Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật A Di Đà khác nhau thế nào?
Nhắc đến Phật giáo là nhắc đến Đức Thích Ca, nhưng câu niệm phổ biến nhất lại là Nam mô A Di Đà Phật; hai vị Phật này khác nhau thế nào?
Trong lịch sử Phật giáo, hai vị Phật thường được nhắc đến nhiều nhất là Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật A Di Đà. Sự khác biệt giữa hai vị là gì?
Xuất thân và bối cảnh lịch sử
Phật Thích Ca Mâu Ni là nhân vật có thật trong lịch sử nhân loại. Ngài tên thật là Siddhartha Gautama (Tất Đạt Đa Cồ Đàm), sinh vào khoảng thế kỷ VII trước Công nguyên tại kinh thành Kapilavastu (Ca Tỳ La Vệ) thuộc tiểu quốc Shakya (Thích Ca), ngày nay thuộc Nepal. Là thái tử nhưng ngài từ bỏ cuộc sống vương giả để xuất gia, tìm con đường giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Sau nhiều năm tu hành và thiền định, ngài giác ngộ thành Phật - tức “bậc giác ngộ hoàn toàn”, sau này được biết đến với danh hiệu Thích Ca Mâu Ni Phật.

Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni.
Còn Phật A Di Đà (Amitābha Buddha) là một vị Phật được đề cập trong kinh điển Đại thừa, nhất là trong Tịnh độ tông. Theo kinh A Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ, ngài từng là một vị vua có tên Pháp Tạng (Dharmākara), sau khi nghe giáo pháp từ một vị Phật khác đã phát nguyện tu hành để tạo ra một cõi nước thanh tịnh, đó chính là Tây phương cực lạc để độ cho mọi chúng sinh. Sau vô lượng kiếp tu hành, ngài Pháp Tạng thành Phật A Di Đà, vị Phật của ánh sáng và thọ mạng vô biên.
Tóm lại, Phật Thích Ca là nhân vật có thật trong lịch sử, còn Phật A Di Đà là hình ảnh mang tính biểu tượng tôn giáo, được xây dựng qua niềm tin và kinh điển.
Vai trò và sứ mệnh trong giáo lý Phật giáo
Phật Thích Ca là giáo chủ của cõi ta bà - thế giới hiện tại của chúng ta. Ngài trực tiếp truyền dạy Phật pháp, khai mở con đường Bát chính đạo, Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyên, nhằm giúp chúng sinh tự tu, tự chứng, tự giải thoát khỏi đau khổ.
Trong khi đó, Phật A Di Đà là giáo chủ của thế giới Tây phương cực lạc – một cõi giới thanh tịnh, không có khổ đau, nơi chỉ có niềm vui và đạo pháp. Vai trò của ngài là tiếp độ những ai tin tưởng và niệm danh hiệu ngài, đưa họ về cõi cực lạc sau khi qua đời để tiếp tục tu hành dễ dàng hơn. Đây là cốt lõi của pháp môn Tịnh độ, vốn rất phổ biến ở Trung Quốc, Việt Nam và Nhật Bản.
Phật Thích Ca đề cao tự lực tu hành. Ngài là biểu tượng của trí tuệ, tự lực, là tấm gương cho những ai muốn tự mình tu tập giác ngộ. Còn Phật A Di Đà nhấn mạnh đến tín tâm và tha lực – tức sự gia hộ từ bi của một vị Phật từ phương khác. Pháp môn niệm Phật A Di Đà rất được người cao tuổi yêu thích vì đơn giản, dễ thực hành, và mang lại niềm an ủi lớn lao về một nơi nương tựa sau cái chết.
Biểu tượng và hình ảnh
Phật Thích Ca thường được thể hiện với hình ảnh một tu sỹ ngồi thiền định dưới cội bồ đề, dáng người thanh thoát, ánh mắt từ bi và trí tuệ. Tay ngài thường để trong tư thế thiền (ấn thiền), hoặc tay phải chạm đất (ấn xúc địa), biểu thị cho sự chiến thắng ma vương trong đêm giác ngộ.

Tượng Phật A Di Đà.
Tượng Phật A Di Đà có thể ở tư thế đứng, tay trái đưa ngang ngực, bắt ấn hoặc cầm hoa sen, tay phải buông xuống. Ở tư thế ngồi, ngài thường được khắc họa với tay bắt ấn thiền để ngang bụng, bàn tay phải nằm chồng lên lòng bàn tay trái và hai ngón cái chạm nhau; hoặc tay phải đưa ngang vai và hướng lên trên, trong khi tay trái bắt ấn thiền và để ngang bụng. Ngài thường khoác áo cà sa có khoảng hở rộng ở ngực.
Phật A Di Đà được ví như ánh sáng vô lượng nên đôi khi hình ảnh ngài xuất hiện kèm hào quang rực rỡ.
Mối liên hệ giữa Phật Thích Ca và Phật A Di Đà
Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật A Di Đà có mối liên hệ mật thiết trong giáo lý Đại thừa. Trong các kinh Tịnh độ như Kinh A Di Đà, Kinh Vô Lượng Thọ, chính Phật Thích Ca Mâu Ni giới thiệu và khuyên chúng sinh nên niệm danh hiệu Phật A Di Đà để được sinh về cõi cực lạc.
Có thể hiểu rằng, Phật Thích Ca Mâu Ni vừa là bậc thầy hướng dẫn con đường tự lực, vừa là người giới thiệu con đường tha lực thông qua niềm tin nơi Phật A Di Đà. Ngài mở ra cả hai cánh cửa để tùy căn cơ của từng người mà lựa chọn phương pháp tu hành phù hợp.
Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật A Di Đà không phải là hai vị Phật đối lập, mà là hai biểu tượng bổ sung cho nhau trong đời sống Phật giáo. Một bên là vị thầy lịch sử đã khai sáng đạo Phật, khuyến khích chúng sinh tự tu – tự chứng. Một bên là vị Phật biểu tượng của lòng từ vô hạn, mang đến niềm tin và sự cứu rỗi cho những ai có lòng thành. Việc hiểu rõ sự khác biệt này không chỉ giúp Phật tử chọn pháp môn tu tập phù hợp, mà còn làm sâu sắc hơn lòng kính ngưỡng và hiểu biết về đạo Phật trong đời sống hiện đại.