Cựu binh 90 tuổi bùi ngùi ngắm kỷ vật mình giấu trong hang đá hơn 50 năm trước
Nhìn thấy kỷ vật do chính mình cất giấu hơn 50 năm trước, cụ Nguyễn Viết Tuất xúc động nâng niu từng kỷ vật mình từng gắn bó...
Đội quy tập mộ liệt sĩ thuộc Quân đoàn 34 vừa phát hiện một chiếc thùng đạn bằng sắt, bên trong có nhiều kỷ vật mang tên Nguyễn Viết Tuất (Thái Bình) được cất giấu trong hang đá từ hơn 50 năm trước.
Trong đợt khảo sát tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên núi Chư Pa (làng Dip, xã Ia Kreng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), đội đã quy tập được 5 hài cốt liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng nhiều di vật như tăng võng, vỏ đạn đại liên, băng đạn AK, ống thuốc, bát sắt.

Thùng đạn bằng sắt được gói rất cẩn thận, bên trong đựng một số kỷ vật, giấy tờ quan trọng của cựu chiến binh Nguyễn Viết Tuất. Ảnh: Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên
Đáng chú ý, đội quy tập đã tìm thấy 1 thùng đạn bằng sắt, cất giấu trong hang đá tại tọa độ 6792.02, bên trong được gói rất cẩn thận, đựng một số kỷ vật, giấy tờ quan trọng của cựu chiến binh Nguyễn Viết Tuất (SN 1935, quê ở xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). Thời điểm đó, Nguyễn Viết Tuất là Trung đội phó thuộc Đại đội trợ chiến (Tỉnh đội Gia Lai).
Trong số các kỷ vật được tìm thấy, có 1 bộ quần áo, 2 chiếc võng dù còn mới và hàng chục giấy khen, bằng khen do Thủ trưởng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam cấp cho Nguyễn Viết Tuất vì đã có thành tích về trận Chợ Đồn 30/10/1968; trận pháo kích Chợ Đồn 13/11/1968; trận chống càn 29/12/1968; trận đánh ngày 1/2/1970; thành tích 6 tháng đầu năm 1970; Giấy chứng nhận chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm 1970; Giấy chứng nhận chiến sĩ thi đua cấp đại đội năm 1970.
Bên cạnh đó, Nguyễn Viết Tuất còn được Tỉnh đội Gia Lai cấp bằng khen hoàn thành nhiệm vụ trận pháo kích vào sân bay Tân Tạo đêm 21/3/1969; giấy khen vì đã có thành tích 6 tháng cuối năm 1969; bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác, chiến đấu năm 1969.

Bộ quần áo của cựu binh Nguyễn Viết Tuất. Ảnh: Trần Hoàn

Hai võng dù còn mới. Ảnh: Trần Hoàn
Ngoài ra, trong chiếc hòm sắt còn có Quyết định bổ nhiệm Nguyễn Viết Tuất từ chức vụ tiểu đội phó lên trung đội phó và 3 lá thư chưa kịp gửi (viết cho anh chị, cháu và các thủ trưởng).
Sau thời gian xác minh, tìm kiếm, biết cụ Tuất còn sống, ngày 9/4, Thượng tá Nguyễn Cảnh Minh, Giám đốc Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên (Quân đoàn 34) đã phối hợp với chính quyền xã Trọng Quan, đến tận nhà trao lại kỷ vật mà cụ Tuất đã cất giấu trong hang đá hơn 50 năm trước.
Trao đổi với VietNamNet, Thượng tá Minh chia sẻ, cụ Nguyễn Viết Tuất tuy tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn còn minh mẫn. Mặc dù cụ không nhớ rõ thời gian cụ thể cất giấu thùng đạn nhưng thông qua giấy tờ, có thể xác định những kỷ vật này được cất giấu vào cuối năm 1971, đầu 1972.
Cũng theo Thượng tá Minh, khi nhìn thấy kỷ vật do chính mình cất giấu hơn 50 năm trước, cụ Nguyễn Viết Tuất rất xúc động. Cụ ngắm nghía, nâng niu từng kỷ vật mà hơn nửa thế kỷ trước từng gắn bó...

Giấy chứng nhận chiến sĩ thi đua và bằng khen do Thủ trưởng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam cấp cho Nguyễn Viết Tuất năm 1970. Ảnh: Trần Hoàn
“Cụ bồi hồi kể lại sự khốc liệt của chiến tranh, sự anh dũng hy sinh của người lính. Bản thân cụ Tuất cũng đã tự tay chôn cất đồng đội của mình, cất giấu giấy tờ tư trang vào hang đá để tiếp tục chiến đấu bảo vệ Tổ quốc”, Giám đốc Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên thông tin.
Với tấm lòng trân trọng lịch sử và trách nhiệm với thế hệ mai sau, ngoài những kỷ vật vừa được tìm thấy, cụ Tuất còn trao tặng cho Bảo tàng nhiều bằng khen về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 1973; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 1974; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 1975.
“Những hiện vật này không chỉ được lưu giữ, trưng bày mà còn trở thành những minh chứng sống, giúp thế hệ trẻ hôm nay tận mắt nhìn thấy và cảm nhận được những mất mát, hy sinh to lớn mà cha ông ta đã trải qua để giành lấy độc lập, tự do. Từ đó, các em sẽ thấm thía hơn giá trị thiêng liêng của hòa bình, được đánh đổi bằng xương máu, mồ hôi, nước mắt và biết bao công sức của các thế hệ đi trước”, Thượng tá Nguyễn Cảnh Minh khẳng định.

Thượng tá Nguyễn Cảnh Minh, Giám đốc Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên trao Bằng ghi nhận của Cục Chính trị Quân đoàn 34 và quà cho cụ Nguyễn Viết Tuất vì đã hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng. Ảnh: Gia đình cung cấp
Bà Trần Thị Tấn, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Quan (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) cho biết, sau ngày thống nhất đất nước, cựu binh Tuất phục viên, trở về địa phương. Từ năm 1976 đến nay, cụ tham gia hoạt động và giữ nhiều chức vụ tại thôn xóm như Phó bí thư chi bộ, Thư ký đội sản xuất, Bí thư Chi bộ xóm 16.
"Cụ Tuất sống giản dị, gần gũi, chân tình với bà con lối xóm, nhiệt tình trong công tác. Dù ở cương vị nào, cụ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao" - bà Tấn chia sẻ.