Vị thế nhà giáo

Sau gần 20 năm ấp ủ và một quãng thời gian chuẩn bị, năm 2024, dự thảo Luật Nhà giáo trình lần đầu tiên được trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Trong phiên thảo luận tại tổ Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo: 'Phải làm sao để Luật Nhà giáo ra đời sẽ được các thầy cô chào đón. Phải làm sao để người thầy đón nhận Luật Nhà giáo thực sự phấn khởi, thực sự là tôn vinh, thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho người thầy'.

Nhà trường thực sự là một môi trường giáo dục không chỉ “hạnh phúc” mà còn tôn nghiêm.

Nhà trường thực sự là một môi trường giáo dục không chỉ “hạnh phúc” mà còn tôn nghiêm.

Theo dự kiến, có thể Luật Nhà giáo sẽ được Quốc hội thông qua vào năm 2025. Đây có thể nói là bước thay đổi mới đối với sự nghiệp giáo dục trong đó có những điều chỉnh quan điểm, tư duy trong quản lý nhà nước về nhà giáo. Đó là việc thay đổi quản lý hệ thống nhà giáo từ tư duy quản lý nhân sự sang quản trị nguồn nhân lực. Đây là yêu cầu cấp thiết, nhất là trong giai đoạn giáo dục đứng trước những yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện. Điểm khác biệt cơ bản của quản trị nguồn nhân lực so với quản lý nhân sự như hiện nay là nhà giáo được nhìn nhận như một nguồn lực chủ yếu đóng góp vào thành công của giáo dục.

Nghị quyết số 29 khóa XI của Đảng đã đặt ra yêu cầu mức lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm vẫn chỉ dừng ở chủ trương, không thể đi vào đời sống khi không có quy định bảng lương riêng đối với nhà giáo. Nhưng với dự thảo Luật Nhà giáo, việc này sẽ được luật hóa và nếu dự thảo Luật được thông qua, chủ trương này đã có khung pháp lý để đảm bảo hiện thực hóa.

Năm 2024, qua những buổi thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo ở diễn đàn Quốc hội, cụm từ “vị thế nhà giáo” được nhắc đến nhiều lần. “Vị thế nhà giáo” là một tư duy cần phải có trong cách nhìn nhận về một nghề nghiệp có phần trách nhiệm lớn về chất lượng nguồn nhân lực của đất nước. Chưa kể từ trong truyền thống, đó là nghề nghiệp mà xã hội vẫn coi là nghề “cao quý nhất trong các nghề cao quý” với đạo lý “công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”.

Vị thế nhà giáo là vị thế cần được kiến tạo từ hai phía: Sự đãi ngộ và đầu tư dành cho nhà giáo tương xứng với vai trò và trách nhiệm nặng nề mà họ đang gánh vác; nhưng đồng thời, thầy phải xứng là thầy cả ở trình độ chuyên môn và phẩm chất người thầy, trường phải ra trường.

Những năm qua, chúng ta trả giá quá nhiều cho cái gọi là xã hội hóa giáo dục. Việc ra đời Luật Nhà giáo được chờ mong, nhưng vị thế của nhà giáo không chỉ đến từ sự công nhận xã hội hay chế độ đãi ngộ mà còn phụ thuộc rất lớn vào ý thức và sự chủ động “giành lấy” vị thế ấy của từng thầy cô giáo ở tất cả các cấp học. Vị thế nhà giáo chỉ có khi thầy cô tự mình nâng phẩm hạnh nhà giáo, khi nhà trường thực sự là một môi trường giáo dục không chỉ “hạnh phúc” mà còn tôn nghiêm, nơi mỗi cá nhân đều làm đúng vai trò của mình: thầy ra thầy, trò ra trò, phụ huynh ra phụ huynh.

Vị thế nhà giáo chỉ có khi xóa bỏ những vấn nạn như bạo lực học đường, mâu thuẫn giữa giáo viên, học sinh và phụ huynh, cũng như các hành vi phi giáo dục diễn ra trong trường học.

Vị thế nhà giáo còn đến từ việc, nhà giáo “phải thay đổi cho được các thói quen, lối tư duy, cách nghĩ và cách làm cũ, vượt qua các giới hạn để phát triển bứt phá”.

Nhà giáo nhân dân Đỗ Thị Hồi, giáo viên Trường Tiểu học Lạc Hòa 1, xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng: Đổi mới để dạy tốt

Năm 2024 vừa qua là một năm thực sự tốt đẹp với cá nhân tôi khi những nỗ lực vì học trò thân yêu của mình được ghi nhận. Danh hiệu Nhà giáo nhân dân đối với tôi vừa là bất ngờ, là niềm vui, tự hào và cũng khiến tôi trăn trở nhiều hơn để xứng đáng với sự ghi nhận này. Tôi luôn tâm niệm phải cống hiến hết sức mình cho mỗi bài giảng, mỗi giờ lên lớp, mỗi trang giáo án… Không cần chờ đến chương trình giáo dục phổ thông 2018 những nhà giáo như chúng tôi mới thấu hiểu phải đổi mới để dạy học ngày càng hiệu quả. Chương trình mới, sách giáo khoa mới càng tác động mạnh mẽ hơn để nhà giáo chúng tôi thực sự bứt phá, thay đổi phù hợp với thời đại mới. Nhưng để đồng hành hiệu quả cùng học sinh, tôi cho rằng điều cần nhất là cái tâm của nhà giáo. Sự tận tụy với công việc, tình yêu đối với học sinh và sự làm mới chính mình để đáp ứng tốt với sự tiến bộ của giáo dục trong tình hình mới. Luôn yêu thương học sinh, luôn suy nghĩ và tận tụy với công việc, luôn có ý thức làm mới mình thì sẽ chẳng có đổi mới nào làm khó được giáo viên.

Trưởng phòng GDĐT huyện Ba Vì, TP Hà Nội Phùng Ngọc Oanh: Tăng lương chỉ là một phần

Nhìn lại một năm qua, việc tăng lương cơ sở, mức phụ cấp cho giáo viên đã đem lại những thay đổi góp phần nâng cao đời sống nhà giáo, từ đó giúp thầy cô yên tâm với nghề hơn. Đây là một tín hiệu rất tích cực, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước và xã hội đối với nghề giáo. Tôi tin rằng khi được đảm bảo về đời sống, giáo viên sẽ có điều kiện tập trung hơn vào việc nâng cao chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy. Tuy nhiên, theo tôi việc tăng lương chỉ là một phần trong giải pháp tổng thể nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Dự thảo Luật Nhà giáo với nhiều điểm mới đang được giáo viên cả nước nói chung, ngành Giáo dục và Đào tạo Ba Vì nói riêng quan tâm, kỳ vọng. Chúng tôi cho rằng đề xuất xếp lương nhà giáo cao nhất hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng miền, là bước đi đúng đắn nhằm thu hút những người tài năng vào ngành giáo dục. Khi mức lương hấp dẫn hơn, sẽ có nhiều người có trình độ, tâm huyết lựa chọn nghề giáo, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Cô giáo Đào Thị Thúy Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ánh Sao, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La: Mong có thêm chính sách hỗ trợ giáo viên vùng đặc biệt khó khăn

Là cán bộ quản lý công tác tại tỉnh miền núi, tôi cũng như các đồng nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là thiếu giáo viên. Nhiều lớp của chúng tôi chỉ có 1 giáo viên/ lớp và phải đứng lớp cả ngày từ 7h sáng đến 5h30 chiều, rất vất vả. Thời gian đầu tư cho chuyên môn rất hạn chế. Nhiều lớp ghép các độ tuổi nên khó khăn trong việc giảng dạy do nhận thức của trẻ không đồng đều, nhiều lớp vượt sĩ số học sinh. Khó khăn về cơ sở vật chất dù đã nhận được sự quan tâm của các cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu như đồ dùng phương tiện dạy học còn thiếu thốn, chưa đồng bộ. Với các bản đặc biệt khó khăn, cô và trẻ có khi bất đồng ngôn ngữ, phụ huynh cũng không biết tiếng phổ thông nên việc phối kết hợp trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ chưa thể thường xuyên. Vì vậy, những đề xuất trong Dự thảo Luật Nhà giáo liên quan đến độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non có thể sớm hơn, chúng tôi rất đồng tình. Tôi mong có thêm chính sách hỗ trợ giáo viên công tác tại các bản đặc biệt khó khăn để động viên các thầy cô bám bản bám trường, đưa giáo dục mầm non vào danh mục nghề nặng nhọc để có những chính sách đãi ngộ hơn nữa cho giáo dục mầm non.

Luật Nhà giáo sẽ là khung pháp lý nhất quán, có hiệu lực và hiệu quả để kiến tạo và phát triển đội ngũ nhà giáo. Trong đó, chủ thể quản lý nhà nước về nhà giáo được nhấn mạnh về phía trách nhiệm của ngành Giáo dục và được phân cấp cụ thể từ Bộ tới Sở, Phòng và các cơ sở giáo dục. Định hướng xây dựng Luật sẽ gia tăng yếu tố chuyên môn, chất lượng trong việc đào tạo và tuyển dụng nhà giáo. Chính yếu tố này đảm bảo quản lý nhà nước có được sự đổi mới trong cả khối công và khối tư. Luật mới cũng sẽ hướng dẫn, quản lý thống nhất, thông suốt trong toàn hệ thống với sự phân cấp rõ ràng nhưng đảm bảo được việc tuyển dụng, điều động, hoán đổi, sử dụng nhịp nhàng, thống nhất trong toàn quốc.
(Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn)

THU HƯƠNG - MAI LINH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/vi-the-nha-giao-10299156.html
Zalo