Chuyện học xưa và nay: Vị Tế tửu từng là thầy dạy Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến

Là nhà khoa bảng lừng danh trấn Sơn Nam Hạ nhưng ít ai biết Tiến sĩ Vũ Văn Lý còn là vị Tế tửu cuối cùng của vùng đất Hà Nam tại kinh đô Huế...

Tiến sĩ Vũ Văn Lý có thời gian 13 năm dạy học tại quê nhà, sau lại làm Tế tửu Quốc Tử Giám, là thày dạy của nhiều danh sĩ: Vũ Hữu Lợi, Nguyễn Khuyến… Ảnh minh họa: ITN.

Tiến sĩ Vũ Văn Lý có thời gian 13 năm dạy học tại quê nhà, sau lại làm Tế tửu Quốc Tử Giám, là thày dạy của nhiều danh sĩ: Vũ Hữu Lợi, Nguyễn Khuyến… Ảnh minh họa: ITN.

Càng ít người biết, Tiến sĩ Vũ Văn Lý từng là thầy dạy của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến.

Thầy dạy của Nguyễn Khuyến

Tiến sĩ Vũ Văn Lý (1807 – 1878), hiệu Vĩnh Xuyên, tự Trung Thuận, người xã Vĩnh Trụ, Nam Sang, tỉnh Hà Nội (nay là thị trấn Vĩnh Trụ, Lý Nhân, Hà Nam). Ông xuất thân trong một gia đình khoa bảng, thân sinh là cụ Đoan Thận - nổi tiếng là một văn tài ở trấn Sơn Nam Hạ, được triều đình phong tặng Phụng thành đại phu, làm đến chức Hàn lâm viện thị giảng.

Chuyện lưu truyền tại dòng họ Vũ Vĩnh Trụ cho biết, hồi nhỏ Vũ Văn Lý rất chăm học, được cha tìm thày dạy là các vị khoa bảng có tiếng trong vùng như các Tiến sĩ họ Phạm, họ Bùi. Là học trò giỏi, lại cung kính khiêm nhường nên Vũ Văn Lý được các thầy khen ngợi. Sau khi thi đỗ ba kỳ thi Hương đến khoa thi năm Tân Sửu (1841), ông vào kinh ứng thí, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi này cho thấy, triều Nguyễn lấy đỗ 11 tiến sĩ. Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân thuộc về Nguyễn Ngọc (Nghệ An) và Ngô Điền (Hà Nội). 9 người còn lại ở hàng Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Tên của Tiến sĩ Vũ Văn Lý đứng thứ 5 trong số 9 tiến sĩ.

Sau khi thi đỗ, vua Thiệu Trị bổ nhiệm Tiến sĩ Vũ Văn Lý làm Liên tu Quốc sử quán. Làm quan trong triều giữa lúc thời cuộc đầy rẫy những rối ren, nỗi lòng ông vẫn canh cánh lo lắng cho quê hương đất nước, gia đình, bè bạn mà ông gọi là “Tứ niệm kinh” (tức là lo sợ vì bốn điều kinh hãi, xót xa mà mình thì bất lực). Tuy buồn lo nhưng ông vẫn nuôi dưỡng niềm tin ngày mai tươi sáng hơn, giữ cho mình thanh liêm, trung trực, giữ cho ngòi bút chép sử thẳng ngay.

Song cuộc đời ở chốn quan trường đâu có thuận chiều. Tháng 7/1851, tức khi vừa tròn 10 năm quan trường, ông lấy lý do sức khỏe yếu, xin vua Tự Đức cho lui về quê nhà dưỡng hưu, lúc này ông mới 45 tuổi, bắt đầu cho quãng thời gian 13 năm làm thầy dạy nổi tiếng khắp vùng Sơn Nam, để lại nhiều dấu ấn, bài học cho hậu thế.

Tiến sĩ Vũ Văn Lý được biết đến là thầy dạy của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Trong gia phả họ Nguyễn làng An Đổ, nhà thơ Nguyễn Khuyến có đoạn tự bạch như sau: “Tôi theo học quan tri phủ Hoài Đức là Trần tiên sinh (húy Vỹ, người xã Vụ Bản). Chỗ nông thì lội, chỗ sâu đi thuyền, nương nhau mà sống. Mẹ tôi thì sớm chiều tựa cửa ngóng trông để giúp con nên người. Khuyến tôi thì một ngày học, mười ngày nghỉ. Năm tôi 18 tuổi đi thi, trượt ngay kỳ đệ nhất, năm Ất Mão (1855) rồi Mậu Ngọ (1858), thi hai khóa chỉ trúng nhị trường. Đến khoa Tân Dậu (1861) lại bị loại ngay từ kỳ đệ nhất.

Thế là bốn khoa thi không đỗ, mẹ tôi tuổi ngày càng cao, nhà lại thêm nghèo. Vì thế, tôi đành thu xếp ngồi dạy học ở nhà Đoàn Bích (là học trò của cha tôi ở xã Liễu Đôi, huyện Thanh Liêm). Nhưng mà sau đó may mắn gặp quan Tế tửu Vũ tiên sinh là học trò của ông bác tôi, khen tôi gắng công đèn sách và hứa cấp cho tôi giấy bút, lương ăn hàng tháng.

Khuyến tôi xin với mẹ rằng, thày giáo chỉ đủ lương một mình con ăn học còn ở nhà thiếu thốn thì sao? Nên con muốn tìm chỗ ngồi dạy học kiếm lương để sớm chiều mẹ đỡ phải lo, có được không. Mẹ tôi tỏ vẻ không vui trả lời tôi: Nhà con nối đời nho học, nếu con chịu khó theo đòi học hành, thì mẹ dù đói rét cũng cam tâm. Nếu chỉ vì cái lợi nhỏ trước mắt mà bỏ sự nghiệp học hành thì sau này còn mặt mũi nào nhìn cha ông nơi chín suối. Vâng lời mẹ, tôi bèn đến học quan Tế tửu họ Vũ (húy Lý ở xã Vĩnh Trụ, huyện Nam Sang)”.

 Gia tộc Tiến sĩ Vũ Văn Lý được đánh giá là thi thư học vấn với nhiều người đỗ đạt. Ảnh tại từ đường họ Vũ Vĩnh Trụ.

Gia tộc Tiến sĩ Vũ Văn Lý được đánh giá là thi thư học vấn với nhiều người đỗ đạt. Ảnh tại từ đường họ Vũ Vĩnh Trụ.

Nỗi lòng nhà nho trước cảnh nước mất nhà tan

Căn cứ lời tự bạch trên, khi viết “Địa chí huyện Bình Lục”, phần nói về xã An Đổ, tác giả Ngô Vi Liễn cho rằng: “Lúc thiếu thời, vị Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến được Tiến sĩ Vũ Văn Lý, người xã Vĩnh Trụ, phủ Lý Nhân, huyện Nam Sang nhận làm con nuôi và dạy cho học tại tư dinh của ông”.

Một số tài liệu xưa cũng nói đến việc Tiến sĩ Vũ Văn Lý ra sức đào tạo nhân tài, cống hiến cho quốc gia nhiều rường cột. Trong đó, có việc ông đã nuôi dưỡng và sớm phát hiện ra tài năng bẩm sinh của học trò Nguyễn Thắng (Nguyễn Khuyến), ra sức trau dồi.

Trong tập thơ chữ Hán là “Danh thần thi tập”, người nay thấy tiếng lòng tha thiết của Tiến sĩ Vũ Văn Lý trước thời cuộc, những băn khoăn trăn trở trước thời thế. Từ biệt triều đình lần thứ nhất, ông viết bài “Tập thiện đường bái biệt”: “Cửu niên giảng tịch hộ Xuân Ôn/Ngọc trát tân thừa thị các môn/Tình đáo biệt thời ưng hữu đễ/Tâm tương chiêu xứ cánh hà ngôn/ Đông tây duy mệnh khâm thần tiết/ Văn võ phi tài thiển Quốc ân/Bình tố giảng minh văn vũ ngữ/Tiên ưu hậu lạc niệm thường tồn”.

 Văn bia cổ tại Di tích văn chỉ - đình làng Vĩnh Trụ.

Văn bia cổ tại Di tích văn chỉ - đình làng Vĩnh Trụ.

Những câu thơ ấy, đại ý: 9 năm làm chủ giảng tại Xuân Ôn, thảo giấy tờ việc quan cho các cửa; chút tình quyến luyến với các em ở quê nhà chẳng biết ngỏ cùng ai. Mọi việc làm chỉ cố khâm mệnh theo lễ tiết vua tôi; tài văn võ không có nghĩa mà thẹn với công ơn đất nước, tuy vậy vẫn phải giảng sách, bình văn bằng lời chân chính là thường tâm niệm giữ cho trọn lẽ hậu lạc tiên ưu.

Đến lần từ biệt thứ hai với triều đình: “Quân thần phân nghị nhật nhĩ trường/ Lão bệnh nan thân xứng sở vong/ Phong quốc nhất tâm thường tỉnh nguyệt/ Ưu dân lưỡng phát dĩ thành sương” (tình vua tôi trải đã bao ngày, già yếu bệnh tật chẳng xứng với lòng mong ước của vua, duy chỉ tấm lòng phụng sự đất nước luôn sáng như trăng rằm, bởi ưu lo dân mà tóc ngả màu sương).

Giai đoạn Tiến sĩ Vũ Văn Lý làm quan, cũng là thời điểm triều đình nhà Nguyễn phải đối mặt với nhiều thách thức ngoại bang. Đó là sự xâm lấn ngày càng trắng trợn của thực dân Pháp, bên chủ chiến bên chủ hòa, các đại thần không có sự thống nhất, đoàn kết, vua thì bạc nhược không giữ được tham vọng. Trước tình thế rối ren ấy, Vũ Văn Lý kêu than: “Tài tình bán vị côn thi lụy/ Thân địa thường ưu báo quốc khinh” (một chút tài thì quá nửa vì thơ/ Thân này dù đã nằm trong đất vẫn không dám xem nhẹ, lòng lo báo quốc).

Xác định nhân tài là nguyên khí quốc gia, là rường cột đất nước, cụ nghè Lý chỉ còn biết dồn sức chăm lo cho học trò, gieo vào lòng họ niềm tự tôn dân tộc, nỗi nhục mất nước. Thế nên, học trò ông có nhiều người không chỉ hiển đạt vang danh bốn cõi, mà còn tràn đầy khí chất như Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi (Nam Định) - người đã từng tham gia và hi sinh trong cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo.

Ngoài ra, ông cũng là thầy của các danh sĩ đương thời, như Tiến sĩ Dương Khuê, ông nghè Châu Sơn (Kim Bảng). Số đông học trò của ông về sau đều trở thành các sĩ phu yêu nước, hăng hái tham gia phong trào chống Pháp ở khắp các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình.

 Bản rập văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm Tân Sửu (1841) - khoa Vũ Văn Lý đỗ Tiến sĩ.

Bản rập văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm Tân Sửu (1841) - khoa Vũ Văn Lý đỗ Tiến sĩ.

Dấu xưa còn lại bây giờ

Sau 13 năm dạy học tại quê nhà, đến năm Tự Đức thứ 18 (1864), Tiến sĩ Vũ Văn Lý lại nhận chỉ trở lại triều đình phục chức Tu soạn Quốc sử quán kiêm giữ chức Quốc Tử Giám Tế tửu. Ông là vị Tế tửu người Hà Nam duy nhất tại kinh đô Huế và là vị Tế tửu cuối cùng của Hà Nam trong lịch sử khoa cử phong kiến. Đến năm Tự Đức 23 (1871) ông lại được thăng chức Hàn lâm viện thị giảng.

Sau 2 năm được phong Hàn lâm viện thị giảng, do sức khỏe giảm sút, năm 1873, ông xin về trí sĩ tại quê nhà Vĩnh Trụ. Thời gian này, ông vẫn đem hết sức lực để làm việc cho quê hương, đem tiền của bổng lộc vua ban cùng phần đóng thêm của dân làng để xây dựng đình làng, văn chỉ.

Theo tư liệu tại văn từ Vĩnh Trụ, nơi đây thờ Khổng Tử, thất thập nhị hiền, Chu Văn An và các nhà khoa bảng của quê hương đỗ đạt trong thời phong kiến. Đây là trường dạy học sớm nhất của huyện Nam Xương, phủ Lý Nhân xưa. Văn từ Vĩnh Trụ là di tích có quy mô kiến trúc lớn, tương đối nguyên vẹn.

Tại đây hiện còn lưu giữ 2 tấm bia đá cổ - chứng tích quan trọng của di tích nho học, cung cấp thông tin quý về lịch sử hình thành, thể hiện truyền thống tôn sư, trọng đạo của người dân Vĩnh Trụ xưa và nay. Các nhà khoa bảng Vĩnh Trụ dù làm quan hay về với đời thường, đều là người hiểu biết rộng và có mối quan hệ gần gũi với xóm làng, chăm lo đóng góp xây dựng quê hương.

 Di tích văn từ Vĩnh Trụ - công trình do Tiến sĩ Vũ Văn Lý xây dựng.

Di tích văn từ Vĩnh Trụ - công trình do Tiến sĩ Vũ Văn Lý xây dựng.

Văn từ Vĩnh Trụ có kiến trúc khá độc đáo, cổng văn từ được xây dựng theo phong cách cổ truyền, 2 tầng mái, trên mái đắp giả ngói ống, đao mái tạo cách điệu hình rồng. Trên cùng phần mái, chính giữa đắp hình mặt nhật được bao quanh bởi các đao lửa, vân mây. Đối xứng với cổng chính là 2 cột đồng trụ, mỗi cột được tạo tác thành 3 phần trang trí tính từ dưới lên, gồm: Chân, thân và đỉnh. Chân cột tạo dáng thắt cổ bồng; thân vuông tạo các khung ô, trong khung là các câu đối bằng chữ Hán, trên thân là ô lồng đèn; đỉnh cột tạo đôi nghê chầu vào nhau, nối 2 cột đồng trụ và cổng chính là bức tường xây kín, giữa đắp nổi chữ Hán.

Kiến trúc văn từ mang phong cách thời Nguyễn, có bố cục mặt bằng hình chữ Nhị, gồm 2 tòa 3 đệ nhất gian và 3 đệ nhị gian. Tòa đệ nhất dài 7,3m, rộng 5,37m, xây theo kiểu tường hồi, bít đốc giật cấp. Trên mái lợp ngói nam, dưới lót ngói chiếu, rui tấm, hoành vuông. Tòa đệ nhị 3 gian bít đốc giật cấp, nền lát gạch phẳng phiu.

Lối kiến trúc vì nóc theo kiểu chồng rường giá chiêng, vì nách theo kiểu chồng rường bán giá chiêng, có hàng bảy tiền chắc khỏe gánh đỡ phần mái. Các hoa văn trang trí và họa tiết trên kiến trúc tỉ mỉ với đường nét mềm mại, thanh thoát thể hiện bàn tay tài hoa của nghệ nhân xưa…

Cùng với kiến trúc và chạm khắc hoa văn, văn từ còn lưu giữ nhiều đồ thờ và hiện vật có giá trị về nghệ thuật mang phong cách thời Nguyễn, tiêu biểu, như: Khám thờ, bát hương, bia đá. Hiện vật có giá trị phải kể đến là hai khám thờ đặt hai gian bên tòa đệ nhị. Hai khám thờ có kích thước dài 0,6m, rộng 0,4m, cao 0,9m được tạo tác đồng nhất về đề tài trang trí gồm một lớp.

Chuyện lưu truyền ở địa phương cho biết, khi làm đình làng và văn chỉ, Tiến sĩ Vũ Văn Lý đã thực hiện bằng cái tâm trong sáng, nhiệt thành nhất. Ông đã cho khắc lên bảng gỗ trước hậu cung thờ thần hàng chữ: “Phi nhân thực thổn duy đức thị y, thần thông minh chính trực, nhi nhất giả dã” (nghĩa là: Nếu chẳng phải là người thực có lòng làm điều nhân đức thì đâu gặp được điều tốt lành, bởi vì thần vốn là bậc sáng suốt, ngay thẳng, trước sau như một).

Noi theo chí cha, và trực tiếp được cha dạy bảo nên con trai ông - Vũ Văn Báo sau này đỗ Phó bảng, Vũ Văn Nghị đỗ Cử nhân. Vốn quen lối sống thanh bạch, giản dị nên năm ông 70 tuổi, các con và học trò muốn tổ chức mừng khánh thọ cho thầy thật linh đình, ông đã can ngăn, rồi khắc một bài thơ chữ Hán lên bảng gỗ, xem như lời di huấn.

Bài thơ theo dịch nghĩa: Già này bảy mươi đã nghỉ việc quan/ Ơn nước phúc nhà trọn đời làm nhà nho/ Anh em yên bình cũng là nhờ trời cho niềm vui ấy/ Cha mẹ vẫn còn phận làm con phải chăm lo phụng dưỡng/ Thời gian trôi nhanh phải ra công làm việc/ Sớm hôm lấy trung hiếu để làm vui/ Đó là thứ thuốc trường sinh lưu lại cho đời/ Cho cha mẹ được thọ như uống thuốc luyện cửu đan.

Hiện, bài thơ trên bảng gỗ vẫn được lưu giữ ở từ đường họ Vũ Vĩnh Trụ.

Năm Tự Đức thứ 30 (1878), Tiến sĩ Vũ Văn Lý qua đời, hưởng thọ 71 tuổi. Trên cánh đồng Chung làng Vĩnh Trụ, bia mộ ông khắc hàng chữ Hán trang trọng: “Vĩnh Xuyên thạch chí. Hoàng Nguyễn đồng Tiến sĩ Trung Thuận đại phu. Thụy Đoan Cẩn, Quốc Tử Giám Tế tửu Vĩnh Xuyên vi công chi mộ” - nghĩa là: Mộ ông Vĩnh Xuyên (tên tự của Tiến sĩ Vũ Văn Lý. Thụy là Đoan Cẩn (tên sau khi mất). Chức Tế tửu Quốc Tử Giám, hàng Đại phu, được tặng mĩ tự là Trung Thuận, đỗ đồng Tiến sĩ triều Nguyễn.

Trần Siêu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuyen-hoc-xua-va-nay-vi-te-tuu-tung-la-thay-day-tam-nguyen-yen-do-nguyen-khuyen-post729760.html
Zalo