Hai vị tướng trên chiến trường Tây Nguyên

Mới đây, Quân đoàn 34 đã tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân do Chủ tịch nước truy tặng cho Thiếu tướng Trần Thế Môn và Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện.

Dịp này, những kỷ vật của 2 vị tướng cũng được gia đình trao tặng Quân đoàn nhằm giáo dục truyền thống yêu nước và tinh thần bất khuất, kiên trung cho thế hệ trẻ.

Nặng lòng với Tây Nguyên

Thiếu tướng Trần Thế Môn sinh ngày 1-4-1915, quê ở xã Nhân Đạo (nay là xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1936. Nhắc đến ông, mọi người luôn nhớ về một vị tướng nặng lòng với cán bộ, chiến sĩ và người dân Tây Nguyên. Ông là người đi đầu trong phong trào vừa chiến đấu, vừa tăng gia sản xuất để nuôi quân.

Đại tá Nguyễn Văn Lộc-Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 34-thông tin: Khoảng thời gian từ cuối năm 1968 đến giữa năm 1970 ở chiến trường Tây Nguyên là thời kỳ vô cùng khó khăn, đặc biệt là việc tiếp tế lương thực, vũ khí, trang bị... Phần vì đường sá, phần do máy bay quân địch quần thảo từng ngày, từng giờ. Bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ có lúc chỉ là củ rừng, cơm độn, thiếu muối, thiếu gạo. Thế nhưng, quân và dân ta luôn giữ trọn lòng tin vào sự thắng lợi của cách mạng, vào sự lãnh đạo của Đảng.

“Đặc biệt, mùa hè năm 1969, tại Tây Nguyên, nguồn dự trữ lương thực rất mỏng lại phân tán nhiều nơi. Trước tình hình đó, đồng chí Trần Thế Môn đã tham mưu giúp Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Chiến trường tập trung mọi trí tuệ, làm việc cả ngày lẫn đêm, mở nhiều cuộc họp để nắm lại thực lực của chiến trường, đánh giá tình hình tư tưởng và khả năng khắc phục khó khăn của bộ đội, từ đó tìm ra biện pháp để ổn định tình hình.

Đồng chí đã tham mưu Bộ Tư lệnh Chiến trường chỉ đạo phát động phong trào thi đua “Đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tự túc, thực hành tiết kiệm” với khẩu hiệu hành động “Sản xuất như đánh giặc”. Các cơ quan, đơn vị vừa chiến đấu, công tác vừa dành từ 10% đến 15% quân số cho nhiệm vụ sản xuất. Nhờ đó, ta dần chủ động về lương thực để nuôi quân, là tiền đề cho những thắng lợi lớn sau này”-Đại tá Nguyễn Văn Lộc cho biết.

7 năm gắn bó với chiến trường Tây Nguyên, Thiếu tướng Trần Thế Môn đảm nhận trọng trách Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Mặt trận B3. Trên cương vị này, ông đã tham gia lãnh đạo, chỉ huy giành thắng lợi trong các chiến dịch: Đăk Tô-Tân Cảnh (1967); Đăk Tô II (1969); Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968; Chiến dịch Thu Đông 1968 và Xuân Hè 1969; Chiến dịch Đông Xuân năm 1970; Cuộc tiến công chiến lược năm 1972...

Đầu năm 1974, ông trở ra miền Bắc nhận nhiệm vụ Chính ủy Binh chủng Công binh. Từ những kinh nghiệm trên chiến trường Tây Nguyên, ông đã cùng các đồng chí trong Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng giải quyết nhiều vấn đề quan trọng về tổ chức lực lượng, trang bị, động viên bộ đội tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và giành thắng lợi trọn vẹn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 Đại tá Trần Thế Dân (thứ 5 từ trái sang, con trai của Thiếu tướng Trần Thế Môn) tham quan sa bàn Chiến dịch Đăk Tô-Tân Cảnh. Ảnh: V.H

Đại tá Trần Thế Dân (thứ 5 từ trái sang, con trai của Thiếu tướng Trần Thế Môn) tham quan sa bàn Chiến dịch Đăk Tô-Tân Cảnh. Ảnh: V.H

Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện sinh ngày 20-10-1922 tại thôn Lê Xá, xã Tiên Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Ông là vị tướng đã vượt đường Hồ Chí Minh trên biển để tham gia mở đường Hồ Chí Minh trên bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đồng thời là “vị tướng Trường Sơn” vừa tham gia mở đường Hồ Chí Minh chi viện cho chiến trường miền Nam, vừa tham gia chỉ huy 1 trong 5 cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước của Nhân dân ta.

Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện đã tham gia nhiều chiến dịch, trận đánh lớn, nổi bật như: chỉ huy lực lượng Sư đoàn 9 đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 1 của Mỹ trong trận Bàu Bàng (ngày 12-11-1965); chỉ huy lực lượng Sư đoàn 1 của Mặt trận Tây Nguyên đánh thiệt hại nặng Lữ đoàn nhảy dù 173 của Mỹ trên đồi 875 ở phía Tây Bắc Kon Tum trong Chiến dịch Đăk Tô I (từ ngày 3 đến 22-11-1967); tham gia Chiến dịch Đường 9-Nam Lào (từ ngày 30-1 đến 23-3-1971). Đặc biệt, với vai trò là Chính ủy Quân đoàn 4, ông trực tiếp chỉ huy đánh Xuân Lộc, mở toang “cánh cửa thép”, tạo bàn đạp cho Chiến dịch Hồ Chí Minh từ phía Đông.

Những kỷ vật vô giá

Mới đây, tại Quân đoàn 34, đại diện gia đình 2 vị tướng đã tặng Quân đoàn những tư liệu, kỷ vật gắn với quá trình chiến đấu của các ông trên chiến trường Tây Nguyên để trưng bày tại bảo tàng; qua đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần anh dũng, kiên cường của quân và dân Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tận tay trao những kỷ vật thiêng liêng của bố mình cho lãnh đạo Quân đoàn 34, Đại tá Trần Thế Dân (con trai của Thiếu tướng Trần Thế Môn) chia sẻ: Bố tôi có 5 người con, tôi là con thứ 3. Ông chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên nên ít có thời gian về thăm chúng tôi. Mãi đến năm 1969, khi Bác Hồ mất, bố mới có dịp ra miền Bắc và gặp mấy anh em chúng tôi.

Bố vẫn thường dặn dò chúng tôi rằng: “Nhân dân Tây Nguyên đã bao bọc, chở che cho bố và các đồng đội. Nếu sau này có điều kiện, các con nên vào đó nhiều hơn”. Đặc biệt, tình cảm của ông đối với quân và dân Tây Nguyên được thể hiện qua 225 bức ảnh mà ông đã chụp, sưu tầm khi chiến đấu trên mảnh đất này. Ngoài hình ảnh trong Chiến dịch Đăk Tô-Tân Cảnh năm 1972, ông còn chụp những bức ảnh người dân các dân tộc nơi đây gùi đạn, gùi lương thực, mở đường cùng bộ đội đánh giặc. Gia đình chúng tôi tặng Quân đoàn 34 để trưng bày tại bảo tàng. Mong rằng qua 225 bức ảnh này, thế hệ trẻ sẽ thấy được tinh thần bất khuất của quân dân Tây Nguyên trong kháng chiến.

Trong số 20 kỷ vật, tư liệu do gia đình Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện trao tặng Quân đoàn 34 có nhiều kỷ vật rất quý hiếm. Điển hình như bức tranh sơn dầu phóng to mẫu tem bưu chính “Tây Nguyên bất khuất” trong bộ tem “Miền Nam chiến thắng” do Bưu chính Việt Nam phát hành ngày 16-2-1969; mũ tai bèo của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện sử dụng khi chiến đấu tại Mặt trận Tây Nguyên; hay bút tích bài thơ “Thăm lại Tây Nguyên” do Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện viết ngày 10-1-1972 khi đang chiến đấu tại chiến trường Trường Sơn.

 Đại tá Trần Thế Dân (thứ 4 từ phải sang, con trai của Thiếu tướng Trần Thế Môn) và anh Hoàng Anh Thi (thứ 5 từ phải sang, con trai của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện) trao kỷ vật của 2 gia đình cho đại diện Quân đoàn 34. Ảnh: V.H

Đại tá Trần Thế Dân (thứ 4 từ phải sang, con trai của Thiếu tướng Trần Thế Môn) và anh Hoàng Anh Thi (thứ 5 từ phải sang, con trai của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện) trao kỷ vật của 2 gia đình cho đại diện Quân đoàn 34. Ảnh: V.H

Anh Hoàng Anh Thi (con trai của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện) cho biết: Những tư liệu, hiện vật mà cha tôi để lại gắn với cuộc đời của ông từ kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ. Quãng thời gian cha tôi chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên, ông còn giữ lại khá nhiều kỷ vật. Chúng tôi đã trưng bày tại Nhà lưu niệm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện ở TP. Hồ Chí Minh. Khi còn sống, cha vẫn nhắc chúng tôi phải nhớ đến Tây Nguyên, làm được gì cho mảnh đất này thì làm.

Chính vì tâm niệm đó, chúng tôi muốn trao lại cho bảo tàng của Quân đoàn 34 một số kỷ vật, tư liệu để trưng bày. Qua đó, giúp cán bộ, chiến sĩ cũng như người dân hiểu được truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước và truyền thống anh dũng, kiên cường của đồng bào các dân tộc nơi đây.

“Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà Nhà nước truy tặng cho cha tôi không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của riêng gia đình, dòng họ, mà còn là niềm vinh dự, tự hào chung về thế hệ ông cha đi trước đã hy sinh xương máu trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”-anh Thi chia sẻ.

 Anh Hoàng Anh Thi (bìa phải) trò chuyện với phóng viên. Ảnh: V.H

Anh Hoàng Anh Thi (bìa phải) trò chuyện với phóng viên. Ảnh: V.H

Đại tá Nguyễn Văn Lộc khẳng định: Những kỷ vật, tư liệu mà các gia đình trao tặng đơn vị đã đóng góp vào việc tuyên truyền giáo dục truyền thống anh hùng, bất khuất của quân và dân Tây Nguyên, của cán bộ, chiến sĩ 2 quân đoàn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Chúng tôi trân trọng tiếp nhận kỷ vật mà các gia đình trao tặng; đồng thời sẽ làm tốt công tác bảo quản, bảo tồn và trưng bày nhằm phát huy giá trị to lớn của các hiện vật.

VĨNH HOÀNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/hai-vi-tuong-tren-chien-truong-tay-nguyen-post320880.html
Zalo