Tháng Năm thương nhớ!

Những ngày tháng Năm, nắng phương Nam rót vàng rực rỡ. Những cơn mưa đầu mùa bất chợt kéo về. Tiếng ve râm ran đâu đó giữa những tán phượng đỏ cháy một mùa thương, bừng thức sau một mùa lặng lẽ. Còn tôi giữa chốn phố thị nhộn nhịp, bề bộn những lo toan bỗng thèm nghe tiếng nước róc rách chảy qua con suối nhỏ Cầu Da, thèm được về với cha để sống lại những tháng ngày đầy thương yêu…

Trong miền ký ức tuổi thơ, quê tôi hiện lên như một bức họa đồng quê yên bình, với những cánh đồng lúa trải dài mềm mại, ôm ấp dòng suối Cầu Da hiền hòa uốn lượn. Nước suối trong lành chảy róc rách ngày đêm, là mạch nguồn nuôi sống bao thế hệ lớn lên. Và trong dòng ký ức ấy, trái tim tôi hằn sâu bóng dáng cha già.

Tôi nhớ những chiều hoàng hôn, sau một ngày vất vả trên rẫy, cha lặng lẽ xách chiếc giỏ tre xuống con suối Cầu Da để gỡ lưới. Xóm tôi hầu như nhà nào cũng có vài tay lưới để cải thiện bữa ăn cho gia đình. Đó có thể là mớ cá rô đồng, cá sặc tươi rói, vài con cá trê vàng óng hay những con cá tràu nặng tay. Cha giăng lưới giỏi lắm, thường biết nơi nào có nhiều cá và ít mắc vào chà chôm, gai góc. Những cơn mưa tháng Năm cũng là thời điểm suối Cầu Da trở nên đầy ắp và nhiều cá hơn.

Trời chập tối, cha trở về nhà với chiếc giỏ đầy cá. Bếp lửa hồng được nhóm lên. Gian bếp nhỏ của nhà tôi lúc ấy trở nên rộn ràng hơn bao giờ hết. Cha và mẹ cùng làm bếp. Tiếng lách cách dao thớt, tiếng dầu sôi trên chảo, những con cá tươi ngon được ướp đậm đà gia vị, thêm chút tiêu xanh cay nồng, rồi kho liu riu trên bếp lửa nhỏ. Cái mùi thơm ấy cứ lan tỏa, đánh thức mọi giác quan, khiến bụng đói cồn cào. Anh em tôi đứa nào cũng háo hức chờ đợi khoảnh khắc được xới bát cơm nóng hổi, gắp miếng cá kho đậm đà, chan thêm chút nước kho sánh sệt.

Bữa cơm gia đình đạm bạc ngày ấy sao mà ấm áp và hạnh phúc đến thế! Tiếng cười nói rộn rã vang vọng trong căn nhà nhỏ, ánh mắt cha hiền từ dõi theo từng đứa con gắp thức ăn, đó là khoảnh khắc bình dị mà tôi trân trọng suốt cả cuộc đời. Tôi hiểu rằng, trong từng món ăn dân dã kia không chỉ có hương vị của đồng quê, của dòng suối mát lành mà còn có cả vị mặn của giọt mồ hôi cha rơi trên những cánh đồng, trên bờ suối mỗi ngày.

Sau bữa cơm tối, cha thường ngồi bên hiên kể cho anh em tôi nghe những câu chuyện ngày xưa - những ngày vừa mới đến vùng đất Tây Ninh đầy nắng gió. Đất vỡ hoang còn ngai ngái mùi lá mục, nham nhở bùn sình; về dòng suối quê còn lắm cá đồng với cái tên dung dị - Cầu Da; về những người dân hiền lành trong xóm… Giọng cha trầm ấm neo cả trong giấc mơ tôi.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi, suối Cầu Da vẫn chảy, những cánh đồng lúa vẫn xanh mướt… Tôi lớn lên, rời xa vòng tay cha, mang theo những ước mơ và hoài bão của tuổi trẻ lên thành phố lập nghiệp. Nhưng dù đi đến đâu, hình ảnh cha vẫn mãi luôn trong tâm trí tôi. Mỗi khi nhớ quê, tôi lại hình dung dáng cha gầy gò, chiếc giỏ tre cũ kỹ trên tay, ánh mắt hiền từ dõi theo từng bước tôi đi. Tôi hiểu rằng, cha không chỉ là người mang đến những bữa cơm ấm áp mà còn là người đã gieo vào lòng tôi tình yêu quê hương, với những điều bình dị nhất. Cha đã dạy tôi giá trị của sự lao động, của sự kiên trì và lòng yêu thương gia đình sâu sắc. Suối Cầu Da không chỉ là dòng nước nuôi sống con người mà còn là dòng chảy của tình phụ tử thiêng liêng âm thầm bồi đắp tâm hồn tôi.

Tháng Năm vẫn về đều đặn mỗi năm, như một lời nhắc lặng lẽ về nơi tôi đã lớn lên, về người cha đã dành cả cuộc đời mình để vun vén cho gia đình, người đã thắp sáng trong tôi ngọn lửa ước mơ bằng chính sự tần tảo và tình yêu thương vô bờ bến. Có thể thời gian sẽ xóa nhòa đi bao điều đáng quý, nhưng con suối nhỏ, cây Cầu Da cong cong và bóng dáng cha mãi mãi là nơi để tôi tìm về mỗi khi lòng chênh vênh giữa những ngã rẽ cuộc đời.

Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email chaonheyeuthuongbptv@gmail.com, Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!

Mai Thảo

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/172397/thang-nam-thuong-nho
Zalo