Vụ bê bối tiền ảo khiến Tổng thống Argentina điêu đứng
Vụ bê bối đã dẫn tới những lời kêu gọi đưa ông Milei ra luận tội cùng hàng loạt đơn kiện nhằm vào ông...

Tổng thống Argentina Javier Milei - Ảnh: Reuters.
Tổng thống Javier Milei của Argentina - một chính trị gia theo trường phái tự do - đang vướng vào một vụ bê bối trong đó ông ủng hộ một đồng tiền ảo khiến đồng này tăng giá mạnh trước khi sụt giảm chóng mặt. Vụ bê bối đã dẫn tới những lời kêu gọi đưa ông Milei ra luận tội cùng hàng loạt đơn kiện nhằm vào ông.
Vào buổi tối ngày thứ Sáu vừa rồi, ông Milei đưa lên mạng xã hội X một bài đăng với nội dung quảng bá đồng tiền ảo có tên $LIBRA. Xuất hiện chỉ vài phút sau khi $LIBRA bắt đầu giao dịch, bài đăng của ông Milei được cho là nguyên nhân đưa giá tiền ảo này tăng vọt lên mức 4 USD trước khi lao dốc về mức 0,5 USD. Những người mua $LIBRA cáo buộc những người tạo ra tiền ảo này có hành vi lừa đảo “rug pull” - trong đó các nhà đầu tư ban đầu của đồng tiền ảo lôi kéo những người khác xuống tiền để đẩy giá tiền ảo đó lên cao rồi bất ngờ rút vốn.
Các đối thủ chính trị của ông Milei đã đâm hàng chục đơn kiện tố ông Milei vi phạm đạo đức. Khối đối lập cánh tả lớn nhất Peronist tuyên bố sẽ khởi động quy trình luận tội Tổng thống và cáo buộc ông “tham gia vào một vụ gian lận tiền ảo”.
Theo tờ báo Financial Times, giới phân tích nói rằng đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà chính quyền ông Milei phải đối mặt kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 12/2023.
Văn phòng của ông Milei nói Tổng thống đã có hai lần gặp đại diện của các công ty tham gia vào việc tạo ra đồng $LIBRA nhưng “không hề dính líu vào bất kỳ điểm nào” trong sự phát triển của tiền ảo này. Ông có bài đăng trên X về $LIBRA chẳng qua như một động thái “hàng ngày” nhằm quảng bá cho doanh nghiệp Argentina. Văn phòng Tổng thống cũng đã yêu cầu cơ quan chống tham nhũng của Chính phủ tiến hành điều tra xem liệu ông Milei hay bất kỳ một quan chức Chính phủ nào khác có làm gì sai không.
Giới phân tích nói rằng vụ việc này có nguy cơ gây mất uy tín của ông Milei - người từng là một nhà kinh tế học của khu vực tư nhân. Ông được đánh giá là đã có công kiểm soát cuộc khủng hoảng lạm phát của Argentina thông qua một chương trình thắt lưng buộc bụng quy mô lớn và thiết lập thành công các liên minh hùng mạnh với giới công nghệ ở Argentina và Mỹ.
“Trong trung tới dài hạn, việc này sẽ là một vết nhơ đối với uy tín của Tổng thống, cho dù đó chỉ là một sai lầm thực thà, xét tới việc ông ấy đã khoe nhiều về năng lực của bản thân với tư cách một nhà kinh tế học”, Giám đốc Marcelo Garcia của công ty tư vấn Horizon Engage phát biểu.
“Đối với nhà đầu tư nước ngoài, vụ việc này sẽ làm gia tăng những mối nghi ngờ vốn dĩ đã tồn tại về năng lực chính trị của Chính phủ và dấy lên sự lo ngại rằng những sai lầm vô tình có thể phá hỏng chương trình cải cách của ông Milei”.
Thị trường chứng khoán Argentina giảm hơn 5% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (18/2), trong khi tỷ giá đồng peso của nước này so với đồng USD giảm 2% so với đồng USD.
Về cơ bản người Argentina không bị ảnh hưởng về mặt tài chính bởi cú lao dốc đột ngột của đồng $LIBRA. Hội đồng công nghệ tài chính của nước này cho biết qua phân tích các bài đăng trên X, họ nhận thấy hầu hết người mua $LIBRA là các nhà đầu tư ở Mỹ và châu Á. Họ nói thêm rằng đồng tiền ảo này chưa bao giờ được niêm yết trên các sàn giao dịch được sử dụng bởi “phần đông” các nhà đầu tư tiền ảo Argentina.
Các đối thủ của ông Milei khó có khả năng đạt được đa số 2/3 cần thiết trong Quốc hội để đưa Tổng thống ra luận tội, vì các khối trung lập cho biết họ sẽ không ủng hộ đề xuất này.
Đảng cánh hữu dòng chính PRO, một đồng minh của liên minh La Libertad Avanza mới được thành lập của ông Milei, nói rằng vụ bê bối này là “nghiêm trọng” vì liên quan đến “uy tín quốc gia và những người ở xung quanh Tổng thống”, nhưng cũng cáo buộc lãnh đạo cánh hữu hành xử kiểu “chủ nghĩa cơ hội chính trị” khi kêu gọi ông Milei từ chức.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng các cuộc điều tra nhằm vào ông Milei sẽ gây áp lực giảm tỷ lệ ủng hộ ông, vốn đang duy trì ở mức khoảng 50% trong 1 năm qua, trong bối cảnh Argentina chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 11.
Giám đốc điều hành Juan Cruz Diaz của công ty tư vấn Cefeidas Group ở Buenos Aires nói rằng vụ bê bối có thể làm suy yếu vị thế đàm phán mà Chính phủ thiểu số của ông Milei có được trong Quốc hội. Chính phủ của ông Milei hiện đang cố gắng để Quốc hội Argentina thông qua một dự luật cải tổ bầu cử.
“Đây là cuộc khủng hoảng đầu tiên mà Chính phủ của ông Milei phải đối mặt. Họ có dư địa để ứng phó, nhưng điều vô cùng quan trọng là họ sẽ làm được gì trong những ngày tới và tuần tới”, ông Diaz nói.