Viêm tai xương chũm thận trọng với biến chứng áp xe não
Viêm tai xương chũm là tình trạng xương chũm và tai giữa bị tổn thương. Bệnh có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em, trong đó viêm xương chũm thường hay gặp ở trẻ hơn.
Nguyên nhân gây viêm tai xương chũm
Viêm tai xương chũm chia thành 2 thể chính:
Viêm tai xương chũm cấp tính: Thường xuất hiện sau khi mắc viêm tai giữa. Thông thường bệnh nhân bị viêm tai giữa trước đó khoảng 20 ngày với tình trạng viêm thông bào xương chũm.
Viêm tai xương chũm mạn tính: Được xác định khi tình trạng chảy mủ tai kéo dài trên 3 tháng. Khi đã tiến triển đến giai đoạn này, bệnh có thể gây rất nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, liệt dây thần kinh vận động cơ mặt, áp xe não, áp xe cổ, áp xe quanh họng… dễ dẫn tới tử vong.
- Viêm tai giữa không được điều trị tốt.
- Biến chứng của viêm tai giữa cấp và mạn tính.
- Viêm tai giữa sau các bệnh cúm, sởi, ho gà và bạch hầu.
- Bị nhiễm trùng bởi các loại vi khuẩn như Haemophilus influenza, Staphylococcus hoặc Streptococcus.
Biểu hiện viêm xương tai chũm
Viêm xương chũm cấp tính
Có các biểu hiện sốt, đau tai, nghe kém đang giảm dần đột nhiên lại sốt cao trở lại với nhiệt độ 39 - 40 độ C, có thể có phản ứng màng não như mê sảng, co giật…
Thể trạng suy nhược, mệt mỏi, nhiễm trùng, nhiễm độc, sốt cao 39 - 40 độ C. Ở trẻ em có thể thấy co giật, thóp phồng giống như viêm màng não.
Bệnh nhân thấy đau sâu trong tai, đau theo nhịp mạch đập là triệu chứng chính, đau tăng dữ dội lan ra vùng chũm và vùng thái dương, nhức đầu, nghe kém, kiểu dẫn truyền thường kèm theo có ù tai và chóng mặt nhẹ. Chảy mủ tai tăng lên hoặc ít đi do bị bít tắc dẫn lưu mủ, mủ có mùi thối.
Khi khám thấy mặt xương chũm thường bị nề đỏ, ấn vào thấy đau. Ấn trên bề mặt của xương chũm có phản ứng đau rõ rệt.
Mủ tai đặc có mùi thối khẳn, có màu xanh hoặc màu vàng, đôi khi có tia máu. Có thể có dấu hiệu sưng phồng ở trước trên nắp bình tai, sưng phồng ở phía sau tai, vành tai bị đẩy ra phía trước, mất nếp ở sau tai, mủ chảy xuống vùng cổ dọc theo cơ cổ ức đòn chũm làm sưng tấy vùng cổ, quay cổ khó khăn, mủ có thể phá vỡ cả da vùng này và tạo nên những lỗ rò.
Sau khi lau sạch mủ tai thì thấy màng nhĩ nề đỏ, lỗ thủng thường sát thành ống tai xương bờ nham nhở, đáy lỗ thủng phù nề xung huyết.
Viêm xương chũm mạn tính
Triệu chứng giống như viêm tai giữa mạn tính mủ, nhưng ở mức độ nặng hơn. Người bệnh bị chảy mủ tai thường xuyên, đây là triệu chứng chính. Mủ đặc trong tai, thường có mùi thối hoặc thối khẳn – đây là dấu hiệu nguy hiểm cho biết trong tai có chứa chất cholesteatoma, có khả năng ăn mòn xương, gây biến chứng nội sọ.
Tình trạng đau tai âm ỉ, bệnh nhân thường kêu nhức nặng đầu phía bên tai bị bệnh, đau âm ỉ liên tục, thỉnh thoảng lại có cơn kịch phát.
Nghe kém tăng lên rõ rệt, khi khám soi tai sẽ thấy lỗ thủng màng tai thường rộng, bờ nham nhở, sát khung xương, có thể thấy polyp ở trong hòm nhĩ hoặc thấy cholesteatoma. Có nhiều mủ thối, có thể có các mảnh trắng của cholesteatoma.
Đo sức nghe thấy sức nghe bên tai bị bệnh suy giảm, tuy nhiên mức độ thiếu hụt sức nghe phụ thuộc vào mức độ bệnh.
Trong một số trường hợp, viêm xương chũm có thể dẫn đến áp xe não và các biến chứng khác liên quan đến xương sọ. Những triệu chứng của các bệnh này bao gồm đau đầu dữ dội và sưng phía sau mắt, hay còn gọi là phù gai thị.
Điều trị và phòng ngừa viêm tai xương chũm
Tùy vào tình trạng sau thăm khám, bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị nội hay ngoại khoa, phụ thuộc vào triệu chứng, diễn tiến bệnh, có trường hợp cần phải phẫu thuật kịp thời để tránh biến chứng.
Để phòng ngừa viêm tai xương chũm thì cần điều trị sớm bệnh viêm tai giữa, vì viêm tai giữa là nguyên nhân hàng đầu gây viêm xương chũm, điều trị sớm bệnh này có thể ngăn chặn được nhiễm trùng lan sang bên xương chũm.
Ngoài ra, cần tiêm vaccine để phòng bệnh, vì những người không được tiêm chủng sẽ dễ bị nhiễm phế cầu, đây là nguyên nhân gây viêm tai giữa và từ đó dẫn đến bệnh viêm tai xương chũm.
Trẻ 9 tuổi nguy kịch vì biến chứng áp xe não do viêm tai
Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa phẫu thuật cấp cứu thành công cho một bệnh nhi nguy kịch do viêm tai xương chũm biến chứng áp xe não.
Bệnh nhi là T.B.L (9 tuổi, ở Hà Tĩnh) nhập viện trong tình trạng sốt cao, nôn nhiều, đau đầu, đau sưng tai phải và mệt mỏi li bì. Trước đó 10 ngày trẻ có biểu hiện sốt nhẹ, cách 3 - 4 giờ sẽ bị sốt một lần, kèm theo đau tai phải. Gia đình nghĩ trẻ bị cúm thông thường nên đưa trẻ đến phòng khám để điều trị nhưng tình trạng bệnh không cải thiện, trẻ vẫn đau tai và đau đầu nhiều.
Sau đó gia đình liền đưa trẻ đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để khám và điều trị. Tại đây các bác sĩ đã thăm khám và kết quả cho thấy khối tổn thương dạng dịch kích thước 31x26x14mm, tỷ trọng cao dạng dịch viêm, trẻ được chẩn đoán viêm tai xương chũm biến chứng áp xe não.