Chữa liệt dây thần kinh số VII ngoại biên bằng y học cổ truyền

Bên cạnh các phương pháp y học hiện đại, y học cổ truyền có những cách thức điều trị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên rất độc đáo.

Nhiễm lạnh đột ngột dễ liệt dây thần kinh

Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên (liệt mặt) là hội chứng tổn thương dây thần kinh số VII. Điều này gây nên tình trạng giảm hoặc mất vận động các cơ ở mặt (liệt toàn bộ nửa mặt). Theo Y học Cổ truyền, liệt dây thần kinh số VII ngoại biên được mô tả theo bệnh danh “khẩu nhãn oa tà”. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và do nhiều nguyên nhân gây nên.

Các bác sĩ cho rằng, đến 80% nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số VII là do bị trúng gió, nhiễm lạnh đột ngột. Bên cạnh đó, bệnh còn do nhiều nguyên nhân khác khiến dây thần kinh bị chèn ép dẫn đến tình trạng sưng và viêm nhiễm như mắc các bệnh: viêm tai xương chũm nhưng không được điều trị kịp thời nên dẫn đến biến chứng, virus zona, chấn thương hoặc tác động từ phẫu thuật ở vùng thái dương, vùng xương chũm, vùng mặt hoặc tai.

 Nhiễm lạnh dễ liệt dây thần kinh VII - Ảnh minh họa

Nhiễm lạnh dễ liệt dây thần kinh VII - Ảnh minh họa

Các triệu chứng liệt dây thần kinh số VII ngoại biên cũng rất dễ nhận biết và phổ biến là yếu một phần tới liệt hoàn toàn một bên mặt, tiến triển trong vài giờ hoặc vài ngày, bao gồm: Mắt nhắm không kín, chảy nước mắt; Giảm hoặc mất nếp nhăn trán, rãnh mũi má;

Súc miệng nước sẽ bị chảy ra ở khóe miệng bên liệt, thức ăn giắt vào kẽ răng và má; Tê bì nửa mặt, quanh xương hàm hoặc sau tai; Đau đầu, tăng cảm giác về âm thanh của tai bên bệnh; Giảm vị giác ở 2/3 trước lưỡi bên bệnh kèm giảm tiết nước bọt, nước mắt.

Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên cần phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng cách nếu không sẽ lâu khỏi và gây ra các biến chứng khác nhau như biến chứng về mắt.

Người bệnh có thể bị viêm loét giác mạc, viêm kết mạc, lộn mí, đồng vận (là tình trạng có cơ không tự chủ phối hợp với các hoạt động tự chủ như mắt nhắm khi ăn hoặc cười), tình trạng có thắt nửa mặt sau liệt, chảy nước mắt khi ăn còn gọi là hội chứng nước mắt cá sấu.

Nhiều phương pháp điều trị

Bên cạnh những phương pháp điều trị bằng y học hiện đại như sử dụng nhóm thuốc Corticoid, Vitamin B liều cao, tăng dẫn truyền thần kinh… thì tại Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện Bạch Mai, người bệnh bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên sẽ được trị liệu phối kết hợp bằng các phương pháp châm cứu, cứu ngải, xoa bóp - bấm huyệt, thủy châm, cấy chỉ, uống thuốc sắc và giác hơi.

Mỗi phương pháp đều có những nét độc đáo, đặc sắc riêng, được các bác sĩ tại khoa Y học cổ truyền thực hiện linh hoạt phù hợp với mỗi người bệnh và từng giai đoạn bệnh để đạt hiệu quả cao nhất.

 BS. Luân thực hiện châm cứu cho người bệnh - Ảnh BSCC

BS. Luân thực hiện châm cứu cho người bệnh - Ảnh BSCC

Châm cứu: Bác sĩ sẽ biện chứng theo lý luận học thuyết kinh lạc huyệt vị, châm kết hợp các huyệt ở tứ chi kết hợp huyệt tại chỗ vùng mặt, mục đích dùng tối thiểu huyệt ở trên mặt để giảm cảm giác đau và sợ đau cho người bệnh mà vẫn đạt hiệu quả cao. Ngoài ra bác sĩ còn dùng nhĩ châm là dán hạt vương bất lưu hành trên loa tai để người bệnh hàng ngày tự day kích thích huyệt vị.

Cứu ngải: Điếu ngải do chính Khoa Y học cổ truyền tự sản xuất nên chất lượng ngải rất tốt, độ ấm sâu và mùi thơm dễ chịu.

Xoa bóp bấm huyệt: Với đôi bàn tay khéo léo và kiến thức chuyên sâu, các bác sĩ đông y không những chữa liệt thần kinh VII ngoại biên cho người bệnh mà còn xử trí luôn cả rối loạn lo âu, stress, mất ngủ… các bệnh lý rất nhiều người liệt mặt giai đoạn đầu mắc phải.

Cấy chỉ: Phương pháp kết hợp y học cổ truyền và khoa học hiện đại, sử dụng cho những người bệnh ở xa không thường xuyên đến điều trị được. Phương pháp này vừa tiết kiệm công sức, chi phí cho người bệnh và thời gian cho bác sĩ.

Giác hơi: Một trong những phương pháp hữu hiệu, đặc biệt giúp điều trị liệt dây thần kinh số VII. Phương pháp giác hơi vùng mặt yêu cầu bác sĩ thực hiện cần có nhiều kinh nghiệm và khéo tay, điều chỉnh ngọn lửa đảm bảo lực hút của cốc giác vừa đủ, không chỉ đạt hiệu quả điều trị mà còn làm cho da mặt người bệnh trở nên hồng hào, không gây bầm tím ảnh hưởng tới thẩm mỹ.

 Điều trị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên bằng giác hơi.

Điều trị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên bằng giác hơi.

Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên dễ phòng tránh. Người dân nên tập thể dục thể thao mỗi ngày, giúp tăng cường lưu thông khí huyết. Vào mùa nóng, khi đi ngủ, không nên bật quạt hay điều hòa để gió lạnh thổi trực tiếp vào mặt hoặc sau gáy. Không tắm muộn, nhất là mùa đông.

Tắm xong phải sấy khô tóc mới đi ngủ hoặc đi ra ngoài. Nếu phải di chuyển xa bằng tàu xe, hãy đóng kín cửa xe và đeo khẩu trang để tránh gió mạnh tạt vào mặt.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và hỗ trợ điều trị sớm các bệnh nguy cơ gây liệt dây thần kinh số 7.

Đặc biệt, khi có các dấu hiệu đau, tê giảm cảm giác một nửa bên mặt, người bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

ThS.BS Hoàng Duy Luân (Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Bạch Mai)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/doi-song/chua-liet-day-than-kinh-so-vii-ngoai-bien-bang-y-hoc-co-truyen-2057028.html
Zalo