Chuyện 12 hố bom quanh nhà nữ tướng huyền thoại
Quanh nhà nữ tướng Nguyễn Thị Định là những tàn tích chiến tranh gắn liền với những câu chuyện đau lòng, có hố bom đến nay vẫn chưa lành miệng. Những ụ đất bom tạt lên mái nhà không vùi lấp người con gái Bến Tre, ngược lại đã thành bệ đứng để bà vươn lên thành nữ anh hùng.
Những ngày tháng 4 lịch sử, cả nước đếm ngược thời gian hướng về lễ diễu binh kỷ niệm 50 năm thống nhất hai miền Nam - Bắc, trong ngôi nhà nhỏ tại xã Lương Hòa, Giồng Trôm, Bến Tre, gia chủ cũng đang bận rộn đón những đoàn khách tới thăm, tưởng nhớ một trong những nhân vật huyền thoại đã góp công lớn cùng Nhân dân miền Nam đánh thắng giặc.

Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Ảnh tư liệu
Từ lộ lớn, con đường nhỏ chỉ vừa một người đi men theo bờ rạch chừng 300m, dẫn vào ngôi nhà nơi nữ tướng Nguyễn Thị Định (1920 - 1992) sinh ra và lớn lên. Ngôi nhà 3 gian cột cây, mái ngói giản dị như tính cách xưa nay của người Nam Bộ. Trong nhà, cha mẹ bà Định được thờ ở gian giữa, gian phải đặt bàn thờ nữ tướng, gian còn lại là bàn tiếp khách.
Ông Nguyễn Bé Ba, cháu nữ tướng là người đang gìn giữ ngôi nhà. “Từ thời ông nội tôi, ngôi nhà đã như thế. Sau này khi cô Định về hưu, bà đã cho sửa sang lại 2 lần, nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc, chỉ thay những rui mè mục mọt. Bác Ba của tôi là một trong những đảng viên đầu tiên ở Bến Tre, ngôi nhà này từng là nơi họp hành của tổ chức cách mạng, nơi nuôi giấu cán bộ, nên đã được tỉnh công nhận là di tích lịch sử”, ông Ba cho biết.
Khói đau thương hun đúc thành nữ nhân bản lĩnh
Ông Ba kể, ngày ông còn nhỏ vẫn thường thấy cán bộ cách mạng đến ăn ngủ, làm việc ở nhà mình. Cũng trong những ngày thơ ấu, ông Ba nhớ không ít lần được người lớn bế đi trốn vì địch dội bom quanh nhà. Sau những trận máy bay oanh tạc, bùn đất chất đầy sân. “Có lần bom rơi trúng bếp, nhà sập. Quanh nhà có 12 hố bom tất cả, hố bom vẫn còn đây”, ông Ba chỉ cho khách miệng hố bom đã thành vũng nước.
Trong những lần bom rơi, đạn nổ, không ít người thân của ông Ba ngã xuống, máu xương hòa bùn đất. Sau này khi lớn lên, ông mới thấm thía những hy sinh, mất mát của gia đình. “Hồi đó tôi còn nhỏ quá, chưa biết gì. Sau này mới thấm thía tại sao cô út của mình là con gái mà sẵn sàng chịu khổ, chịu tù đày để đi làm cách mạng” - ông Ba ngước lên bàn thờ tưởng nhớ.
Bà Nguyễn Thu Nguyễn là chị gái của ông Ba, cho biết, cha của bà Định là thầy thuốc Nam, tham gia cách mạng từ rất sớm. Vì vậy, 10 anh em trong gia đình bà Định đều yêu nước nồng nàn. “Bác Ba của tôi là người đã cắm cờ Đảng lên ngọn bần ở trung tâm xã. Cuối năm 1930, trong những ngày đầu của cách mạng, bác đã bị giặc bắt, phải tù đày. Còn cô Út Định tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, bắt đầu bằng những công việc đưa thư, đưa cơm cho cán bộ, rồi rải truyền đơn tuyên truyền…
Gia đình tôi có 9 người được phong Anh hùng và nhiều liệt sĩ, cô Út là Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân và 8 người là Mẹ Việt Nam Anh hùng. Dượng Út - chồng cô Định cũng là Tỉnh ủy viên. Đau lòng là khi cô Út vừa sinh em On (năm 1939) được 3 ngày thì dượng bị địch bắt đày ra Côn Đảo rồi hy sinh trong ngục. Sang năm 1940, cô Út cũng bị địch bắt đi giam ở nhà tù Bà Rá tận Bình Phước. Ba năm sau, cô Út được thả về quản thúc tại địa phương trong tình trạng kiệt sức, bệnh tim và bệnh suyễn nặng” - bà Nguyễn kể về truyền thống yêu nước của gia đình.

Khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định (ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre).
Những chiến công huyền thoại
Cũng theo bà Nguyễn, dù về nhà trong thể trạng vô cùng yếu, nhưng bà Nguyễn Thị Định vẫn hừng hực lửa cách mạng. Khi nắm được tình hình, nữ tướng lập tức bắt tay xây dựng lực lượng ở địa phương. Năm 1945, bà Định tham gia lãnh đạo công cuộc giành chính quyền ở Bến Tre trong Tổng khởi nghĩa.
“Tháng 3/1946, cô Út mới 26 tuổi, chưa một lần đi biển thế mà trở thành thuyền trưởng cùng các đồng chí của mình dùng một thuyền cá nhỏ, vượt trùng khơi ra Bắc. Con thuyền cùng những người ra khơi được làm lễ truy điệu trước khi rời bến, cô Út được gắn Huân chương Tổ quốc ghi công lên ngực. Chuyến đi đó cô Út đã gặp được Bác Hồ, báo cáo tình hình cách mạng miền Nam và xin chỉ thị T.Ư. Cuối năm, chiếc thuyền cá quay về Bến Tre cùng 12 tấn vũ khí, mở ra đường Trường Sơn trên biển huyền thoại, góp phần chuyển cách mạng miền Nam sang trạng thái mới. Chiến công nổi bật đầu tiên của cô Út đã được ghi vào lịch sử, trở thành niềm tự hào của Nhân dân cả tỉnh”, bà Nguyễn xúc động.
Bà Nguyễn kể, từ năm 1957 đến năm 1959, bà Định đã cùng đồng chí của mình nỗ lực vận động, tuyên truyền, xây dựng lực lượng. Kết quả là ngày 17/1/1960, đội quân tóc dài do nữ tướng xứ dừa chỉ huy đã làm nên cuộc Đồng khởi gây chấn động miền Nam. Đồng khởi đã góp phần chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công chiến lược. Năm 1965, bà Định được Bộ Chính trị giao chức Phó Tổng Tư lệnh quân giải phóng miền Nam. Năm 1974, bà được phong quân hàm Thiếu tướng, trở thành nữ tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Nhân cách tuyệt vời
Sau khi đất nước thống nhất, nữ tướng Nguyễn Thị Định đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước… Suốt thời gian công tác, bà luôn sống cuộc đời thanh đạm.
Bà Nguyễn Kim Hoa, cán bộ chăm sóc nữ tướng những năm cuối đời chia sẻ, bà Định ăn uống tiết kiệm, có thể tự nấu ăn và may vá. “Tôi nhận nhiệm vụ chăm sóc nữ tướng khi vừa học xong cấp 3, vừa chăm sóc bà, vừa học tiếng Nga. Chính nữ tướng đã dạy tôi nấu những món ăn Nam bộ, bà cũng dạy tôi may vá quần áo. Bà như một người mẹ, tạo điều kiện cho tôi ăn học, nghỉ ngơi, bà luôn tự làm những điều có thể làm được. Về sự thanh đạm, khó ai nghĩ một lãnh đạo cấp cao như nữ tướng lại có thể chia quả trứng thành 2 giờ ăn, chỉ cần ăn cơm với cá khô, dưa mắm. Được cơ quan mua cho bát phở bà cũng chia tôi một nửa”, bà Hoa kể.
Là người trải qua nhiều đau thương, mất mát của đạn bom, nhưng trong những câu chuyện về nữ tướng, dường như không ai nói gì việc bà có hận thù. Ông Ba kể rằng khi quyết định sửa nhà, nữ tướng đã dặn con cháu giữ lại vài miệng hố bom. Nữ tướng muốn thế hệ sau biết đến những hy sinh của thế hệ trước, để cố gắng học tập, rèn luyện và giữ gìn đất nước. “Cô chỉ nói về tương lai, về sự phát triển đất nước, về việc dạy dỗ thế hệ sau. Tôi chưa từng nghe cô nhắc về những hận thù quá khứ”, ông Ba nói. Trong những lần về thăm quê, bà thường chỉ cần bà Nguyễn hái rau trong vườn, bắt cá nhỏ dưới mương nấu canh. “Cô sống rất đơn giản, đặc biệt cười rất tươi khi nghe tin con cháu có thành tựu”, bà Nguyễn kể.
Hằng năm, cứ những ngày lễ của đất nước, người dân mọi miền lại nườm nượp tới thắp hương cho nữ tướng. Còn ngày giỗ bà, hàng trăm mâm cỗ được dâng lên, gia đình và địa phương phải dựng rạp suốt quãng đường dài hàng trăm mét mới có chỗ cho khách ngồi.
Nhằm tưởng nhớ, tôn vinh những đóng góp to lớn của nữ tướng, Bến Tre đã xây dựng Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định với tổng diện tích 15.000m2, đưa vào hoạt động từ tháng 12/2003 tại ấp Phong Điền (xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm). Cùng với đó, nhiều con đường lớn, trường học ở Bến Tre và nhiều tỉnh thành cũng được gắn tên nữ tướng huyền thoại, góp phần nhắc nhở thế hệ trẻ về những cống hiến của bà.