Chung sức đồng lòng xây dựng nếp sống văn minh

Than Uyên hôm nay đang lặng lẽ chuyển mình, không ồn ào, vội vã, hành trình xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống mới nơi đây đang diễn ra từng ngày, trong từng nếp nhà, buổi họp bản, trong những cuộc trò chuyện chân thành giữa cán bộ và người dân. Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, nhưng sức mạnh lớn nhất vẫn đến từ sự đồng thuận đổi thay của chính bà con – những người gìn giữ bản sắc, nhưng cũng sẵn sàng buông bỏ những điều không còn phù hợp với cuộc sống hôm nay

Trong câu chuyện với anh Hà Văn Nùi – Bí thư Chi bộ, người có uy tín của bản Mường, xã Mường Than, chúng tôi được biết, ngày trước ở bản có rất nhiều hủ tục lạc hậu, từ tảo hôn, ma chay rườm rà, chữa bệnh bằng cúng bái, con trai con gái yêu nhau thách cưới rất cao... Giờ đây, bà con đã thay đổi, trai gái đến tuổi, thương nhau thì đến báo với trưởng bản, tổ chức gọn nhẹ, văn minh, ấm áp tình người. Gia đình có việc hiếu cũng không còn tiếng khèn tiễn đưa vang lên suốt cả tuần… Những tín hiệu vui ấy cho thấy hủ tục lạc hậu đang dần bị đẩy lùi, nhường chỗ cho nếp sống mới đang hình thành trong từng mái nhà, góc bếp.

Không chỉ ở bản Mường, xã Mường Than mà ở nhiều bản của các xã khác như: Tà Mung, Khoen On, Mường Cang, Mường Kim, Hua Nà, Ta Gia, Mường Mít…, những cuộc họp bản, buổi sinh hoạt chi bộ, hoạt động đoàn thể đều lồng ghép nội dung tuyên truyền xóa bỏ hủ tục. Cán bộ huyện, xã không chỉ “nói ở hội trường” mà còn đến tận bản, vào từng nhà tuyên truyền, vận động. Chị Lò Thị Dân - Chủ tịch Liên hiệp Phụ nữ xã Tà Mung chia sẻ: “Lúc đầu nhiều người không chịu, bảo làm thế là mất gốc. Có người còn bảo rằng “từ xưa ông bà mình đã làm thế” nên không thể thay đổi được. Nhưng rồi mình kiên trì, phân tích thiệt hơn, dẫn chứng từ chính những gia đình đã thay đổi. Từ chuyện cưới hỏi, ma chay, đến việc ăn ở sạch sẽ, nuôi con khỏe mạnh, dạy con đi học… Khi bà con hiểu ra rằng bỏ những hủ tục không có nghĩa là bỏ truyền thống, mà là để sống tốt hơn, văn minh hơn – thì họ tự thay đổi”.

Chị Lò Thị Dân - Chủ tịch Liên hiệp Phụ nữ xã Tà Mung (thứ 8 từ phải sang) tuyên truyền, vận động bà con xây dựng nếp sống mới.

Chị Lò Thị Dân - Chủ tịch Liên hiệp Phụ nữ xã Tà Mung (thứ 8 từ phải sang) tuyên truyền, vận động bà con xây dựng nếp sống mới.

Với chị Dân “chìa khóa” để thay đổi suy nghĩ của bà con chính là sự kiên trì, chân thành và phải xuất phát từ lợi ích thiết thực của người dân. Khi họ thấy con cháu được đi học, bữa cơm đủ đầy, nhà cửa sạch sẽ, gia đình hòa thuận… thì họ hiểu ra, nếp sống mới không làm mất đi bản sắc, mà còn làm cho bản làng mình đẹp hơn, đáng sống hơn… họ đã nghe theo.

Từ những điều tưởng chừng nhỏ bé ấy lại chính là dấu hiệu của một cuộc “chuyển mình” lớn lao trong đời sống cộng đồng. Hành trình xóa bỏ hủ tục không chỉ bằng mệnh lệnh hành chính, mà bằng niềm tin, sự thấu hiểu và đồng hành. Bởi muốn xóa bỏ những gì đã ăn sâu bao đời trong nếp nghĩ, cần sự kiên nhẫn, sự gương mẫu và cả tình người. Mỗi nụ cười của người dân khi cưới hỏi đơn giản hơn, mỗi bữa cơm đám giỗ gọn nhẹ, ấm cúng hơn… chính là minh chứng rõ ràng nhất: đời sống văn minh đang thực sự lan tỏa, từ những điều rất đỗi bình dị.

Để triển khai thực hiện tốt công tác xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, huyện đã cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 22/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2024 - 2030; Kế hoạch số 2958/KH-UBND ngày 29/7/2024 của UBND tỉnh Lai Châu về việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức triển khai rà soát các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong 4 dân tộc: Kinh, Thái, Dao, Khơ Mú tại 110 bản trên địa bàn huyện Than Uyên. Chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai rà soát các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu tại các bản, khu dân cư. Quá trình triển khai rà soát, huyện đã chỉ đạo tập trung tuyên truyền, phân tích làm rõ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu còn tồn tại trong cộng đồng từng dân tộc, từng bản để Nhân dân cùng bàn bạc, thống nhất các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu cần xóa bỏ và những nội dung cần giữ gìn, phát huy.

Qua rà soát đã xác định được 42 hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu của 4 dân tộc Kinh, Thái, Dao, Khơ Mú cư trú trên địa bàn huyện. Trong đó có 14 hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân, gia đình; 15 hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong việc tang, ma; 13 hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong đời sống, sinh hoạt, lễ hội… làm cơ sở cho việc triển khai xây dựng các mô hình về xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong Nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Tết Độc lập năm 2024 được huyện Than Uyên tổ chức với quy mô cấp tỉnh đã được Tổ chức Kỷ lục Việt nam vinh danh, công nhận “Địa phương tổ chức Tết Độc lập gắn với ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thường xuyên, liên tục trong nhiều năm nhất”.

Tết Độc lập năm 2024 được huyện Than Uyên tổ chức với quy mô cấp tỉnh đã được Tổ chức Kỷ lục Việt nam vinh danh, công nhận “Địa phương tổ chức Tết Độc lập gắn với ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thường xuyên, liên tục trong nhiều năm nhất”.

Huyện quan tâm duy trì chương trình chào năm mới và tổ chức phục dựng các lễ hội đầu xuân: Xòe Chiêng, Lùng Tùng, Hạn Khuống, Kin Pang, Gầu Tào và 2 chợ phiên (bản Nậm Pắt, xã Tà Mung và chợ đêm Ta Gia, xã Ta Gia)… nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân. Hiện huyện đã thành lập 4 Ban Vận động Bảo tồn bản sắc văn hóa của các dân tộc Thái, Mông, Dao, Khơ Mú. Đặc biệt, Tết Độc lập năm 2024 đã được tổ chức với quy mô cấp tỉnh và được Tổ chức Kỷ lục Việt nam vinh danh, công nhận “Địa phương tổ chức Tết Độc lập gắn với ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thường xuyên, liên tục trong nhiều năm nhất”... Đây là dịp để các tầng lớp nhân dân gặp gỡ, giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết, cùng nhau hướng tới xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh. Thông qua các hoạt động lễ hội mang đậm bản sắc truyền thống, huyện không chỉ gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc mà còn góp phần nâng cao đời sống tinh thần, cổ vũ phong trào thi đua lao động, sản xuất trong các tầng lớp nhân dân…

Hành trình xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh ở Than Uyên không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân mà còn tạo nền tảng quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Than Uyên hôm nay đang chuyển mình mạnh mẽ – không chỉ đẹp ở cảnh sắc núi rừng, mà còn đẹp ở nếp sống, ở lòng người và khát vọng vươn lên xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh, đậm đà bản sắc.

Bình Minh Nhấn để tìm kiếm tin cùng tác giả

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/thuc-hien-3-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-giai-doan-2021-2025/chung-suc-dong-long-xay-dung-nep-song-van-minh-971186
Zalo