Bi tráng Cẩm Sa

Trên mảnh đất trũng ven sông từng chìm trong khói lửa chiến tranh, làng Cẩm Sa (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) vẫn giữ nguyên trong mình ký ức oai hùng

Đó là nơi từng khắc ghi trận đánh hơn 7 giờ lịch sử của 7 chiến sĩ Đội công tác xã Điện Nam, là nơi mỗi mái nhà như một trang sử sống động với hơn 500 liệt sĩ, hơn 100 Mẹ Việt Nam anh hùng.

Biểu tượng bất diệt về lòng quả cảm

Giữa nhịp phát triển sôi động của vùng Đông Điện Bàn hôm nay, tại Nhà Truyền thống khối phố Cẩm Sa vẫn lặng lẽ lưu giữ một lớp trầm tích thiêng liêng của lịch sử - nơi đã từng chứng kiến một trận đánh cảm tử kéo dài 7 giờ, trở thành biểu tượng bất diệt về lòng quả cảm và tinh thần quyết tử vì độc lập dân tộc của 7 chiến sĩ Đội công tác xã Điện Nam.

Đội được thành lập đầu năm 1969, trong thời điểm quân Mỹ - ngụy và quân Nam Triều Tiên đẩy mạnh "Chương trình bình định cấp tốc" nhằm xóa sổ phong trào cách mạng ở vùng ven Đà Nẵng. Với 7 thành viên, do đồng chí Nguyễn Thảng (Em) - Bí thư Đảng ủy xã Điện Nam - làm đội trưởng, đội công tác có nhiệm vụ đặc biệt: Vừa tổ chức đấu tranh chính trị - vũ trang vừa bám dân, vận động bà con phá khu dồn, trở về quê cũ, tái thiết vùng giải phóng.

Ông Hồ Văn Đại (SN 1960, Trưởng Ban Công tác Mặt trận khối phố Cẩm Sa, nguyên cán bộ giao liên tại địa phương giai đoạn 1971 - 1975) kể địa bàn Cẩm Sa là nơi vừa giáp sông vừa gần trục Quốc lộ Đà Nẵng - Hội An nên được Đội công tác xã Điện Nam chọn làm căn cứ. Tại khu vực miếu Ông Lợi, trong hầm công sự dưới bụi chuối, các đồng chí sống giữa lòng dân, lập hành lang cơ động, tổ chức nhiều trận đánh du kích, phá thế kìm kẹp của địch, mở rộng và bảo vệ vùng cứ.

Có những gia đình tổ chức đám giỗ chung vào ngày 27-7 cho hơn 10 liệt sĩ và Mẹ Việt Nam anh hùng

Có những gia đình tổ chức đám giỗ chung vào ngày 27-7 cho hơn 10 liệt sĩ và Mẹ Việt Nam anh hùng

Rạng sáng 19-1-1972, khi căn cứ tại miếu Ông Lợi bị lộ, địch huy động một đại đội bộ binh với xe tăng, pháo binh, máy bay trực thăng HU-1A, đồng loạt mở đợt tấn công 5 mũi đánh vào hầm công sự. Giữa địa ngục khói lửa, 7 chiến sĩ vẫn cắn răng bám trụ, lấy thân mình che làng giữ đất, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

"Địch đánh từ 8 giờ sáng tới khoảng 3 giờ chiều, bà con nghe tiếng súng yên ắng mới chạy ra coi thì thấy bình địa đã tan hoang. Dưới sự chỉ huy của Đội trưởng Nguyễn Thảng, các chiến sĩ đã tiêu diệt 47 tên địch, nổ cháy 1 xe bọc thép chở lính M113, phá hỏng 1 xe tăng M118, bắn rơi 1 trực thăng. Cuối trận, 7 chiến sĩ anh dũng hy sinh, máu thấm đỏ đất Cẩm Sa nhưng tinh thần của họ trở thành tấm khiên bất khuất chở che cho quê hương trong những ngày cam go nhất" - ông Đại nói.

Làng anh hùng

Nếu trận chiến 7 giờ bi tráng là mốc son khắc ghi lòng quả cảm của những người lính Đội công tác xã Điện Nam thì những con số thống kê về liệt sĩ và Mẹ Việt Nam anh hùng nơi đây lại gợi lên một nỗi xúc động âm thầm, lặng lẽ nhưng có sức lay động dài lâu. Cẩm Sa từ lâu đã được biết đến như ngôi làng có số lượng liệt sĩ và Mẹ Việt Nam anh hùng nhiều nhất tỉnh Quảng Nam.

Tại bia tưởng niệm liệt sĩ trong Nhà Truyền thống khối phố Cẩm Sa, những dòng chữ nhỏ khắc kín trên đá mát lạnh họ tên từng người con đã nằm xuống vì quê hương. Cẩm Sa đã có 503 liệt sĩ và hơn 114 Mẹ Việt Nam anh hùng. Những tấm bia ghi danh, tưởng chừng đã kín, vẫn được bổ sung mỗi năm khi các hồ sơ chính sách tiếp tục được hoàn thiện, các quyết định truy tặng được công bố. Mỗi cái tên thêm vào là một câu chuyện sống dậy, một mái nhà từng trắng khăn tang, một dòng họ từng gánh chịu nỗi đau không thể đo đếm bằng lời.

Mỗi năm, cứ vào dịp Tết đến xuân về, người người, nhà nhà đều vui vầy sum họp nhưng với gia đình ông Hồ Văn Đại, ký ức đau thương vẫn còn in hằn trong tâm trí. Trước Tết Mậu Thân 1968, sau thời gian tản cư tránh bom rơi đạn lạc, gia đình ông được vận động trở về quê nhà Cẩm Sa để đón Tết, bên cạnh đó, cũng tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực có cơ sở hoạt động. Thế nhưng, đúng sáng mùng một Tết, sau khi vừa ăn bữa cơm cúng đầu năm, ông nội của ông Đại ra trước nhà rửa mặt thì bị địch bắn bị thương. Sau đó, cô ruột của ông chạy ra đỡ ba cũng bị bắn vào đùi ngã khụy.

"Cả nhà lúc đó hoảng hồn, biết ông và cô còn sống nhưng không dám chạy ra vì kiểu gì cũng bị chúng bắn, sau đó, chúng kéo ông nội và cô mang đi chôn sống. Cũng trong năm 1968, ông cố, má và chú ruột của tôi cũng bị địch giết hại. Bây giờ, mỗi năm, cứ tới ngày 30 tháng chạp là làm giỗ chung cho mọi người" - ông Đại kể.

Ông Trần Quốc Dũng, Khối phố trưởng khối phố Cẩm Sa, cho biết trong làng, nhà nào cũng thuộc diện gia đình chính sách nhưng trong cái bi tráng, ai ai cũng tự hào bởi quê hương là vùng đất anh hùng khi có tới 3 tướng quân đội, 2 tướng công an, 6 Anh hùng Lực lượng Vũ trang và hàng chục lãnh đạo của tỉnh và Trung ương.

"Nhắc đến Cẩm Sa là nhắc đến một làng anh hùng. Nhà nào cũng thờ liệt sĩ, dòng họ nào cũng có người hy sinh. Với chúng tôi, gìn giữ truyền thống không chỉ là tri ân mà còn là danh dự và bổn phận của mỗi người con đất này" - ông Dũng khẳng định.

Lời cam kết nối dài truyền thống

Năm 2022, để khắc ghi chiến công của 7 anh hùng Đội công tác xã Điện Nam, người dân khối phố Cẩm Sa và những người con xa quê đã đóng góp xây dựng Nhà bia Di tích tưởng niệm 7 liệt sĩ - dũng sĩ Điện Nam ngay tại khu vực hầm công sự ở miếu Ông Lợi.

"Hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho Đội công tác xã Điện Nam không chỉ là vinh danh quá khứ mà còn là lời cam kết nối dài truyền thống trong hiện tại" - ông Lê Thanh Tuấn, quyền Chủ tịch UBND phường Điện Nam Bắc, chia sẻ.

Bài và ảnh: PHƯỚC VINH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bi-trang-cam-sa-196250428212629332.htm
Zalo