Đề phòng lây lan bệnh bạch hầu

Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tính đến ngày 25/11/2024, Việt Nam ghi nhận 9 trường hợp mắc bệnh bạch hầu trong đó 2 trường hợp tử vong. Năm 2023, có 57 trường hợp mắc và 7 trường hợp tử vong. Mới đây, ngày 23/11 ghi nhận 1 trẻ tử vong do bạch hầu tại Cao Bằng, Bộ Y tế yêu cầu xử lý triệt để.

Vaccine phòng bệnh bạch hầu nên được tiêm nhắc lại sau 10 năm để tăng hiệu quả bảo vệ.

Vaccine phòng bệnh bạch hầu nên được tiêm nhắc lại sau 10 năm để tăng hiệu quả bảo vệ.

Bạch hầu lây truyền nhanh và gây tử vong cao

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng mũi họng cấp tính, gây ra bởi một trực khuẩn ái khí, gram dương có tên là Corynebacterium tấn công vào niêm mạc vùng mũi họng. Vi khuẩn này tạo nên một loại giả mạc trắng dai, bám chặt và lan nhanh ra bao phủ toàn bộ lớp niêm mạc của đường hô hấp. Độc tố do bạch hầu tiết ra tác động vào tim và các mô ngoại vi, gây nên tình trạng nhiễm trùng và nhiễm độc toàn thân.

Cũng theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, bạch hầu thuộc danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây truyền nhanh và gây tử vong cao, buộc phải cách ly. Bệnh gây ra các biểu hiện chủ yếu ở đường hô hấp như bạch hầu mũi, họng, thanh quản, khí phế quản… Trong đó, có khoảng 70% người mắc bạch hầu họng. Các thể ít gặp hơn là bạch hầu da, bạch hầu mắt.

Với thể bạch hầu họng, trong giai đoạn đầu, bệnh nhân có dấu hiệu sốt nhẹ, ho, khàn tiếng, họng đỏ, chán ăn. Sau 2-3 ngày, mặt sau hoặc 2 bên thành họng xuất hiện giả mạc màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu và có thể phình to. Nếu không được điều trị, mảng giả mạc này sẽ phát triển và lan rộng lấp đường hô hấp gây khó thở, ngạt thở, suy hô hấp cho người bệnh. Bên cạnh đó, vi khuẩn bạch hầu có thể xâm nhập vào máu gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm cơ tim, tổn thương các dây thần kinh dẫn đến tê liệt, liệt cơ hoành dẫn đến tử vong.

Về phương thức truyền bệnh, trực khuẩn bạch hầu có dạng hình que, sắp xếp thành đám, 2 đầu của trực khuẩn màu tím, giống hình chùy. Thông thường vi khuẩn bạch hầu nhân lên trên hoặc gần bề mặt của màng nhầy của cổ họng. Do đó, bạch hầu lây chủ yếu qua đường dịch tiết. Vi khuẩn bạch hầu lây nhiễm dễ dàng qua tiếp xúc với các giọt bắn chứa vi khuẩn trong không khí khi người nhiễm ho, hắt hơi hoặc nói chuyện.

Khi một người bị nhiễm bệnh hắt hơi hoặc ho sẽ phát ra những giọt nước có chứa mầm bệnh, những người ở gần đó có thể hít phải vi khuẩn bạch hầu. Theo các chuyên gia, đó là lây truyền trực tiếp. Lây truyền gián tiếp là thông qua vật dụng cá nhân chứa mầm bệnh. Một số trường hợp mắc bệnh bạch hầu từ việc chưa làm sạch các vật dụng mà người nhiễm bệnh đã sử dụng từ cốc uống nước chưa rửa của người bị nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc với các giấy ăn mà người bệnh đã sử dụng.

Thời kỳ ủ bệnh thường từ 2 đến 5 ngày. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu có sốt, ho, đau họng, hạch góc hàm sưng đau (cổ bạnh), tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân, có giả mạc màu trắng xám, dai, dính ở amidal hoặc thành sau họng. Theo các chuyên gia y tế, có hai nguyên nhân gây tử vong ở bệnh nhân bạch hầu đó là độc tố tiết ra từ vi khuẩn bạch hầu tấn công vào các tế bào vật chủ, ngăn cản sự tổng hợp chuỗi Protein và gây chết tế bào; giả mạc vùng họng bít lấp đường thở.

Còn theo TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh bạch hầu có khả năng gây ra dịch nhưng khác với các loại dịch do virus gây ra, bệnh này do vi khuẩn gây ra. Bệnh có nhiều thể bệnh như bạch hầu mũi, họng, thanh quản, da… nhưng nguy hiểm nhất là ở thể hạch hầu hầu họng và thanh quản do có thể gây ra hoại tử, phù nề đường thở dẫn tới suy hô hấp. Ngoài ra, bệnh cũng có khả năng dẫn đến các biến chứng nặng như viêm cơ tim, viêm đa dây thần kinh, tổn thương thận cấp…và tỷ lệ tử vong khoảng từ 5% đến 40%.

Về trường hợp tử vong ở Cao Bằng mới đây, bà Vương Thị Tuyên - Phó Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng cho biết, sau khi có thông tin chính thức về trường hợp bệnh nhi 11 tuổi (trú tại xóm Khau Noong, xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) tử vong do bệnh bạch hầu, Sở Y tế Cao Bằng đã khẩn trương điều tra bệnh sử của bệnh nhân, đồng thời thực hiện các biện pháp khoanh vùng, phòng bệnh, lập danh sách 108 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhi, lấy 8 mẫu bệnh phẩm của học sinh gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm (chưa có kết quả); đồng thời khoanh vùng, cho học sinh uống thuốc kháng sinh điều trị dự phòng. Đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm Trưởng đoàn, đã đến giám sát hỗ trợ, điều tra dịch tễ tình hình bệnh tại địa bàn xảy ra vụ việc.

Đã có vaccine và kháng sinh đặc hiệu phòng và điều trị bạch hầu

Theo TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, dù số ca mắc bạch hầu vẫn ghi nhận rải rác tại nhiều địa phương nhưng đây chưa phải là vấn đề phức tạp. Bệnh bạch hầu không phải là bệnh mới. Hiện nay, vaccine bạch hầu đã được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (tiêm miễn phí) ở nước ta từ năm 1985. Do đó đã tạo được miễn dịch rộng rãi trong cộng đồng và đã làm giảm số mắc hàng trăm lần so với thời điểm năm 1983 với khoảng 3.500 ca. Bệnh đã có vaccine và kháng sinh đặc hiệu để phòng và điều trị. Sau tiêm vaccine liều cơ bản, miễn dịch có thể kéo dài được vài năm song thường giảm dần theo thời gian nên cần được tiêm nhắc lại.

Những năm gần đây, cả nước chỉ ghi nhận các ca bệnh rải rác tại các nơi có tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt được 100% đối tượng tiêm. Để phòng ngừa dịch bệnh bạch hầu, BS.CKI Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC khuyến cáo người dân nên tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh hiệu quả nhất. Tỷ lệ bảo vệ của vaccine lên đến 97%. Cơ thể chỉ cần 2 – 3 tuần sau khi tiêm đủ liều để sản sinh miễn dịch với bệnh.

Cụ thể, sau khi hoàn tất lịch tiêm chủng vaccine 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 trong 2 năm đầu đời (vào lúc 2, 3, 4 và 18 tháng), trẻ cần tiêm nhắc một mũi vaccine có thành phần bạch hầu vào lúc 4-6 tuổi và 9-15 tuổi. Người lớn cần tiêm nhắc vaccine có thành phần bạch hầu 10 năm/lần. Đặc biệt, các đối tượng phụ nữ mang thai, người từ 50 tuổi trở lên, người lớn có bệnh mạn tính ở phổi, tim mạch, thận… là các đối tượng có nguy cơ tử vong cao hơn khi mắc bạch hầu, cần rà soát lịch tiêm để bổ sung kịp thời. Với thai phụ, vaccine được tiêm trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ ngoài bảo vệ mẹ còn giúp truyền kháng thể bảo vệ bé trong những tháng đầu đời trước khi đến tuổi tiêm chủng.

Ngoài ra, người không rõ lịch sử tiêm ngừa cần bổ sung vaccine bạch hầu trong thời gian sớm nhất. Tùy tiền sử tiêm chủng, bác sĩ sẽ chỉ định lịch tiêm phù hợp từng người.

Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị các đơn vị trên tăng cường truyền thông về bệnh bạch hầu để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống; tổ chức theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ em, học sinh tại các trường học; thường xuyên vệ sinh, thông thoáng lớp học và kịp thời thông báo cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được xử lý triệt để, không để bùng phát dịch bệnh.

THANH MAI

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/de-phong-lay-lan-benh-bach-hau-10295636.html
Zalo