Chương trình ESOP nghìn tỷ của Thế giới di động
Thế giới di động vừa công bố chương trình ESOP 'khủng', với gần 20 triệu cổ phiếu được bán cho nhân viên, giá ưu đãi chỉ 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với giá thị trường.
Sắp tới, hơn 300 cán bộ công nhân viên của Thế giới di động sẽ được mua tổng cộng gần 20 triệu cổ phiếu ưu đãi, còn gọi là cổ phiếu ESOP. Vì là ưu đãi, mang tính khích lệ nhân viên, thưởng cho thành tích, nên cổ phiếu sẽ được bán rẻ cho họ chỉ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Đây là một "món hời" khi giá cổ phiếu MWG của Thế giới di động trên thị trường đang ở mức gần 55.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên họ bị hạn chế chuyển nhượng. Trong vòng 2 năm, họ không được bán số cổ phiếu đó. Nếu họ nghỉ việc, công ty sẽ mua lại số cổ phiếu đó với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, không hơn.
ESOP là công cụ các doanh nghiệp dùng để giữ chân những cán bộ chủ chốt, nhân viên xuất sắc, nhưng cũng đặt ra lo ngại về pha loãng cổ phiếu và tác động đến cổ đông. Vậy ESOP ảnh hưởng thế nào đến lợi ích của nhà đầu tư?
Gần 20 triệu cổ phiếu phát hành là con số không nhỏ, nhưng nếu so với số lượng cổ phiếu hiện tại của Thế giới di động đang lưu hành thì số lượng cổ phiếu này tương đương 1,36%.
Với thị trường tài chính, một khái niệm nhà đầu tư rất quan tâm là khái niệm "pha loãng cổ phiếu". Tức là, khi công ty phát hành cổ phiếu cho một số cá nhân hay tổ chức nào đó, đặc biệt là phát hành theo giá thấp hơn mức giá trên thị trường, thì những cổ đông hiện tại của doanh nghiệp sẽ chịu một rủi ro là rủi ro pha loãng. Bởi về bản chất, tình hình tài chính công ty không thay đổi gì nhưng có thêm một số người được hưởng lợi nhờ sở hữu cổ phần.
Đứng trên quan điểm này, cổ đông của Thế giới di động đang chịu pha loãng ở mức xung quanh 1.36%. Thực ra, đó là con số không lớn. Đặc biệt vừa qua, công ty đạt tới hơn 3.700 tỷ đồng lợi nhuận, trong khi năm 2023 mức lợi nhuận chưa đến 170 tỷ đồng.
Nếu nhìn giá trị cổ phiếu Thế giới di động phát hành thêm cho nhân viên, tính theo giá thị trường là gần 1.100 tỷ đồng, có thể thấy quy mô khủng của đợt phát hành ESOP lần này. Nếu trừ đi số tiền mà nhân viên công ty phải bỏ ra để mua, vẫn còn 900 tỷ đồng.
Chuẩn mực kế toán Việt Nam ghi nhận nghiệp vụ này rất đơn giản, chỉ là tăng vốn điều lệ công ty, tăng số tiền công ty ghi nhận từ việc bán cổ phiếu ESOP. Những ảnh hưởng thực sự của chương trình cổ phiếu ESOP đến lợi ích của cổ đông hoàn toàn không được tính đến. Việc này đang gây tranh cãi bởi nhiều nhà phân tích cho rằng, việc phát hành cổ phiếu ESOP ảnh hưởng đến lợi ích cổ đông nhiều hơn cách mà báo cáo tài chính phản ánh. Vì vậy, đó là kế hoạch không minh bạch.
Theo chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS, kế hoạch phát hành như vậy sẽ được ghi nhận vào chi phí của công ty. Ví dụ như khoản chênh 900 tỷ đồng sẽ được ghi nhận vào chi phí với giả định không có ai nghỉ việc và trả lại cổ phiếu.
Theo tài liệu về chuẩn mực kế toán của KPMG, xét về mặt bản chất, ESOP là một loại chi phí khi phát hành sẽ ảnh hưởng ngay lập tức đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Việc suy giảm lợi nhuận do phát hành ESOP là một yếu tố cân nhắc cho lãnh đạo công ty cũng như cổ đông khi thông qua các phương án phát hành ESOP.
Thực tế, Thế giới di động hay các doanh nghiệp đang niêm yết tại Việt Nam vẫn đang theo chuẩn mực kế toán Việt Nam. Tuy nhiên, nhà đầu tư có cách đánh giá của họ. Họ có thể không hài lòng và bán cổ phiếu khiến giá cổ phiếu MWG sụt giảm sau khi kế hoạch ESOP được công bố. Đó là thiệt hại đầu tiên của cổ đông Thế giới di động khi công ty phát hành cổ phiếu ESOP.