Đất làng Hòa Trường

Nằm ở phía Tây Nam huyện Quảng Xương, vùng đất Hòa Trường (xã Quảng Trường ngày nay) có núi, có sông và đồng ruộng tốt tươi tạo nên 'bức tranh' phong cảnh làng quê hài hòa. Ở Hòa Trường, con người đến quần cư xây dựng xóm làng từ khá sớm...

Di tích lịch sử văn hóa Từ đường họ Vũ thờ Vũ Hiền Đại tướng quân trên quê hương Hòa Trường.

Di tích lịch sử văn hóa Từ đường họ Vũ thờ Vũ Hiền Đại tướng quân trên quê hương Hòa Trường.

Vào thời Trần, nơi đây có tên Nguyệt Tràng trang thuộc hương Ngọc Sơn - trung tâm điền trang thái ấp của Chiêu văn vương Trần Nhật Duật. Đến thời Lê Trung hưng có tên Hòa Trường. Thời nhà Nguyễn, Hòa Trường là một xã rộng lớn, dân cư đông đúc thuộc tổng Văn Trinh, huyện Ngọc Sơn. Qua nhiều lần tách, nhập đơn vị hành chính thì xã, Quảng Trường ngày nay được xác định là trung tâm của đất Hòa Trường xưa.

Hòa Trường nằm trong không gian vùng đồng bằng ven biển. Nơi đây có sông Lý chạy qua với nhiều khúc quanh co. Theo lưu truyền dân gian, đây là con sông được đào vào thời nhà Lý?! Dù không quá dài song dưới thời Trần, Lê và nhà Nguyễn về sau, sông Lý có vai trò quan trọng trong giao thông đường thủy, vận chuyển hàng hóa.

Trước đây, nước sông Lý lên xuống theo thủy triều sông Ghép, vì thế mà bị xâm thực mặn, ngập úng về mùa mưa làm ảnh hưởng đến việc trồng trọt, sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, vào cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, công trình thủy lợi được xây dựng đã giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng, chua mặn. Không chỉ vậy, vào mùa khô, sông Lý còn được xem như hồ trữ nước phục vụ cho việc sản xuất của người dân. Bên cạnh sông Lý là sông Trường - một nhánh của sông Yên, “gặp” sông Lý tạo thành âu Hòa Trường, nơi khi xưa thường tập trung thuyền bè qua lại.

Trên những cánh đồng dọc theo sông Lý ở Hòa Trường, suốt hàng trăm năm qua, cây cói đã được trồng với diện tích lớn. Từ nguyên liệu cói, người dân Hòa Trường đã phát triển nghề dệt chiếu cói nổi tiếng khắp xa, gần. Cùng với các ngành nghề khác thì dệt chiếu cói là nghề truyền thống - một nét đẹp văn hóa lâu đời được gìn giữ, góp phần ổn định đời sống người dân.

Chiếu cói là sản phẩm truyền thống nổi tiếng của người dân Quảng Trường.

Chiếu cói là sản phẩm truyền thống nổi tiếng của người dân Quảng Trường.

Bên cạnh sông Lý, núi Trường kéo dài tạo nên cánh cung “ôm” lấy phía Tây Nam của vùng đất Hòa Trường. Dãy núi Trường không cao, nổi bật bởi những ngọn núi dáng tròn nối với nhau bằng những sườn dốc hình như chiếc yên ngựa. Núi Trường, sông Lý,... đã cùng nhau tạo nên vẻ đẹp đặc biệt cho vùng đất cổ Hòa Trường.

Có núi, có sông và những cánh đồng tươi tốt, giao thông đường thủy, bộ đều thuận tiện cho việc giao thương, vì thế mà vùng đất Hòa Trường từ xa xưa đã có con người đến cư ngụ. Mỗi làng nhỏ trên đất Hòa Trường đều chứa đựng những câu chuyện lập làng, đến nay còn được kể lại cho cháu con.

Là làng Châu Thanh được hình thành vào khoảng đầu thế kỷ XV, gắn liền với công lao của vị Thượng đẳng thần Ất Ngọ Lang Quân. Đáng nói, Châu Thanh cũng là nơi “bắt nguồn” của tên gọi “Nguyệt Tràng trang” buổi ban đầu.

Thần tích kể rằng, Ất Ngọ Lang Quân là con cả trong một gia đình ở đất Gia Đại (được cho là thuộc xã Quảng Ngọc ngày nay). Ất Ngọ Lang Quân sinh ra đã có tướng mạo khôi ngô, lớn lên thông minh, học đâu hiểu đó. Khi qua núi Trường chơi, thấy cảnh vật dẫu hoang rậm mà vẫn tươi đẹp, chim chóc hoan ca, muông thú nhảy nhót, cho rằng đây là nơi đất tốt nên ông đã dẫn người nhà đến khai phá, lập nghiệp, dựng nên xóm làng, chẳng mấy chốc đã biến vùng đất hoang trở nên đông đúc, phát triển.

Trong một lần Ất Ngọ Lang Quân lên núi Trường tìm nơi đặt huyệt mộ cho người thân đã khuất thì gặp tướng nhà Minh. Thấy Ất Ngọ Lang Quân khôi ngô tuấn tú, tinh thông nhiều thứ, tướng nhà Minh đã dụ dỗ ông đi theo. Trước tình cảnh cam go, ông đành phải đồng ý nhưng sau đó đã tìm cách trốn thoát. Về sau, ông theo Lê Lợi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn. Giặc Minh tức giận, truy tìm ông không thấy đã đốt nhà, giết đi người thân của ông... Sau khi Ất Ngọ Lang Quân qua đời, tưởng nhớ công lao của ông, người dân đã tôn ông làm Thành hoàng làng. Về sau, triều đình phong kiến đã ban cho dân làng tiền bạc để lập đền thờ Ất Ngọ Lang Quân, đồng thời ban sắc phong cho ông là Thượng đẳng thần.

Nằm cạnh làng Châu Thanh là Thịnh Bình. Bấy giờ, sau khi khởi nghĩa Lam Sơn thành công, vương triều nhà Lê được lập nên, các vua Lê chú trọng khai khẩn đất đai, phát triển sản xuất nông nghiệp, phân chia đất cho những người có công giúp vua đánh giặc,... làng Thịnh Bình đã được lập dựng từ đó.

Và trên đất Hòa Trường, bên cạnh những xóm làng được lập dựng từ khá sớm, có những làng có lịch sử hình thành muộn hơn như làng Phú Cường, làng Phúc Lợi... Đi qua thời gian, các thôn làng nhỏ ở Hòa Trường cũng có nhiều lần tách, nhập. Hiện nay, xã Quảng Trường có 4 thôn: Châu Sơn, Trường Thành, Đồng Tâm, Phú Cường.

Vùng đất Hòa Trường xưa, Quảng Trường nay với vẻ đẹp thanh bình, yên ả.

Vùng đất Hòa Trường xưa, Quảng Trường nay với vẻ đẹp thanh bình, yên ả.

Trải qua nhiều thế kỷ, bên cạnh nỗ lực mưu sinh, những thế hệ người dân Hòa Trường còn quan tâm, chú trọng xây dựng các giá trị văn hóa truyền thống. Trước đây, ở Hòa Trường có sự hiện hữu của nhiều công trình kiến trúc gắn liền với tín ngưỡng của người dân, như: Đình, đền, nghè, chùa, miếu, phủ. Đặc biệt, trong mỗi làng đều có đình, vừa là nơi thờ Thành hoàng, cũng là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng... Đáng tiếc, đi qua thăng trầm thời gian, qua chiến tranh bom đạn, nhiều công trình kiến trúc ở Hòa Trường chỉ còn được nhắc nhớ trong chuyện kể của các bậc cao niên.

Hiện nay, trên địa bàn xã Quảng Trường có 2 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng cấp tỉnh, là: Nhà thờ Thái bảo Đông Quận công Nguyễn Thiện và Từ đường họ Vũ thờ Vũ Hiền Đại tướng quân. Cả hai di tích đều là nơi thờ các vị tướng - những người con xuất chúng của quê hương Hòa Trường đã có nhiều công trạng trong lịch sử dân tộc.

“Trong quá trình dựng làng, lập xóm, các thế hệ cư dân Quảng Trường đã cùng nhau vun đắp nên các giá trị văn hóa chứa đựng tâm huyết, trí tuệ, sự tài hoa của người xưa và đong đầy cả sự biết ơn của hậu thế. Đây là niềm tự hào, hành trang quý giá để Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trường chung sức, đồng lòng xây dựng, phát triển quê hương”, ông Hà Xuân Thống, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Trường cho biết.

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/dat-lang-hoa-truong-36712.htm
Zalo