Giữ gìn nét đẹp văn hóa Khmer

Đời sống văn hóa của người Khmer phong phú và đa dạng, nổi bật với nhiều lễ hội truyền thống, trang phục dân tộc đầy màu sắc và những điệu múa uyển chuyển, sống động. Những nét đẹp này không chỉ phản ánh bản sắc văn hóa mà còn chứa đựng giá trị tinh thần được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên theo thời gian, những giá trị này đang dần bị lãng quên, vì vậy cần được bảo tồn và phát huy để tinh hoa văn hóa dân tộc ngày càng được nhân rộng, tỏa sáng.

Nhận thức sâu sắc về điều này, chị Thạch Thị Kiều Oanh ở ấp 5, xã Nha Bích, thị xã Chơn Thành, đã thành lập nhóm múa truyền thống dân tộc Khmer với mong muốn gìn giữ và truyền lại cho thế hệ sau những điệu múa đầy sắc màu văn hóa dân tộc, để những giá trị ấy ngày càng được nhân rộng và phát triển mạnh mẽ.

Niềm say mê với nghệ thuật múa đến với chị Oanh từ khi còn nhỏ. Nhưng chỉ khi trở thành hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nha Bích vào năm 2020, chị Oanh mới có cơ hội biến đam mê thành hành động cụ thể. Không chỉ là những buổi tập cho các dịp lễ hội, đội múa còn là không gian gắn kết cộng đồng, là nơi người lớn truyền lại tình yêu văn hóa cho thế hệ kế thừa. “Chỉ khi chúng ta cùng nhau gìn giữ thì điệu múa truyền thống mới không bị mai một” - đó là điều mà chị Oanh luôn canh cánh trong lòng. Và từ tâm huyết đó, từng thành viên trong đội, dù bận với nương rẫy, gia đình vẫn đều đặn có mặt tại nhà văn hóa mỗi cuối tuần.

Chị Thạch Thị Kiều Oanh hướng dẫn động tác múa cho các em nhỏ - Ảnh: Tư Bốn

Trong đội múa, chị Lâm Thị Tâm là minh chứng cho tinh thần “tre già măng mọc”. “Mình già rồi, nhưng vui vì tụi nhỏ chịu học. Mai này mình không múa nữa, thì tụi nhỏ sẽ thay mình giữ gìn” - chị Tâm chia sẻ. Quả thật, thế hệ măng non đang lớn lên trong môi trường đậm đà bản sắc ấy. Bé Lâm Thị Mỹ Linh, một trong những thành viên nhỏ tuổi nhất đội múa hào hứng: “Con rất thích múa. Cuối tuần nào con cũng đến tập cùng các bạn. Vui lắm!”.

Từ những buổi biểu diễn nhỏ ở nhà văn hóa ấp, đội múa nay đã được mời tham gia tại nhiều sự kiện trong và ngoài xã. Ông Lê Sỹ Quế, Trưởng ấp 5 gọi điệu múa Khmer là “món ăn tinh thần không thể thiếu” mỗi khi xã có lễ hội. “Mỗi bước chân, nhịp tay trong bài múa là cách để kết nối cộng đồng, để giữ lại hồn dân tộc. Tôi hy vọng thế hệ trẻ sẽ kế thừa và phát huy để những giá trị tinh túy của ông cha không bị lãng quên” - ông Quế cho hay.

Giữa những xô bồ của nhịp sống hiện đại, nơi mà nhiều giá trị văn hóa truyền thống dần bị lãng quên, thì những điệu múa của người Khmer ở ấp 5, xã Nha Bích vẫn đang hiện hữu, như một dòng chảy không ngừng nghỉ giữa cộng đồng. Đó không chỉ là những bước chân mềm mại, những động tác uyển chuyển theo nhịp trống mà còn là biểu tượng của sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Việc gìn giữ và lan tỏa điệu múa truyền thống không còn là câu chuyện của riêng cá nhân như chị Thạch Thị Kiều Oanh, mà đã trở thành niềm tự hào của cả cộng đồng.

Các thành viên tập múa và thử trang phục chuẩn bị biểu diễn

Các thành viên tập múa và thử trang phục chuẩn bị biểu diễn

Trong từng buổi tập, những ánh mắt say mê của thế hệ trẻ là hy vọng về những điệu múa Khmer không chỉ còn trong ký ức, mà được sống động giữa đời thường. Và trong hành trình bảo tồn ấy, chị Oanh chính là "người giữ lửa", âm thầm thắp sáng và truyền cảm hứng cho cả cộng đồng.

Bảo tồn văn hóa không cần những điều lớn lao, mà bắt đầu từ những hành động giản dị nhưng bền bỉ như việc cùng nhau múa, cùng nhau gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Và từ những “ngọn lửa” nơi ấp 5, văn hóa của đồng bào Khmer đang được giữ gìn, thắp sáng và lan tỏa mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Sa Rây

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/543/172396/giu-gin-net-dep-van-hoa-khmer
Zalo