Thành phố điện ảnh bên sông

Khi Liên hoan phim quốc tế TPHCM (HIFF) lần đầu được tổ chức vào năm 2024, các buổi chiếu phim miễn phí tại Công viên Bờ sông Sài Gòn (TP Thủ Đức) luôn chật kín. Không khí điện ảnh hòa vào nhịp sống sôi động của 'thành phố không ngủ'. Một thành phố điện ảnh bên sông có lẽ đã bước ra khỏi ước mơ và đang thành hình…

Bước ra khỏi ước mơ

HIFF 2024 đã chứng minh sức hút khi các buổi chiếu phim, giao lưu, trình diễn nghệ thuật ngoài trời thu hút hàng chục ngàn khán giả. Nhiều người lần đầu được thưởng thức từ phim kinh điển Việt Nam đến bom tấn quốc tế trên màn ảnh lớn, giữa không gian rộng mở, hòa cùng thiên nhiên và làn gió mát từ sông Sài Gòn. Những đôi mắt say sưa theo dõi, niềm vui dâng tràn. Cảnh ấy cũng gợi nhớ bao thế hệ về thời xem phim giữa lửa đạn chiến tranh trên ghe xuồng chiến khu bưng biền hay những buổi chiếu phim lưu động giữa nền đất trống. Chỉ tiếc, khi HIFF khép lại, hoạt động này cũng dừng theo, để lại nuối tiếc về một không gian công cộng nơi người dân được sống trọn vẹn trong bầu không khí nghệ thuật đậm đà.

 Phối cảnh công viên điện ảnh Thủ Thiêm. Ảnh: Liên danh Công ty Hàng Hải Thủ Đức và Scene Plus

Phối cảnh công viên điện ảnh Thủ Thiêm. Ảnh: Liên danh Công ty Hàng Hải Thủ Đức và Scene Plus

TPHCM - thành phố bên sông gắn liền đời sống thụ hưởng văn hóa, du lịch với sông nước: Nhà Rồng - Khánh Hội (quận 4), Công viên Bạch Đằng, cầu Ba Son (quận 1), kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận 3), Bến Du thuyền Lan Anh (TP Thủ Đức), Bến Ngôi Sao Việt (quận 7), Bến Bình Đông (quận 8)... Những lễ hội sông nước, hội hoa xuân “trên bến dưới thuyền” ngày càng chuyên nghiệp, bài bản trong dòng chảy phát triển của thành phố.

Điện ảnh TPHCM vì thế cũng kế thừa truyền thống điện ảnh cách mạng bưng biền, manh nha từ năm 1947. Khi ấy, những nhà làm phim tiên phong chèo thuyền hàng chục cây số để mua đá về in tráng phim, thực hiện toàn bộ quy trình trong những căn phòng kín đặt trên thuyền. Sợi dây kết nối từ lịch sử đã minh chứng điện ảnh Nam bộ nói chung, điện ảnh thành phố nói riêng luôn gắn liền với những dòng sông. Như những nhánh sông nhỏ đổ ra biển lớn, điện ảnh TPHCM cũng đang hòa mình vào dòng chảy chung của điện ảnh thế giới.

Tại tọa đàm quy hoạch ven sông Sài Gòn - Đồng Nai trung tuần tháng 3-2025, liên danh công ty đề xuất xây dựng Công viên Điện ảnh Thủ Thiêm. Dự án dự kiến nằm ven sông Sài Gòn, từ hầm Thủ Thiêm đến cầu Cạn, trên diện tích 5ha, gồm nhiều phân khu chức năng, đủ “đồ chơi” cho một ngành công nghiệp điện ảnh thực thụ, chất lượng. Nếu được phê duyệt, dự án sẽ hiện thực hóa giấc mơ về một “thành phố điện ảnh bên sông” - nơi kết nối quá khứ và tương lai, mang đậm dấu ấn văn hóa, du lịch và trở thành nét đặc trưng của riêng TPHCM.

Không chỉ là sự công nhận

Đầu tháng 3, TPHCM nộp hồ sơ gia nhập Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN). Nếu được công nhận vào cuối tháng 10, TPHCM sẽ trở thành thành phố điện ảnh đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á. Chọn lĩnh vực điện ảnh là quyết định đúng đắn nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho chính mình. Bà Lê Thị Hồng Vân, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO Việt Nam (Bộ Ngoại giao), thông tin: Trong 350 thành phố sáng tạo của UNESCO, chỉ có 26 thành phố điện ảnh, chiếm 7%, thấp hơn nhiều so với lĩnh vực khác. Điều đó có nghĩa thành phố đang đi vào một mảng rất khó. Ông Jeremy Segay, Tùy viên Nghe nhìn khu vực Đông Nam Á (Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam), nhấn mạnh: “TPHCM là trung tâm phát triển của điện ảnh Việt, là cửa ngõ để các đoàn phim nước ngoài vào Việt Nam, nơi đặt trụ sở các công ty cho thuê thiết bị”.

Để được công nhận đã là điều kiện không dễ đạt, nhưng bước qua sự công nhận một danh hiệu sẽ là gì? - Đó là trăn trở của những nhà hoạch định chiến lược lẫn những nhà điện ảnh thực chiến. Thực tế, điện ảnh TPHCM đang phát triển mạnh với 935 doanh nghiệp, 9.294 lao động, tạo ra doanh thu 500 triệu USD (chiếm khoảng 40% thị trường chiếu phim của Việt Nam) và đóng góp 0,43% GRDP. Thành phố có 10 hệ thống rạp, 52 cụm rạp với 295 phòng chiếu với các hoạt động điện ảnh sôi động diễn ra quanh năm. Đề án Phát triển ngành Công nghiệp văn hóa TPHCM đến 2030 còn đặt ra mục tiêu tăng trưởng trung bình 13%/năm, doanh thu khoảng 10.000 tỷ đồng (phim Việt chiếm 50%), đóng góp 0,56% GRDP. Từ những con số càng thấy rõ bức tranh sôi động của thị trường, cùng kết quả nỗ lực và hợp sức, góp phần hiện thực hóa giấc mơ về một thành phố điện ảnh.

Tính từ đầu năm 2025, trung bình mỗi tháng điện ảnh Việt ra mắt 3-4 tác phẩm, hầu hết do các đơn vị sản xuất phim tư nhân phía Nam thực hiện, chưa kể các dự án đang trong giai đoạn sản xuất. Vừa kết thúc Nụ hôn bạc tỷ, nhà sản xuất - đạo diễn Thu Trang ngay lập tức bắt tay vào việc casting dự án kế tiếp. Đạo diễn Khương Ngọc cũng khẩn trương thực hiện dự án mới ngay sau thành công lớn của Chị dâu. Hay bộ đôi đạo diễn Hoàng Quân - Trần Hữu Tấn cũng đang đẩy nhanh tiến độ 2 dự án Dưới đáy hồ và Hoàng tử quỷ. Vũ trụ linh dị dân gian của đạo diễn Võ Thanh Hòa đang gấp rút cho dự án kế tiếp được lên kế hoạch ra mắt trong năm nay... Sự nhạy bén và năng động của các nhà làm phim còn được thể hiện trong những nỗ lực đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh vừa công bố thông tin trở lại với phim ảnh qua dự án hợp tác quốc tế Dragonfly (Chuồn chuồn). Các đơn vị như Skyline Media hay V-Pictures thời gian gần đây cũng đã tăng cường các hoạt động mua - bán, xuất khẩu phim Việt ra thị trường nước ngoài. Ở mảng nhập khẩu phim cũng chứng kiến bức tranh thị trường sôi động khi có sự tham gia của nhiều đơn vị mới với các dự án phim ngoại nhập về và được lồng tiếng Việt...

Hiệu quả của mô hình xã hội hóa minh chứng cho cam kết trong hồ sơ của thành phố về sự tham gia của cộng đồng, bình đẳng trong sáng tạo và thụ hưởng các giá trị mà một thành phố điện ảnh sẽ mang lại cho công chúng trong và ngoài nước.

VĂN TUẤN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thanh-pho-dien-anh-ben-song-post793099.html
Zalo