Ươm mầm hy vọng cho bà con làng Nủ

Sau cơn lũ dữ do bão Yagi gây ra, Làng Nủ (xã Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai) từng chìm trong cảnh hoang tàn, mất mát. Nhưng với tinh thần đoàn kết và ý chí kiên cường cùng sự hỗ trợ của đồng bào cả nước, chính quyền địa phương, người dân nơi đây đã từng bước vượt qua khó khăn, tái thiết cuộc sống.

Bên cạnh đó không thể không nhắc tới đóng góp quan trọng của Công an xã Phúc Khánh và lực lượng tham gia bảo vệ trật tự an ninh cơ sở đã đồng hành cùng bà con.

Từ ký ức đau thương…

Những ngày cuối năm 2024, tìm về khu tái định cư của bà con Làng Nủ, chúng tôi bất ngờ trước khung cảnh ngôi làng khang trang, đẹp như làng Nhật trên đỉnh đồi Sim thơ mộng. Ngôi làng mới cách làng cũ chừng 2km, có diện tích khoảng 10ha, sắp xếp 40 căn nhà 2 tầng thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống của bà con nơi đây với diện tích sử dụng khoảng 96m2 cho mỗi căn nhà.

Toàn cảnh khu tái định cư Làng Nủ.

Toàn cảnh khu tái định cư Làng Nủ.

Đứng trên sàn tầng 2 ngôi nhà sàn vừa lợp mái, nhìn ra bốn phía, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy cả một vùng núi non trùng điệp, đồng ruộng xanh ngút ngàn. Con suối Nủ chảy ra từ chân núi Con Voi xa mờ hiền hòa, êm ả. Chắc chắn chỉ vài năm nữa thôi, nơi đây sẽ ngập tràn màu xanh của cây cối, hoa trái. Và biết đâu, trong tương lai, Làng Nủ lại trở thành một điểm du lịch sinh thái lý tưởng bởi địa thế quá tuyệt vời. Nhiều người sẽ tìm đến Làng Nủ vừa để tưởng nhớ những ký ức đau thương, vừa để chứng kiến sự đổi thay ở ngôi làng xinh đẹp này.

Sau những biến cố đau thương ập đến cách đây chỉ vài tháng, Làng Nủ mới giờ đây đang hồi sinh. Người người, nhà nhà tất bật dọn dẹp chuẩn bị chuyển nhà mới. Công trường xây dựng cũng rộn rã tiếng cười nói, máy xúc, máy ủi, tất cả đang hối hả cho kịp tiến độ bàn giao nhà mới cho người dân trước khi bước sang thềm năm mới.

Với phương châm xuống làng giúp dân, Công an xã Phúc Khánh đã thường xuyên có mặt tại khu tạm cư, tái định cư của Làng Nủ để hỗ trợ bà con. Vừa đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống các loại tội phạm, các đồng chí tranh thủ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con để kịp thời hỗ trợ nếu có những vướng mắc, hay mâu thuẫn có thể giải quyết từ sớm, từ xa… không để phát sinh những tình huống phức tạp.

Những căn nhà sàn ở Làng Nủ được xây dựng theo kiểu truyền thống của người Tày. Ảnh: Hoàng Việt.

Những căn nhà sàn ở Làng Nủ được xây dựng theo kiểu truyền thống của người Tày. Ảnh: Hoàng Việt.

Đưa chúng tôi đến khu tạm cư, Trung tá Triệu Văn Sính, người được bà con làng Nủ gọi bằng cái tên thân thương “anh Cảnh sát khu vực vui tính” cho biết, từ sau khi cơn lũ quét kinh hoàng xảy ra, hầu như ngày nào các anh cũng có mặt tại khu tạm cư và tái định cư. Anh bảo, người dân cũng đã dần nguôi ngoai nỗi đau mất người thân, mất tài sản, tập trung vào lao động sản xuất, người còn sống vẫn phải làm việc, kiếm tiền để tồn tại. Thế nhưng mỗi khi có người hỏi đến, nhắc đến ký ức đau thương là họ lại chực trào nước mắt. Bản thân anh khi nhắc lại vẫn còn ám ảnh bởi con số tử vong là quá lớn.

Trung tá Triệu Văn Sính kể rằng, trước khi cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam, ngày 6/9/2024, các anh vẫn miệt mài làm căn cước công dân cho bà con trong xã đến tận chiều tối và bắt đầu trực chống bão từ ngày hôm ấy. Thậm chí không có thời gian về nhà chuẩn bị quần áo, đồ đạc, đồ ăn cho những ngày ứng trực.

Đến ngày hôm sau, khi bão đổ bộ thì cả trụ sở Công an xã và các khu vực xung quanh đều bị ngập lụt và bị cô lập 5 ngày liền. “Mất điện, mất sóng, đồ ăn cũng không có nhiều, anh em gần như bị cô lập. Sáng sớm ngày 10/9, chúng tôi lội nước ra khỏi trụ sở thì giật mình phát hiện con suối gần đó có rất nhiều bình gas đang trôi. Anh em bảo nhau, “chết rồi, chắc có làng nào bị lũ cuốn rồi”, Trung tá Triệu Văn Sính nhớ lại.

Quả đúng như dự đoán của các anh, Làng Nủ đã bị lũ “xóa sổ” từ sáng sớm ngày 10/9. Bảy giờ sáng ngày hôm đó, lực lượng Công an xã đã vớt được thi thể đầu tiên. Và cũng trong buổi sáng hôm ấy, Trung tá Triệu Văn Sính cùng đồng đội và người dân xung quanh vớt thêm được nhiều thi thể trôi về gần đó. Đau buồn nhất với Trung tá Triệu Văn Sính có lẽ là việc vớt được thi thể hai mẹ con em Nguyễn Văn Vũ (sinh năm 2009). Dù chỉ cách nhau vài mét, qua một cây cầu nhưng thi thể của mẹ Vũ lại được tìm thấy trước. “Riêng Vũ được tìm thấy đúng ngày sinh nhật của con. Ngày sinh cũng là ngày mất, có lẽ, con cũng thác thiêng khi tìm về đúng ngày sinh nhật”, Trung tá Triệu Văn Sính nghẹn ngào kể lại.

Với Trung tá Triệu Văn Sính, đây là lần thứ 2 anh đi cứu hộ trong tang thương đến tột cùng như vậy. Trước kia, khi anh còn công tác ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, một trận lũ kinh hoàng cũng nhấn chìm cả một thôn bản hơn 50 người, nhưng ngày ấy các phương tiện thông tin đại chúng không phổ biến như bây giờ nên tất cả công tác cứu nạn, cứu hộ đều diễn ra trong âm thầm, lặng lẽ.

Cơn lũ dữ sinh ra do bão Yagi đã cuốn phăng tất cả. Bản thân gia đình 5 cán bộ Công an xã Phúc Khánh cũng đều bị ảnh hưởng không nhỏ do bão. Thế nhưng suốt thời gian trước, trong và sau bão, các anh không có thời gian trở về nhà để lo cho gia đình. Như nhà Trung tá Triệu Văn Sính gần như mất hết tài sản. Ngôi nhà ven sông của anh bị bùn đất tràn vào cao đến 2m, long móng, vườn tược bị sạt lở trôi, sập hết xuống sông sau nhà. Khi ấy may mắn vợ anh và hai đứa con lớn được hàng xóm giúp đỡ nên kịp chạy thoát thân lên đồi cao. Còn cậu con trai út vì đi học nội trú nên cũng an toàn. Việc ở nhà đành để cho vợ con lo liệu, anh vẫn cùng đồng đội bám trụ tại trụ sở Công an xã nhiều tuần liền để phối hợp với các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ.

Sau cơn lũ dữ do bão Yagi gây ra, Làng Nủ (xã Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai) từng chìm trong cảnh hoang tàn, mất mát. Nhưng với tinh thần đoàn kết và ý chí kiên cường cùng sự hỗ trợ của đồng bào cả nước, chính quyền địa phương, người dân nơi đây đã từng bước vượt qua khó khăn, tái thiết cuộc sống. Bên cạnh đó không thể không nhắc tới đóng góp quan trọng của Công an xã Phúc Khánh và lực lượng tham gia bảo vệ trật tự an ninh cơ sở đã đồng hành cùng bà con.

Chưa kể suốt thời gian sau khi thảm họa xảy ra, rất nhiều YouTuber, TikToker, Facebooker xuất hiện để livestream, quay video clip vào bất kể thời gian nào. Bởi vậy lực lượng Công an xã tăng cường trực chiến 24/24h đề phòng bất trắc, hoặc đề phòng các đối tượng phản động trà trộn lợi dụng bão lũ để xuyên tạc, câu view… “Có đêm, có TikToker còn ra tận mộ người mất để quay video, livestream, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự khiến anh em thêm phần vất vả, thức trắng đêm giải quyết…”, Trung tá Triệu Văn Sinh cho hay.

Các em học sinh làng Nủ hồ hởi trong ngôi trường mới.

Các em học sinh làng Nủ hồ hởi trong ngôi trường mới.

Còn Trung tá Hoàng Đức Khoa, Trưởng Công an xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên cho biết thêm: “Sau bão, anh em phải mất 2 ngày trèo đèo lội suối mới có được sóng điện thoại để báo cáo lãnh đạo cấp trên hỗ trợ. Chúng tôi chỉ biết kìm nén đau thương để hỗ trợ nhân dân. Anh em chúng tôi cũng bị cô lập 5 ngày, không có lương thực thực phẩm để ăn, để uống, để mặc, nhưng rất may được người dân yêu thương, giúp đỡ. Ở đây có 15 hộ bị cô lập, họ đã ủng hộ chúng tôi bằng mọi thứ”.

Nhà Trung tá Hoàng Đức Khoa ở thị trấn cách đó hơn chục cây số, nhưng phải nửa tháng sau, anh mới tranh thủ về nhà để giải quyết hậu quả của cơn bão rồi lại vội vã trở về đơn vị.

… đến một tương lai tươi sáng

Sau khi các lực lượng cứu nạn, cứu hộ rút khỏi hiện trường vụ sạt lở, Công an xã Phúc Khánh và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở vẫn cùng người dân vừa miệt mài tìm kiếm các nạn nhân mất tích, vừa cùng bà con khắc phục hậu quả cơn bão. Dù Công an xã chỉ có 5 cán bộ, chiến sĩ chính quy, thiếu thốn đủ bề, ngày vẫn làm việc hành chính, xử lý công việc cấp trên giao phó, tối lại đi tuần tra quanh các thôn bản trong xã. Các anh luôn tranh thủ bất cứ thời gian nào trong ngày để xuống khu tạm cư và các thôn trong xã để tuyên truyền, vận động và giúp đỡ bà con.

Đặc biệt, càng gần những ngày bàn giao khu nhà tái định cư Làng Nủ, ngày nào các anh cũng xuống tận nơi, cùng bà con chung tay dọn dẹp vệ sinh, trồng cây ăn quả, làm hàng rào, trồng vườn hoa, trồng rau để ngôi nhà của bà con khang trang hơn, sạch đẹp hơn. Nhanh chóng, thuận tiện và nhiệt tình, những chuyến xe chở đồ của Công an xã Phúc Khánh hỗ trợ bà con đưa đồ về nơi ở mới mang theo bao tình cảm quân dân ấm áp.

Thời điểm cuối năm, Công an huyện Bảo Yên cũng đã có những tổ công tác lưu động về tận địa bàn để cấp lại các loại giấy tờ cho bà con với phương châm nhanh chóng - kịp thời - hết mình phục vụ người dân. Trung tá Hoàng Đức Khoa cho biết: “Công an xã đã tổ chức rà soát những người dân bị mất giấy tờ, sau đó báo cáo cấp trên để tổ chức lực lượng về xã cấp lại căn cước công dân cho bà con. Những loại giấy tờ khác thì hướng dẫn thủ tục cho bà con hoặc làm xác nhận để bà con thực hiện các giao dịch”.

Trong thời tiết giá lạnh, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Công an cơ sở miệt mài hỗ trợ bà con làng Nủ chuyển nhà những ngày cuối năm 2024 khiến chúng tôi ấm lòng. Với bà con làng Nủ, các anh Công an xã chẳng khác gì người nhà. Trên đường đưa chúng tôi đến khu tạm cư, tái định cư, chốc lát, Trung tá Triệu Văn Sính lại được bà con đi qua chào hỏi thân thương, mời đến nhà uống nước, chuyện trò. Anh tươi cười chào lại và hứa sẽ đến sau khi xong xuôi công việc. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy tình cảm gắn bó của người dân làng Nủ dành cho các cán bộ, chiến sĩ Công an xã Phúc Khánh. Đó chính là niềm động viên các anh vượt qua khó khăn, ngày đêm bám làng bám bản, vì một Làng Nủ bình yên, đổi mới trong tương lai.

Công an xã Phúc Khánh dọn dẹp và chuyển đồ giúp bà con làng Nủ về nhà mới.

Công an xã Phúc Khánh dọn dẹp và chuyển đồ giúp bà con làng Nủ về nhà mới.

Được chuyển về nhà ở mới khang trang, sạch đẹp, gác lại những đau thương, vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim (25 tuổi) cùng bà con nơi đây đều đang hướng đến một cuộc sống mới với những điều tốt đẹp phía trước. Chị Kim chia sẻ: “Nhiều lúc nghĩ đến ngôi nhà vừa mới xây xong, nợ nần còn chưa trả hết đã bị lũ cuốn đi, mình lại khóc. Mỗi lần như thế chồng mình lại động viên, vợ chồng mình thế là quá may mắn rồi, vẫn còn đầy đủ người thân. Mất người mới đáng sợ, chứ mất của vẫn có cơ hội lấy lại được. Mình thấy chồng mình nói đúng nên cũng cố gắng lấy lại tinh thần để làm lại từ đầu”.

Giờ đây, được sống và được định cư tại một ngôi làng mới đẹp như tranh, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và lực lượng Công an xã, vợ chồng chị Kim cảm thấy rất hạnh phúc. Chị bảo, chuyện đau lòng cứ coi như một cơn ác mộng đã qua thôi. Trung tá Triệu Văn Sính cho biết, trường hợp của chị Kim cũng được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, dự định sắp tới địa phương có thể sắp xếp cho chị Kim công việc trông coi khu tưởng niệm ở Làng Nủ cũ.

Tương tự, gia đình chị Hoàng Thị Dịt cũng là một trong số hiếm hoi các gia đình vẫn còn đủ người sau bão lũ. Chị Dịt kể lại: “Mấy ngày trước bố chồng mình ở làng bên bị ốm rất nặng nên buổi tối hôm đó cả nhà mình đã kéo nhau sang nhà ông ngủ để trông ông. Đúng là trời xui đất khiến thế nào chứ nếu ở lại thì chắc cả gia đình mình cũng bị lũ cuốn đi rồi”.

Vừa bốc thăm nhận căn nhà mới cách đây mấy hôm, gia đình chị Dịt đã được những người trong thôn kéo đến dọn dẹp giúp. Hôm nay, khi ngôi nhà đã tạm ổn, chị lại cùng nhiều người trong làng đến nhà anh Hoàng Văn Tin dọn dẹp và đan hàng rào bảo vệ vườn rau giúp anh Tin. Chị Dịt chia sẻ: “Trong những lúc khó khăn thế này, chỉ có tình đoàn kết của anh em, hàng xóm láng giềng mới giúp nhau dễ dàng vượt qua thôi”.

Cách nhà của anh Tin không xa là ngôi nhà của ông Sầm Văn Bóng. Trong cơn lũ quét vừa qua, ông Bóng mất tới 5 người thân. Gia đình ông giờ chỉ còn lại ông và người con trai. Khi chúng tôi đến, bố con ông Bóng vẫn đang đi làm xa nhưng ngôi nhà của gia đình ông đã được bà con đến dọn dẹp sạch sẽ và vườn hoa cũng đang được trồng với những gam màu rực rỡ.

Nói về tinh thần tương thân tương ái của người dân nơi đây, bà Trần Hoài Thu, Trưởng ban Công tác mặt trận Làng Nủ xúc động chia sẻ: “Sau mất mát và đau thương tột cùng, giờ đây bà con Làng Nủ đã chung tay khắc phục hậu quả và tái thiết lại cuộc sống, màu xanh đã trở lại nơi đây. Ngoài tinh thần đoàn kết và kiên cường của bà con Làng Nủ thì tình yêu thương, đùm bọc của đồng bào cả nước đã giúp Làng Nủ như được tái sinh. Mọi người đang rất cố gắng để đón Tết Ất Tỵ 2025 với những hy vọng về cuộc sống mới tốt đẹp”.

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và mất mát sau trận lũ quét lịch sử, nhưng bà con Làng Nủ đã rất mạnh mẽ để khôi phục cuộc sống, cùng nhau xây dựng lại quê hương. Và màu xanh đã trở lại Làng Nủ.

Vào sáng ngày 15/12/2024, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cùng UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức bàn giao 40 căn nhà tái định cư và tặng quà cho người dân Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên. Công trình do Binh đoàn 12, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn phụ trách xây dựng.

Trước đó, người dân đã bốc thăm lấy nhà để đảm bảo công bằng, minh bạch. Khu tái định cư Làng Nủ nằm trên đồi cao rộng 10ha, gồm 40 nhà sàn dân sinh, nhà sinh hoạt cộng đồng rộng 300m2; một điểm trường rộng 200m2 gồm hai lớp tiểu học và hai lớp mẫu giáo, đầy đủ hệ thống viễn thông, điện nước. Đường dẫn vào làng được đổ bêtông. Mỗi căn nhà sàn kiên cố rộng 96m2 theo kiến trúc người Tày, công trình phụ trợ, vườn trồng rau bên hông hoặc phía sau, khuôn viên trồng hoa trước lối vào.

Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, Công trình vượt tiến độ 15 ngày so với mốc được giao là 31/12/2024. Nhà văn hóa thôn Làng Nủ và khu vực sạt lở cách nơi tái định cư khoảng 3km sẽ trở thành khu tưởng niệm.

Nằm trong tổng thể dự án xây dựng khu tái định cư Làng Nủ, khu tưởng niệm thôn Làng Nủ với 2 hạng mục chính là khu nhà tưởng niệm và nhà văn hóa đã được xây dựng, chỉnh trang. Nơi đây sẽ trở thành địa chỉ để mọi người ghé thăm, thắp hương tưởng niệm những nạn nhân xấu số đã thiệt mạng trong vụ lũ quét kinh hoàng.

Ngọc Anh - Ngọc Trâm

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/uom-mam-hy-vong-cho-ba-con-lang-nu-i757410/
Zalo