Chuyện gì xảy ra nếu thuế quan đối ứng của Mỹ có hiệu lực?
Việc Tổng thống Donald Trump ra lệnh áp thuế quan đối ứng với các đối tác thương mại của Mỹ có thể dẫn tới hai kịch bản, hoặc đàm phán giảm thuế hoặc trả đũa qua lại.
![Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_119_51477930/31a9943aa6744f2a1665.jpg)
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Donald Trump ngày 13/2 ký sắc lệnh áp đặt “thuế quan đối ứng” với các đối tác thương mại của Mỹ. “Mọi quốc gia, về cơ bản, khi họ đối xử công bằng với chúng tôi, chúng tôi sẽ đối xử công bằng với họ”, ông tuyên bố.
Các chuyên gia nhận định động thái này có thể khởi động một loạt cuộc đàm phán dẫn tới giảm thuế, song cũng có nguy cơ châm ngòi cho những đòn trả đũa qua lại.
Thuế quan đối ứng là gì?
Thuế quan là thuế áp dụng với hàng hóa nhập khẩu từ một quốc gia vào một quốc gia khác. Còn thuế quan đối ứng, như ông Trump tuyên bố trong chiến dịch tranh cử: “Ăn miếng trả miếng, thuế quan trả thuế quan, cùng chính xác một số tiền”.
Một quan chức Nhà Trắng cho biết đối tượng là mọi quốc gia, “không quan trọng đó là đối thủ cạnh tranh chiến lược như Trung Quốc hay các đồng minh như Liên minh châu Âu, Nhật Bản hay Hàn Quốc".
"Mỗi quốc gia trong số này đều lợi dụng chúng ta theo những cách khác nhau, và tổng thống mô tả đây là tình trạng thiếu thương mại có đi có lại", quan chức này nói.
Thuế quan có đi có lại đồng nghĩa Washington sẽ tăng thuế nhập khẩu ở đồng mức các quốc gia khác đang áp dụng vào sản phẩm nhập khẩu Mỹ, do đó các khoản sẽ áp dụng theo từng quốc gia.
Bên cạnh xem xét mức thuế với hàng hóa Mỹ, ông Trump cũng suy tính tới các yếu tố phi thuế quan, như thuế giá trị gia tăng (VAT).
Khi nào có hiệu lực?
Hiện tại, ông Trump kêu gọi bộ trưởng Thương mại và đại diện thương mại Mỹ tham khảo ý kiến của người đứng đầu Bộ Tài chính cùng nhiều cá nhân khác, nghiên cứu vấn đề và đề xuất biện pháp khắc phục.
Ngày 13/2, ứng viên Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết quy định mới có thể bắt đầu sớm nhất vào ngày 2/4, sau khi các nghiên cứu hoàn tất.
Quan chức Nhà Trắng tiết lộ chính quyền Trump sẽ xem xét các quốc gia có thâm hụt thương mại cao nhất hoặc mất cân bằng nghiêm trọng nhất với Mỹ. Quá trình này có thể mất nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Quy định thuế quan mới sẽ được áp dụng theo các thẩm quyền pháp lý liên quan đến an ninh quốc gia, thương mại không công bằng hoặc quyền hạn kinh tế khẩn cấp.
Christine McDaniel - nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Mercatus - nhận định thông báo mới của ông Trump giống lời mời đàm phán.
![Thuế quan đối ứng có nghĩa Washington sẽ tăng mức thuế tương xứng với mức các quốc gia khác áp đặt lên những sản phẩm nhập khẩu của Mỹ. Ảnh: Bloomberg.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_119_51477930/0a7fa3ec91a278fc21b3.jpg)
Thuế quan đối ứng có nghĩa Washington sẽ tăng mức thuế tương xứng với mức các quốc gia khác áp đặt lên những sản phẩm nhập khẩu của Mỹ. Ảnh: Bloomberg.
Bên nào sẽ bị ảnh hưởng nặng nề?
Giới phân tích của JPMorgan dự đoán thuế quan có đi có lại sẽ tác động tới những nền kinh tế mới nổi đang áp dụng mức thuế quan cao với các sản phẩm của Mỹ.
Nhà Trắng nhắc đến một số quốc gia như Brazil và Ấn Độ khi công bố kế hoạch thuế quan mới nhất. Họ chỉ ra mức thuế ethanol của Mỹ là 2,5%, trong khi Brazil áp 18% với hàng ethanol xuất khẩu của Mỹ. Các quan chức cũng nhắm tới EU về mức thuế 10% với ôtô nhập khẩu, trái ngược với mức 2,5% của Mỹ.
Song các chuyên gia chỉ ra Mỹ đưa ra mức thuế cao hơn với nhiều sản phẩm khác, như xe tải nhẹ.
Khó khăn là gì?
Trước đó, chuyên gia từ Goldman Sachs nhận định việc áp thuế quan đối ứng để giải quyết những vấn đề phi thuế quan như VAT sẽ làm tăng đáng kể mức thuế quan trung bình thực tế.
Trong khi đó, Tax Foundation lưu ý "VAT được điều chỉnh theo biên giới, nghĩa là hoàn thuế với hàng xuất khẩu và áp thuế với hàng nhập khẩu". Trong báo cáo ngày 12/2, Tax Foundation ghi: "Dù như hỗ trợ hàng xuất khẩu và trừng phạt hàng nhập khẩu, VAT được điều chỉnh theo biên giới mang tính trung lập về mặt thương mại".
Tính chất này có thể gây cản trở trong các cuộc đàm phán.
Ông Maurice Obstfeld - thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson - cảnh báo các quốc gia có thể trả đũa nếu ông Trump tăng gấp đôi các khoản thuế khác nhau: "Càng nhiều nước lớn hành động, càng có nhiều quốc gia có động lực tiếp bước”.
Việc Mỹ tăng thuế quan cũng sẽ tác động đến chính những nhà nhập khẩu của nước này.
Ông Obstfeld nói thêm chính sách của ông Trump dường như muốn các quốc gia “phân biệt đối xử có lợi cho Mỹ”: “Ví dụ Brazil giảm thuế đối với ôtô của Mỹ, nhưng vẫn giữ nguyên với tất cả ôtô nước khác".