8 nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế tư nhân

Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đặt ra 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cho các bộ, ngành, địa phương.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 138/NQ-CP thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhằm phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Nghị quyết nêu rõ, nhằm đạt được mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 68-NQ/TW, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các bộ, ngành, địa phương cần cụ thể hóa và quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện 8 nhiệm vụ.

Thứ nhất, đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân.

Các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết 68-NQ/TW và vị trí của kinh tế tư nhân bằng nhiều hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Cùng đó, cần xây dựng kế hoạch triển khai hành động cụ thể, lượng hóa mục tiêu. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị quán triệt toàn thể công chức thay đổi tư duy, đối xử công bằng với khu vực tư nhân, xây dựng mối quan hệ chính quyền – doanh nghiệp cởi mở, thân thiện, liêm chính.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo truyền thông nâng cao chất lượng thông tin, lan tỏa mô hình kinh doanh hiệu quả, xử lý nghiêm hành vi đưa tin sai, nhũng nhiễu, gây tổn hại đến doanh nghiệp, doanh nhân và hộ kinh doanh.

Thứ 2, đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân.

Cần đổi mới mạnh tư duy hành chính từ “quản lý” sang “phục vụ”, coi doanh nghiệp là trung tâm, nghiêm cấm cơ chế “xin – cho”, bảo hộ cục bộ. Chính sách pháp luật phải công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp.

Các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch rà soát, loại bỏ quy định chồng chéo, điều kiện kinh doanh không cần thiết; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Thực hiện triệt để chuyển đổi số để cắt giảm chi phí, thời gian xử lý thủ tục hành chính, triển khai dịch vụ công không phụ thuộc địa giới.

Tổ chức đối thoại, tiếp nhận và giải quyết nhanh vướng mắc của doanh nghiệp. Rà soát chương trình hỗ trợ theo hướng đơn giản hóa thủ tục, tăng hiệu quả tiếp cận.

Thực hiện thanh toán dứt điểm các khoản nợ đọng, chấm dứt chiếm dụng vốn. Kiểm tra doanh nghiệp không quá một lần/năm, công khai kế hoạch kiểm tra, đẩy mạnh kiểm tra từ xa. Xây dựng công cụ cảnh báo sớm rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp và tăng cường chống hàng giả, vi phạm bản quyền.

Thứ 3, tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao.

Nghị quyết 138 của Chính phủ đề ra 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cho các bộ, ngành, địa phương để phát triển kinh tế tư nhân.

Nghị quyết 138 của Chính phủ đề ra 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cho các bộ, ngành, địa phương để phát triển kinh tế tư nhân.

Các bộ, ngành rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến Luật Đất đai, quy định về khu, cụm công nghiệp, tài sản công… theo hướng dành quỹ đất và hỗ trợ thuê đất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ cao, khởi nghiệp sáng tạo. Đẩy nhanh công khai quy hoạch, ứng dụng chuyển đổi số trong thủ tục đất đai.

Ngân hàng Nhà nước sửa đổi quy định về cho thuê tài chính, mở rộng tài sản cho thuê; chỉ đạo ngân hàng ưu tiên tín dụng cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển đổi xanh, số; cải tiến quy trình cho vay theo chuỗi giá trị, tài sản vô hình. Thúc đẩy chia sẻ dữ liệu giữa ngân hàng, thuế, các cơ quan liên quan để tăng khả năng tiếp cận vốn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát chương trình đào tạo, bổ sung kỹ năng số, ngoại ngữ, STEM; khuyến khích hợp tác đào tạo với doanh nghiệp, nước ngoài; phát triển cơ chế đào tạo theo đơn đặt hàng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp tư nhân.

Thứ 4, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong kinh tế tư nhân.

Chính phủ yêu cầu hoàn thiện Luật Khoa học và Công nghệ, bổ sung cơ chế khuyến khích doanh nghiệp trích tối đa 20% thu nhập tính thuế để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; được tính chi phí R&D bằng 200% chi phí thực tế khi xác định thu nhập chịu thuế. Doanh nghiệp tư nhân được hỗ trợ chi phí khi sử dụng phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu của Nhà nước.

Bộ Tài chính đề xuất sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, miễn thuế với thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; miễn, giảm thuế cho chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại doanh nghiệp khởi nghiệp, trung tâm R&D.

Đồng thời, sửa Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, quỹ đầu tư mạo hiểm và tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo; miễn thuế thu nhập cho tổ chức, cá nhân chuyển nhượng vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp; ưu đãi thuế cho chuyên gia, nhà khoa học tại các trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.

Thứ 5, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.

Bộ Tài chính được Chính phủ yêu cầu rà soát, sửa đổi Luật Đầu tư và các văn bản liên quan, bổ sung ưu đãi cho doanh nghiệp lớn dẫn dắt chuỗi cung ứng nội địa, cam kết chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính sách thúc đẩy nội địa hóa qua liên kết giữa doanh nghiệp FDI và nội địa, áp dụng tỷ lệ nội địa hóa phù hợp trong các ngành công nghiệp ưu tiên. Dự án FDI lớn phải có kế hoạch sử dụng chuỗi cung ứng nội địa ngay từ khi phê duyệt.

Rà soát Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ doanh nghiệp đạt chứng nhận xuất khẩu, xúc tiến thương mại kết nối FDI với doanh nghiệp nội địa, khởi nghiệp cho cán bộ từng làm việc tại doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp lớn được trừ chi phí đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Các bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực doanh nghiệp nhỏ và vừa, xúc tiến đầu tư vào ngành, lĩnh vực ưu tiên, nền tảng, mũi nhọn, thúc đẩy liên kết doanh nghiệp tư nhân, nhà nước và FDI.

Thứ 6, hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu.

Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi Luật Đấu thầu, bổ sung quy định ưu tiên, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia cùng Nhà nước vào các dự án chiến lược, nhiệm vụ nghiên cứu trọng điểm như đường sắt tốc độ cao, công nghiệp mũi nhọn, hạ tầng năng lượng, số, giao thông xanh, quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ cấp bách.

Rà soát Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), đa dạng hóa các mô hình hợp tác giữa Nhà nước và kinh tế tư nhân trong hạ tầng kinh tế, văn hóa xã hội, công nghệ thông tin, truyền thông.

Xây dựng Chương trình phát triển 1000 doanh nghiệp tiêu biểu, tiên phong trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghiệp công nghệ cao và hỗ trợ.

Bộ Công Thương triển khai chương trình Go Global giúp doanh nghiệp vươn ra thị trường quốc tế, tập trung hỗ trợ thị trường, thương hiệu, kênh phân phối, logistics, bảo hiểm, tư vấn pháp lý, giải quyết tranh chấp, mua bán sáp nhập và kết nối với tập đoàn đa quốc gia.

Thứ 7, hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh.

Bộ Tài chính hoàn thiện khung pháp lý kinh doanh cá thể, quy định quản trị, tài chính, kế toán và cung cấp miễn phí nền tảng số, phần mềm kế toán, tư vấn pháp lý, đào tạo quản trị, kế toán, thuế, nhân sự cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Đồng thời, đơn giản hóa chế độ tài chính, thuế, bảo hiểm cho doanh nghiệp siêu nhỏ, khuyến khích chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp. Rà soát, sửa đổi Luật quản lý thuế, bãi bỏ thuế khoán với hộ kinh doanh; bổ sung hỗ trợ miễn phí các dịch vụ cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Thứ 8, đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng đề án chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh gắn với bản sắc dân tộc và tinh hoa thế giới. Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung nội dung khởi nghiệp trong chương trình học, thúc đẩy tinh thần kinh doanh cho học sinh, sinh viên.

Các bộ ngành, địa phương và hội, hiệp hội thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức doanh nhân về đạo đức, trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, thượng tôn pháp luật, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam. Cán bộ, công chức chủ động giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, xây dựng mối quan hệ cởi mở, chia sẻ giữa chính quyền và doanh nghiệp.

Hội, hiệp hội doanh nghiệp củng cố vai trò bảo vệ quyền lợi, tham gia xây dựng chính sách, nâng cao đạo đức, trách nhiệm và thái độ trung thực trong phối hợp với cơ quan nhà nước.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/8-nhiem-vu-trong-tam-phat-trien-kinh-te-tu-nhan/20250520090113884
Zalo