khai đề án được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện thực hiện theo lộ trình, tính toán thận trọng từng bước.

Năm 2019, huyện thực hiện thí điểm tại 10/35 trường trung học cơ sở; sau một năm triển khai hiệu quả đã thực hiện tại 35/35 trường trung học cơ sở; đến năm 2025, thực hiện toàn bộ 69/69 trường trung học cơ sở và trường tiểu học của huyện. Đáng chú ý, huyện Ba Vì còn xây dựng môi trường phát triển ngôn ngữ tiếng Anh cho giáo viên và học sinh bằng cách tạo ra môi trường để học sinh làm quen, phát triển ngôn ngữ thông qua việc tiếp cận với tiếng Anh từ tranh vẽ, hình ảnh, khẩu hiệu, biểu ngữ trang trí trường, lớp; tổ chức các buổi tuyên truyền sách, thi hùng biện bằng tiếng Anh…

Ngoài ra, xác định người thầy có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy học, Phòng Giáo dục và Đào tạo Ba Vì tăng cường bồi dưỡng cho giáo viên tiếng Anh; tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học thông qua phối hợp nhà cung cấp dịch vụ... Vì vậy, chất lượng dạy học tiếng Anh của các trường trên địa bàn huyện những năm qua được nâng lên đáng kể.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, thành phố xác định tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Hiện nay, năng lực ngoại ngữ của học sinh Hà Nội hiện xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Thành phố đang quyết tâm thực hiện các giải pháp để từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Bên cạnh đó, Hà Nội đặt mục tiêu làm thế nào nhanh chóng đào tạo được học sinh trở thành "công dân toàn cầu", không chỉ giỏi chuyên môn mà còn được trang bị kiến thức tin học, ngoại ngữ để hội nhập với thế giới.

Tại Bắc Ninh, chất lượng môn tiếng Anh trong những năm học gần đây ở các cấp học của tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Điểm bình quân môn tiếng Anh thi tốt nghiệp trung học phổ thông ổn định và nằm trong tốp đầu cả nước. Kết quả giáo dục mũi nhọn cũng tăng mạnh và giữ ổn định. Số học sinh đoạt giải nhất, nhì trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh 3 năm gần đây gấp 1,5 lần tổng số của 10 năm trước đó.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh cho biết: Hiện toàn tỉnh có 66,9% trẻ mầm non được làm quen với tiếng Anh; có 82,39% học sinh lớp 1, 87,44% học sinh lớp 2 được học chương trình tiếng Anh tự chọn. Toàn tỉnh có 100% học sinh từ lớp 3 đến lớp 9 được học chương trình tiếng Anh hệ 10 năm; 13/23 trường tiểu học triển khai dạy tăng cường tiếng Anh thông qua môn Toán và các môn khoa học tự nhiên; 14/23 trường tiểu học, 9/21 trường trung học cơ sở triển khai dạy tăng cường tiếng Anh với người nước ngoài; 100% giáo viên tiếng Anh của tỉnh đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo, năng lực ngoại ngữ.

Lào Cai cũng là địa phương chú trọng phát triển tiếng Anh trong trường học. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai Dương Bích Nguyệt cho biết, Sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025”.

Trong đó, tỉnh xác định tính cấp thiết, tầm quan trọng của việc dạy và học ngoại ngữ nhằm đổi mới, tạo đột phá, nâng cao chất lượng trong các cơ sở giáo dục; tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả. Tỉnh Lào Cai khuyến khích các doanh nghiệp mở trường quốc tế; triển khai đại trà chương trình tiếng Anh 10 năm ở các cấp học phổ thông; nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu học tập, làm việc và hội nhập quốc tế. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai liên kết giảng dạy tiếng Anh có yếu tố nước ngoài; khuyến khích các đơn vị tìm hiểu và tham dự các cuộc thi trí tuệ; khoa học quốc tế bằng tiếng Anh.

Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, công tác dạy và học ngoại ngữ được ngành giáo dục đặc biệt quan tâm. Việc thông thạo ngoại ngữ không chỉ giúp học sinh giao lưu văn hóa mà còn tăng cường năng lực cạnh tranh cá nhân, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành một đề án mang tầm quốc gia về đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Trong đó, có các giải pháp về nguồn lực, cơ chế chính sách, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, tạo cơ hội cho giáo viên bản ngữ hợp tác, làm việc tại Việt Nam...

QUỲNH NGUYỄN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hanh-trang-de-hoc-sinh-tro-thanh-cong-dan-toan-cau-post858273.html
Zalo