Người Hà Nội sắp được dùng vé điện tử liên thông metro, xe buýt

Việc xây dựng hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, liên thông giữa các phương tiện là yêu cầu cấp bách, không chỉ để nâng cao trải nghiệm cho người dân mà còn tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển vận tải công cộng.

Thông tin này được nhiều chuyên gia và nhà quản lý nhấn mạnh tại tọa đàm "Giải pháp thanh toán thông minh phục vụ giao thông hiện đại" tổ chức sáng 20/5 tại Hà Nội.

Mỗi tuyến metro một kiểu, bất tiện cho người dân

Đánh giá hiệu quả các tuyến metro đang vận hành, ông Khuất Việt Hùng, Chủ tịch HĐQT Metro Hà Nội cho biết, hiện cả Hà Nội và TP.HCM đều đã triển khai hệ thống thu soát vé tự động. Tuy nhiên, mỗi tuyến lại sử dụng một hệ thống riêng biệt. Điều này gây bất tiện cho người dân, đặc biệt là những người mua vé lượt - họ phải đến nhà ga và trực tiếp thanh toán bằng tiền mặt.

Đại biểu tham dự tọa đàm.

Đại biểu tham dự tọa đàm.

"Thẻ vé của tuyến Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội không thể sử dụng lẫn nhau. Người dân không thể dùng thẻ ngân hàng hay VNeID để thanh toán. Vấn đề đặt ra là bao giờ chúng ta có thể liên thông giữa các tuyến đường sắt đô thị với nhau và với cả xe buýt, để người dân không phải dùng tiền mặt mua vé?", ông Hùng đặt vấn đề.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đỗ Việt Hải cho biết, thành phố đã xây dựng xong chính sách phát triển hệ thống thẻ vé thông minh, hướng tới không chỉ phục vụ giao thông công cộng mà còn kết nối với nhiều loại hình dịch vụ khác trong tương lai.

"Hệ thống này sẽ liên thông với thu phí tự động, các bãi đỗ xe, thậm chí có thể sử dụng ngoài địa bàn Hà Nội. Chúng tôi đang nghiên cứu mô hình phù hợp với điều kiện Việt Nam, mục tiêu là khuyến khích người dân sử dụng vận tải công cộng", ông Hải nói.

Tuy nhiên, thách thức hiện nay là hai tuyến metro lớn của Hà Nội vẫn dùng hai hệ thống vé tách biệt, không có tính kết nối. Do đó, Hà Nội đặt mục tiêu hàng đầu là xây dựng hệ thống thẻ vé liên thông, do người Việt làm chủ công nghệ, dựa trên tiêu chuẩn kỹ thuật thuần Việt.

Khó khăn kỹ thuật đã được ngành xây dựng giải quyết căn bản. Quyết định số 3680 ngày 16/7/2024 của UBND TP Hà Nội đã ban hành hình thức quản lý và hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật cho hệ thống vé điện tử. Trong tương lai, người dân hoàn toàn có thể sử dụng căn cước công dân (CCCD) như một loại thẻ thanh toán để đi lại, tích hợp với VNeID hay các thẻ ngân hàng.

Dự kiến, hệ thống vé liên thông sẽ khai trương vào ngày 2/9/2025, không chỉ áp dụng cho các tuyến giao thông công cộng ở Hà Nội mà còn hướng tới mở rộng trên phạm vi toàn quốc. Hệ thống này cũng sẽ tích hợp với thẻ thanh toán quốc tế như Visa.

"Qua một năm thử nghiệm, chúng tôi đánh giá hệ thống đã cơ bản hoàn thiện. Hiện, chỉ còn bước triển khai đồng bộ trên toàn thành phố", ông Hải cho biết.

Dù vậy, ông Hải thừa nhận, thách thức lớn nhất không nằm ở công nghệ mà ở việc thay đổi thói quen người dân, nhất là người cao tuổi - đối tượng vốn không quen sử dụng thẻ điện tử hay các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, việc thay đổi mô hình thu vé đồng nghĩa với khoảng 4.000 lao động trên hơn 2.000 xe buýt của thành phố sẽ không còn nhiệm vụ bán vé như hiện nay. Hà Nội đang tính đến phương án sắp xếp lại công việc và hỗ trợ chuyển đổi việc làm cho lực lượng này trong thời gian tới.

Liên thông không khó, quan trọng là cơ chế, chính sách

Từ góc độ đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, các ngân hàng và NAPAS đã sẵn sàng về hạ tầng kỹ thuật, nghiệp vụ và sản phẩm để kết nối hệ thống thu soát vé tự động với mạng lưới thanh toán không tiền mặt.

"Chúng ta có thể học hỏi các quốc gia đi trước để rút ngắn quá trình triển khai, không nên phát triển những hệ thống đóng, riêng lẻ mà cần hướng tới một hệ thống mở, mang tính liên thông cao. Mục tiêu là đến ngày 2/9 sẽ có hệ thống hiện đại, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn thanh toán không dùng tiền mặt và quản lý thẻ vé giao thông hiệu quả", ông Long nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Nhật Bản, ông Fukuda Chihiro, Phó Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam cho rằng, khi mở rộng mạng lưới thanh toán, càng nhiều chủ thể tham gia thì hệ thống càng cần được điều phối chặt chẽ.

"Việc phối hợp giữa Chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức tín dụng là điều kiện tiên quyết. Hệ thống cần có khả năng tích hợp không chỉ với giao thông công cộng mà cả bãi đỗ xe, cửa hàng. Ngay từ đầu, cần xây dựng bộ quy chuẩn thống nhất, đảm bảo an ninh thông tin và phòng chống gian lận", ông Fukuda nói.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh, việc triển khai hệ thống thanh toán điện tử đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu lớn, nên không thể giao hoàn toàn cho doanh nghiệp. Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ tài chính và chính sách phù hợp để đảm bảo hiệu quả lâu dài.

Khẳng định việc liên thông là khả thi, ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh: "Chúng ta hoàn toàn làm được cả về công nghệ lẫn thể chế. Điều quan trọng là phải thiết kế hệ thống xác định rõ vai trò của doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước trong thanh toán bù trừ, quản lý dữ liệu và xây dựng thể chế chính sách".

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đỗ Việt Hải cũng cho biết, thành phố đã lường trước các tình huống có thể xảy ra trong quá trình xây dựng và triển khai hệ thống. "Tôi có thể khẳng định rằng hệ thống này sẽ vận hành với độ ổn định và hiệu quả cao nhất trong phạm vi khả thi hiện nay", ông Hải khẳng định.

Trần Duy

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/nguoi-ha-noi-sap-duoc-dung-ve-dien-tu-lien-thong-metro-xe-buyt-19225052011515633.htm
Zalo