Chuyên gia Phạm Chi Lan: Nghị quyết 68 đang kích hoạt những thay đổi chưa từng có

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích những tín hiệu tích cực từ Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, kỳ vọng vào bước chuyển thực chất của kinh tế tư nhân trong giai đoạn phát triển mới.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (nay là Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam)

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (nay là Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam)

Thay đổi cách nhìn về kinh tế tư nhân

Bà đánh giá như thế nào về Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân? Liệu đây có phải một bước ngoặt trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân tại Việt Nam?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Nghị quyết 68 thực sự là một bước tiến lớn, thể hiện quyết tâm của Đảng trong việc thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

Tổng Bí thư Tô Lâm trong thời gian gần đây đã nhiều lần khẳng định, "khu vực tư nhân là động lực quan trọng nhất", là đòn bẩy cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam.

Khi Tổng Bí thư nói ra thông điệp đó, đã là điều vô cùng mừng rồi, hơn nữa, ông còn nhắc đi nhắc lại tại các diễn đàn khác nhau, không chỉ một mà rất nhiều lần, để khẳng định với các ngành, các cấp rằng, đây là một chủ trương mà Đảng, Chính phủ và Nhà nước nhất quyết đi theo.

Và thông điệp này đã được khẳng định mạnh mẽ trong Nghị quyết số 68, càng cho thấy sự quyết liệt, quyết tâm của các cấp lãnh đạo cao nhất, nhằm tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển.

Thông điệp lần này khác như thế nào so với trước đây, thưa bà?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Trước đó, chúng ta đã có nhiều nghị quyết về khu vực tư nhân, nhưng đang kỳ vọng nói được nhiều thì lại "rón rén", thêm, bớt đi một số từ, khiến nó không mang lại được những thay đổi thực sự.

Cách đây mấy năm, Nghị quyết 10 đã có những lời hay ý đẹp về khu vực kinh tế tư nhân, là một trong những động lực của tăng trưởng. Nhưng là "một trong những" thì nó vẫn bị hòa vào các khu vực khác, vẫn bị xếp sau khu vực kinh tế nhà nước và đầu tư nước ngoài.

Quan trọng hơn, đến khi soạn thảo các văn bản pháp luật lại bị làm nhẹ đi, rơi rụng, biến hóa đi so với nghị quyết của Đảng. Nhìn vào đó, người ta thấy rằng, đây không phải một sự thay đổi, một quyết tâm mạnh mẽ mà chỉ là những ngôn ngữ mang tính chất động viên khu vực tư nhân, chứ không phải thực sự coi họ là động lực cho phát triển.

Trong suốt nhiều năm liền, về cơ bản, những chính sách để tạo được một môi trường kinh doanh công bằng, an toàn cho khu vực tư nhân vẫn chưa phải mục tiêu chính của Đảng và Nhà nước.

Và phải nói thật, với những cách làm như trước đây, tôi không nghĩ là nó có thể tạo được một sự chuyển biến khác cho khu vực kinh tế này.

Vậy điều gì khiến bà tin rằng, sẽ có những thay đổi thực sự đối với kinh tế tư nhân trong thời gian tới?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Có thể thấy, sau khi Tổng Bí thư nói những thông điệp đầu tiên, quan sát những động thái của Thủ tướng, ngay lập tức đã có những thay đổi mạnh mẽ.

Lần đầu tiên, Thủ tướng mời các tập đoàn tư nhân đến làm việc, mời họ tham gia vào những dự án rất lớn của quốc gia như đường sắt cao tốc Bắc Nam... Có thể nói, đây là sự kiện chưa từng có trong sự phát triển của Việt Nam.

Trước đây, với các dự án lớn, Chính phủ sẽ gọi các doanh nghiệp nhà nước, hoặc chào mời các nhà đầu tư nước ngoài, chứ không mời đến tư nhân trong nước.

Nhưng lần này, các thông điệp của Đảng, Chính phủ đã ưu tiên, mở đường cho doanh nghiệp tư nhân, khẳng định họ là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Họ đủ sức tham gia vào những dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia, đóng góp cho tăng trưởng.

Tất nhiên, có những lĩnh vực cao cấp hơn như công nghệ, chúng ta có thể lựa chọn các đối tác lớn bên ngoài. Tuy nhiên, Nghị quyết 68 nêu rất rõ, ngay kể cả việc chọn lựa đối tác bên ngoài thì cũng phải tiếp cận với nhiều đối tác khác nhau để làm. Và trong khi làm cũng yêu cầu có sự hợp tác với doanh nghiệp trong nước, chứ không để một mình họ làm chủ.

Đó là những thông điệp rất hay và rất đúng, những điều tuyệt vời chưa từng xảy ra ở nước ta trước đó.

Nghị quyết 68 thực sự đã đề cập cụ thể, kỹ càng đến tất cả các lĩnh vực mà tư nhân quan tâm nhất, dành cho họ hành lang pháp lý an toàn. Các doanh nghiệp được tôn trọng, được dỡ bỏ những rào cản để họ có thể thực sự trở thành động lực quan trọng nhất của tăng trưởng.

Một cuộc "cải cách" toàn diện từ Nghị quyết 68

Ngoài chủ trương “khu vực tư nhân là động lực quan trọng nhất”, bà còn ấn tượng với điều gì trong Nghị quyết 68?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Càng đọc nghị quyết, tôi càng thấy vô cùng mừng và ấn tượng với các chủ trương được đưa ra. Có thể nói, cả tám giải pháp đột phá giúp kinh tế tư nhân phát triển đều thực sự "đột phá".

Đáng chú ý, có thể kể đến như việc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự; các sai phạm, vụ việc dân sự kinh tế được ưu tiên áp dụng các biện pháp dân sự, kinh tế, hành chính trước; các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại. Đặc biệt, không hồi tố các quy định pháp luật để gây bất lợi cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nghị quyết cũng yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, quyền cạnh tranh bình đẳng và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân, tôn trọng hợp đồng, quyền ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp.

Nghị quyết lần này đề cập khá đầy đủ, cụ thể, với những yêu cầu và giải pháp rõ ràng về một vấn đề vốn nhạy cảm. Doanh nghiệp trước đây vốn luôn mang nỗi lo sợ về rủi ro pháp lý. Nhưng những quy định mới như vậy giúp họ yên tâm hoạt động.

Tất cả những quy định đó đúng với các nền kinh tế thị trường nói chung. Nền kinh tế thị trường đầy đủ phải là như vậy thì mới có thể quyết khích doanh nghiệp phát triển.

Hay như việc tiếp cận các nguồn lực cũng vậy, trước đó, doanh nghiệp tư nhân trong nước lúc nào cũng thua thiệt. Nhưng với nghị quyết này, lần đầu tiên chúng ta ưu tiên các doanh nghiệp tư nhân trong nước, tạo thuận lợi cho họ tiếp cận nguồn lực đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó là các nguyên tắc lớn như phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc thị trường. Doanh nghiệp nào làm hiệu quả nhất, mang lại nhiều lợi ích nhất thì giao nguồn lực đó cho họ, thay vì phân bổ nguồn lực theo thành phần kinh tế, xin - cho như trước đây.

Đối với môi trường kinh doanh, nghị quyết cũng đặt ra các yêu cầu rất cụ thể về việc cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh ngay trong năm 2025 và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo.

Việc đưa ra những chỉ tiêu cụ thể giúp tạo thuận lợi cho công tác thực hiện, tránh việc các thông điệp đưa ra rất hay, rất đẹp, nhưng đến lúc thực hiện thì lại bị biến báo, bị dẫn dắt theo lợi ích của từng ngành.

Điều thứ hai, tôi rất mừng với cách tiếp cận trong nghị quyết này theo hướng: các cơ quan nhà nước chỉ được làm chức năng quản lý chung, chứ không được can thiệp vào hoạt động cụ thể của từng doanh nghiệp. Cách phân biệt giữa những gì doanh nghiệp được tự do làm, được quyền tiếp cận, với quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước – đã được quy định rõ ràng.

Có rất nhiều quy định trong nghị quyết làm rõ cách Nhà nước phải ứng xử với doanh nghiệp. Như vậy, khi ban hành luật, sẽ giúp hạn chế tình trạng lạm quyền, tránh việc luật quy định rất nhiều nghĩa vụ cụ thể cho doanh nghiệp, nhưng nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước thì chỉ có vài dòng.

Nghị quyết cũng đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, năm 2045, đó là mục tiêu chung của cả doanh nghiệp và Nhà nước, chứ không phải của riêng doanh nghiệp. Bởi nếu Nhà nước không hành động, thì sẽ không thể đạt được mục tiêu đó.

Nghị quyết cũng nhấn rất mạnh vai trò phản biện chính sách của doanh nghiệp. Đây là một yếu tố rất tốt. Phải có phản biện thì mới thấy được những gì đang là rào cản. Việc Tổng Bí thư nhấn mạnh vai trò phản biện đó, tức là đã trao quyền cho doanh nghiệp, cho người dân, cho các hiệp hội đóng góp tiếng nói của họ trong quá trình xây dựng luật pháp.

Nghị quyết 68 có nhấn mạnh đến việc thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, theo bà, có điểm khác biệt nào so với các quy định trước đây?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Đây cũng là điểm tôi đánh giá rất cao. Nghị quyết lần này đã lồng ghép được rất nhiều nội dung liên quan đến đổi mới sáng tạo. Chúng ta vẫn thường nói đến đổi mới sáng tạo, nói nhiều đến chính sách cho doanh nghiệp, nhưng hiếm khi thấy những quy định cụ thể như trong nghị quyết này.

Ví dụ, các nội dung như chi phí ưu đãi cụ thể ra sao, được khấu trừ thuế thế nào, khoản đầu tư đó được sử dụng như thế nào, cơ chế các doanh nghiệp hỗ trợ lẫn nhau, tổ chức tín dụng cho vay..., tất cả đều được làm rõ. Đó là điều rất tuyệt vời.

Theo đó, chi phí đầu tư công nghệ, chuyển đổi số được hỗ trợ qua khấu trừ thuế hoặc tài trợ. Nghị quyết cho phép doanh nghiệp trích tối đa 20% thu nhập tính thuế lập quỹ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cho phép doanh nghiệp sử dụng phòng thí nghiệm, thiết bị nghiên cứu của Nhà nước với phí hợp lý. Đồng thời, miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia làm việc tại doanh nghiệp, trung tâm đổi mới sáng tạo.

Nếu không có những quy định cụ thể như vậy, thì lại giống như những năm vừa qua – chúng ta nói rất nhiều đến đổi mới sáng tạo nhưng chưa thực sự có hỗ trợ được. Các cơ quan nhà nước vẫn còn e dè, sợ làm sai, sợ bị quy kết. Ngay cả những việc đúng luật họ còn ngại làm, chưa nói đến những cách làm mới.

Nhưng nghị quyết này mở ra khả năng để họ năng động hơn, sáng tạo hơn trong việc tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp. Họ vừa làm tròn trách nhiệm của mình, vừa có thể thương mại hóa, biến những sáng kiến, sáng tạo thành sản phẩm chung – đồng hành với doanh nghiệp, để doanh nghiệp là người trực tiếp khai thác, nghiên cứu và đưa ra sản phẩm cho xã hội.

Chính từ những quy định cụ thể như vậy, đội ngũ cán bộ, đặc biệt là ở khu vực công, sẽ có thêm động lực để làm việc. Trước đây, chúng ta cũng nói nhiều đến cơ chế "ba nhà" – nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp – nhưng không có động lực để thực thi.

Tuy nhiên, với nghị quyết lần này chắc chắn sẽ tạo được cơ chế thực thi chủ động, trong đó cả khu vực nhà nước và phi nhà nước, doanh nghiệp đều có thể cùng phối hợp, chung tay thực hiện. Đó là điểm rất đáng ghi nhận.

Doanh nghiệp tư nhân Việt có thể đảm đương những dự án lớn

Nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chậm phát triển, vậy liệu họ có đủ sức gánh vác trọng trách, trở thành động lực quan trọng nhất, đưa kinh tế tăng trưởng hai con số?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Tôi nghỉ hưu lâu rồi, nhưng vẫn trực tiếp tham gia nhiều vào các hoạt động của doanh nghiệp, bằng nhiều cách khác nhau, qua đó cảm nhận được hơi thở cuộc sống của doanh nghiệp.

Nhiều khi, nhìn lại những năm vừa rồi, tôi thấy rất buồn. Quả thực, khu vực kinh tế này lâu nay vẫn được coi là chậm phát triển, không có khả năng tham gia các dự án lớn, quan trọng của quốc gia.

Tôi còn nhớ mãi câu chuyện chỉ cách đây vài năm trước, chỉ có một đoạn dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam thôi nhưng đã phải chia làm 6 - 8 đoạn, mỗi đoạn 60km, mà Bộ Giao thông vận tải khi đó báo cáo với Chính phủ, Quốc hội vẫn nói là tư nhân Việt Nam không đủ sức làm được, phải mời đầu tư nước ngoài.

Tại sao lại có thể nói một cách "thẳng tưng" như vậy, trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân đã làm biết bao nhiêu những dự án lớn rồi. Họ đã làm Sân bay Vân Đồn, đã có những con đường cao tốc ở nhiều địa phương. Và thực tế đã chứng minh là họ làm được, làm rất nhanh, gọn, hiệu quả, tiết kiệm. Bao nhà đầu tư nước ngoài làm cầu, đường, cảng biển... cũng đã thuê họ làm thầu phụ, mà thực tế họ đảm đương phần lớn các công việc.

Vậy tại sao lại có sự khác nhau quá lớn trong góc nhìn về kinh tế tư nhân như vậy, thưa bà?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Doanh nghiệp tư nhân đã làm được biết bao nhiêu dự án lớn, họ rất giỏi, luôn năng động, sáng tạo để phát triển không ngừng, nhưng nhiều khi họ cứ phải giấu mình đi.

Các báo cáo chính thức của nhà nước không nói được hết, không được thừa nhận hết các thành tựu của họ. Đến tận năm 2022, các báo cáo thống kê vẫn còn nói là khu vực kinh tế tư nhân chỉ đóng góp 10% GDP, sau này năm 2024 mới nói là 22%.

Có lẽ, chính các cơ quan quản lý cũng cảm thấy rằng, "ở trên" không muốn nghe những thông tin về khu vực kinh tế tư nhân đang lớn mạnh, thành ra họ giấu đi, cố tình "dìm hàng".

Còn bản thân các doanh nghiệp tư nhân cũng thấy rõ là họ không thực sự được khuyến khích, không được ưu tiên, nên họ cứ phải "né tránh" đi, giữ ở mức thấp tất cả các hoạt động, không muốn nói nhiều đến các thành tựu. Có những doanh nghiệp lớn lại phải chia nhỏ ra, biến thành thành tích của nhiều đơn vị khác nhau, chứ không dám để chỉ một mình mình.

Họ rất sợ! Sợ rằng nếu to quá thì sẽ bị “ngó soi” đến, bị đưa vào tầm ngắm của thanh tra, kiểm tra. Cái nỗi sợ "vỗ béo để làm thịt" rơi vào các vòng lao lý, vẫn còn dai dẳng. Vì thế, nó kìm hãm sự phát triển, làm cho nhiều doanh nghiệp “không muốn lớn”, xã hội không nhìn nhận đúng năng lực của doanh nghiệp tư nhân.

Trong khi thực tế, họ đã làm những dự án khó hơn, phức tạp hơn rất nhiều. Có thể thấy như dự án hầm Hải Vân, thời doanh nghiệp Nhật làm thì vất vả biết bao. Nhưng đến hầm Hải Vân 2, công ty Đèo Cả làm nhanh, gọn hơn hẳn, công nghệ mới hơn, tiết kiệm chi phí đáng kể.

Hay trong các ngành sản xuất cũng vậy. Doanh nghiệp Việt Nam làm được thép như Hòa Phát, Pomina – cạnh tranh ngang ngửa, không kém thép của bất kỳ nước nào.

Các doanh nghiệp họ đều đầu tư công nghệ cao, chứ không phải đi mua công nghệ thải loại từ mấy nước xung quanh Việt Nam. Cái thời lò ngang của Trung Quốc thải ra sang Việt Nam để làm thép đã qua lâu rồi. Bây giờ doanh nghiệp tư nhân đã lớn mạnh hơn nhiều, họ biết chọn chờ thời cơ, đầu tư quy mô lớn để đạt hiệu quả cao.

Hay như hầu hết các dự án hạ tầng ở Việt Nam những năm sau này, kể cả các dự án ODA, dù mang danh doanh nghiệp nước ngoài, nhưng hầu hết nhà thầu chính trên thực tế đều là các doanh nghiệp Việt Nam. Họ làm rất giỏi.

Những điều đó đủ chứng minh năng lực phát triển của các doanh nghiệp trong nước là rất đáng nghi nhận. Nếu tạo điều kiện cho họ phát triển, tôi tin rằng, họ còn phát triển mạnh mẽ hơn rất nhiều.

Và lần này, điều đáng mừng là chúng ta đã có những thay đổi rất mới.

Khi Nghị quyết 68 được ban hành, rõ ràng Đảng đã nhìn thấy năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam. Trong thời gian tới, tôi thực sự tin, doanh nghiệp trong nước có thể phát triển tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, đúng với vai trò, vị thế, sức cạnh tranh và tiềm năng của họ.

Xin cảm ơn bà!

Phương Linh

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/chuyen-gia-pham-chi-lan-nghi-quyet-68-dang-kich-hoat-nhung-thay-doi-chua-tung-co-d40223.html
Zalo