Chùa Am Vãi - dấu ấn tu hành của Công chúa nhà Trần

Những ghi chép trong Lục Nam địa chí là xác thực, thì rõ ràng chùa Am Vãi có từ thời Trần và công chúa nhà Trần đã đến đây tu hành.

Tác giả: TS Tạ Thị Tâm - Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 01/2025 - Xuân Ất Tỵ

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, tại chùa Am Vãi không có nguồn tư liệu cổ xưa lưu lại tên ban đầu của chùa. Nguồn tư liệu duy nhất lấy làm cơ sở để nhận biết tên gọi của chùa là sách Đồng Khánh địa dư chí và Lục Nam địa chí. Tuy nhiên, các sách này không ghi trực tiếp tên của chùa, mà chỉ ghi tên núi là 庵 娓 山 - Am Vãi sơn (núi Am Vãi). Ở đây, người xưa đã lấy tên núi đặt tên cho chùa. Do vậy, tên ban đầu của chùa chỉ tồn tại trong dân gian và được nhân dân bảo lưu qua thời gian. Một điều lưu ý là, tên gọi vãi là một từ Nôm, được ghép bởi hai chữ: nữ (女), nghĩa là người phụ nữ và vĩ (尾), nghĩa là sau, là đuôi, trong đó từ nữ chỉ ý và từ vĩ chỉ âm. Hai từ này ghép lại thành một từ Nôm gọi là vãi (娓).

Toàn cảnh chùa Am Vãi (Bắc Giang). (Ảnh: Internet)

Toàn cảnh chùa Am Vãi (Bắc Giang). (Ảnh: Internet)

Hơn nữa, trong tiếng Hán không có từ vãi, mà chỉ có từ vỉ 娓 (từ này không rõ nghĩa). Nên trường này, có thể người xưa đã dùng hai cách sau để đặt tên cho chùa: một là, dùng hai chữ Hán là nữ và vĩ ghép lại thành chữ vãi; hai là, dùng chữ vỉ trong tiếng Hán để chuyển âm sang chữ Nôm và đọc là vãi. Ni (尼) cũng là từ chỉ một phụ nữ đi tu theo Phật, giống như tên gọi Tỳ khưu ni (tức người phụ nữ tu theo Phật). Do vậy, ở đây chỉ cần dùng một trong hai danh từ chung là chùa hoặc am ghép với một trong hai danh từ riêng là vãi hoặc ni là thành một tên đầy đủ. Để minh họa cho điều này, chúng tôi đưa ra công thức cấu thành tên gọi của một điểm di tích, nơi thờ tự tôn giáo, tín ngưỡng, cụ thể như sau: Tên chung + Tên riêng = Tên di tích (xem bảng 1).

Bảng 1: Tên gọi một số am, chùa thuộc quần thể danh thắng Yên Tử (Nguồn: Tác giả tổng hợp).

Bảng 1: Tên gọi một số am, chùa thuộc quần thể danh thắng Yên Tử (Nguồn: Tác giả tổng hợp).

Về tên gọi chùa Am Vãi/Ni (庵 娓/尼), chúng tôi cho rằng có thể ban đầu nơi đây chỉ được gọi với tên có 2 âm tiết là Am Vãi, như bản chất sơ khai của nó là nơi tu hành của người phụ nữ/của nhà sư nữ. Tuy nhiên, vì là nơi thờ Phật nên theo thời gian, nhân dân đã ghép thêm từ chùa vào trước hai từ am vãi tạo thành tên gọi có 3 âm tiết là chùa Am Vãi. Tên gọi am (庵), theo tiếng Hán chỉ là cái nhà tranh nhỏ, hay cái nhà nhỏ thờ Phật, còn tên vãi (娓), là một tên Nôm, ý chỉ một người phụ nữ theo đạo Phật, hay cũng có thể gọi là vị sư nữ. Ghép hai từ này lại, chúng ta có tên gọi là Am Vãi, với ý chỉ một cái am nhỏ thờ Phật và có vị sư nữ trụ trì, trông nom hương khói. Theo quan niệm dân gian, vãi cũng được hiểu là các Phật tử có tâm theo Phật. Trong nhiều văn bia cổ ở các chùa làng hiện nay còn lưu giữ và cho biết việc cúng hậu, công đức trùng tu, xây mới chùa, đúc chuông... đều thấy sự đóng góp của hội vãi trong làng. Do vậy, hội vãi ở đây ý để chỉ một nhóm phụ nữ thường qua lại chùa và làm những công việc nơi cửa Phật.

Ngoài những tên gọi nêu trên, trong dân gian chùa Am Vãi còn được gọi là chùa Cao, do chùa ở trên đỉnh núi, nên nhân dân thôn Biềng muốn phân biệt với chùa Vĩnh Phúc, ngôi chùa ở chân núi ngày nay vẫn còn. Tuy nhiên, tên gọi chùa Cao không phổ biến, mà chỉ nhân dân trong thôn, trong xã biết đến.

Về tên gọi chùa Am Vãi, các di tích thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử cũng tồn tại cách gọi tên này. Điều này cho thấy, nơi tu hành của các thiền sư Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thường ở núi cao, nơi có thắng cảnh đẹp, trong những ngôi chùa nhỏ, am nhỏ.

2. Nguồn tư liệu và dấu ấn về nơi tu hành của công chúa nhà Trần tại chùa Am Vãi

Hiện nay, nguồn tư liệu minh chứng cho thời kỳ tu hành của vị công chúa nhà Trần tại chùa Am Vãi khá phong phú và đáng tin cậy. Sách “Lục Nam địa chí” (陸 南 地 志), mục Sơn dã/xuyên (山 也), chép: Nguyên văn chữ Hán: 庵 妮 山 在 南 奠 社 東 北 高 数 千 丈 上 山 四 望 東 潮 諒 江 諸 山 路 皆 歷 歷 可 数 一 井 在 絕 嶺 處 水 甚 清 洌 又 有 古 寺 相 傳 爲 陳 公 主 出 家 住 持 之 所. Phiên âm: Am Ni sơn tại Nam Điện xã Đông Bắc cao số thiên trượng thượng sơn tứ vọng Đông Triều Lạng Giang chư sơn lộ giai lịch lịch khả số nhất tỉnh tại tuyệt lĩnh xứ thủy thậm thanh liệt hựu hữu cổ tự tương truyền vi Trần công chúa xuất gia trụ trì chi sở. Dịch nghĩa: Núi Am Ni ở phía Đông Bắc xã Nam Điện, cao nghìn trượng, lên núi nhìn bốn phía xung quanh thấy các núi ở Đông Triều, Lạng Giang. Đường đi qua đều rất dài. Trên đỉnh núi rất cao có một cái giếng, nước trong leo lẻo, lại có một ngôi chùa cổ, tương truyền là công chúa nhà Trần đã xuất gia tu hành ở đây. Nguyên văn chữ Hán viết: 又 有 古 寺 - Hựu hữu cổ tự - lại có ngôi chùa cổ.

Tháp đá chùa Am Vãi (Bắc Giang). (Ảnh: Internet)

Tháp đá chùa Am Vãi (Bắc Giang). (Ảnh: Internet)

Điều đó cho thấy, giới quý tộc nhà Trần tham gia vào việc tu hành và chọn chùa Am Vãi là nơi tu hành. Đây là vị trí đắc địa, non cao, cảnh đẹp, u tịch, linh thiêng, phù hợp với chốn tu hành. Với vị trí đắc địa, cho nên ngay từ khi xây dựng, chùa Am Vãi đã được các vị cao tăng chú tâm hưng công xây dựng, trở thành nơi tu hành của công chúa nhà Trần. Điều này thể hiện rất rõ trong các chính sử được chép dưới thời Nguyễn.

Dựa trên những ghi chép từ Lục Nam địa chí và các nguồn tư liệu khác, trong đó có Thanh Mai viên thông tháp bi - 青 枚 圓 通 塔 碑 - Kế tục sự nghiệp của Phật hoàng Trần Nhân Tông Đệ Nhất tổ, văn bia chùa Thanh Mai cho biết: “Tháng 9 (1313), Sư (Pháp Loa-TG) phụng chiếu đến chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang, quy định các chức vụ của tăng sĩ trong cả nước và bổ nhiệm người trụ trì đến hơn 100 ngôi già lam (chùa). Chư tăng trong nước từ đó mới có sổ bộ và đều được trông coi chùa. Bấy giờ, Sư độ hơn 1.000 người. Về sau, cứ 3 năm độ tăng một lần, mỗi lần khoảng dưới nghìn người” (1). Ở trên cũng đã nêu, Pháp Loa là người kế tục lâu nhất trong số Tam tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Chính trong thời kỳ của Pháp Loa, nhiều chùa tháp đã được xây dựng, nhiều kinh Phật được khắc in, nhiều tăng ni được độ theo Phật. Văn bia này cũng cho biết thêm: “Tháng 8 năm 1329, Sư truyền giới xuất gia cho Tuyên Chân công chúa, ái nữ của Quốc phụ Thượng tể (tức con của Trần Quốc Chẩn (1281-1228) - TG chú); tháng 9 năm 1329, Sư truyền giới xuất gia cho Lê Bảo Công chúa, Ái nữ Chiêu Văn vương (tức con của Trần Nhật Duật (1255-1330) - TG chú)” (2). Từ nội dung văn bia, đã cung cấp cho chúng ta nhiều tư liệu quý liên quan tới lịch sử Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Khi tìm hiểu về sự ra đời của chùa Am Vãi, nguồn tư liệu này là cơ sở cho rằng, chùa Am Vãi được xây dựng dưới thời kỳ Đệ Nhị tổ Pháp Loa, vì giai đoạn này nhiều chùa được xây mới, nhiều tăng ni được độ trong sự nghiệp hoằng dương Phật pháp.

Trở lại với những ghi chép trong sách Lục Nam địa chí cho biết: tương truyền công chúa nhà Trần đã lên chùa Am Vãi để tu hành ở đây (相 傳 爲 陳 公 主 出 家 住 持 之 所). Đồng thời, đối chiếu với những ghi chép trong văn bia chùa Thanh Mai cho biết: “Tháng 8 (1329), Sư (Pháp Loa) truyền giới xuất gia cho Tuyên Chân Công chúa, ái nữ của Quốc phụ Thượng tể; Tháng 9 (1329), Sư truyền giới xuất gia cho Lê Bảo Công chúa, Ái nữ Chiêu Văn vương” (3). Cho đến nay, sử sách cũng như các nguồn tư liệu thực địa không cho biết thêm hành trạng của hai vị công chúa này.

Liên quan đến việc các công chúa nhà Trần xuất gia theo Phật, sách Tam tổ thực lục cho biết thêm: “Năm này trời hạn (1319 hoặc 1320 - TG chú), có chiếu sai Sư cầu mưa, Sư khiến Sa-môn Thu Tử cầu, được ứng nghiệm Quốc phụ Thượng tể mời Sư đến ở chùa Thiên Linh, phủ An Hoa, giảng Đại Tuệ Ngữ Lục. Nhân lúc nghỉ tại chùa Báo Thiên, Hoa Dương công chúa thỉnh Sư thuyết pháp và truyền giới tại gia cho công chúa và các người khác. Hoa Dương là công chúa thứ sáu của Thái Tông, đã gả cho Bối Trí vương” (4). Đến “Năm Canh ngọ, niên hiệu Khai Hựu thứ hai (1330), Sư (Pháp Loa) 47 tuổi, Rằm tháng giêng, Đại sư Kiên Đức ở An Lạc và Thí chủ Lệ Bảo Công chúa mời sư về An Lạc tàng viện, giảng lại hai hội thứ nhất và thứ nhì (kinh Hoa Nghiêm)” (5).

Đối chiếu những ghi chép trong Thanh Mai Viên Thông tháp bi và Tam tổ thực lục với những dòng ghi chép trong sách Lục Nam địa chí viết về chùa Am Vãi là: “tương truyền công chúa nhà Trần đã đến đây tu hành”, là căn cứ xác định thời điểm chùa Am Vãi ra đời, cũng như hành trạng xuất thân của người tu hành tại chùa (công chúa nhà Trần).

Thông qua những tư liệu hiện có như văn bia và sử sách, cho thấy dưới thời Trần, các công chúa xuất gia tu hành khá nhiều. Tuy nhiên, qua hai nguồn tư liệu nêu trên, chúng ta mới chỉ biết đến 4 vị công chúa là: Tuyên Chân Công chúa, Lê Bảo Công chúa, Hoa Dương Công chúa, Lệ Bảo Công chúa, đã từng xuất gia theo Phật. Vậy trong số các Công chúa này, có ai trong số họ đến trụ trì ở chùa Am Vãi chăng? Đây là một câu hỏi lớn cần có thêm tư liệu mới trả lời được. Một lưu ý là, các công chúa này đều đã theo Phật trong thời gian kế nghiệp của thiền sư Pháp Loa. Theo lời kể của các bậc cao niên làng Biềng, xã Nam Dương: “làng Biềng có tục kiêng húy không đặt tên con gái là Hoa. Tương truyền, công chúa Dương Hoa thời Trần đã đến vùng đất này tu hành và truyền dạy cho dân làng cách làm ăn” (PV. Ông Nguyễn Văn Đà, làng Biềng, xã Nam Dương, năm 2021).

Qua những dấu tích trên và thông tin ở trên cho thấy: Chùa Am Vãi lúc đầu chỉ là một am nhỏ để tu thiền. Nơi đây đã có công chúa nhà Trần đến tu hành. Theo GS Hoàng Phê: “Ni (danh từ; kết hợp hạn chế): Người phụ nữ tu hành theo đạo Phật và ở chùa. Chữ ni và chữ tăng; “vãi (danh từ): Người đàn bà có tuổi chuyên đi chùa lễ Phật. người đàn bà theo đạo Phật, ở giúp việc cho nhà chùa. Sư nữ” (6).

Về tên gọi chùa Am Vãi

Chùa Am Vãi (Bắc Giang). (Ảnh: Internet)

Chùa Am Vãi (Bắc Giang). (Ảnh: Internet)

Tương tự như chùa Am Vãi, am Ngọa Vân trên núi Ngọa Vân ở huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, được coi là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông đã tu hành và hóa tại đây, cũng chỉ có quy mô ban đầu nhỏ bé như đúng bản chất tên gọi của nó. Qua thời gian, am Ngọa Vân mới được xây cất, mở rộng quy mô. Nhưng ở đây, am Ngọa Vân và chùa Am Vãi là hai trường hợp khác nhau, vị thế và vai trò khác nhau, am Ngọa Vân là nơi gắn liền với Phật hoàng Trần Nhân Tông, trong khi đó, chùa Am Vãi là địa điểm tu thiền của công chúa nhà Trần.

Nhận xét

Những ghi chép trong Lục Nam địa chí là xác thực, thì rõ ràng chùa Am Vãi có từ thời Trần và công chúa nhà Trần đã đến đây tu hành. Vì tên gọi hiện nay của chùa vẫn phản ánh đúng tính chất từ khi nó ra đời, đó là nơi tu hành của một nhà sư nữ - vãi (vãi: là từ chỉ người phụ nữ theo đạo Phật).

Qua việc phân tích nguồn sử liệu cho thấy, thời điểm vị công chúa nhà Trần đến chùa Am Vãi tu hành, là thời gian đánh dấu dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử chính thức ra đời và phát triển. Kế tục sự nghiệp của Đệ Nhất tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông, các vị Đệ Nhị tổ là Pháp Loa và Đệ Tam tổ là Huyền Quang đã không ngừng mở rộng ảnh hưởng của thiền phái này trong đời sống xã hội thông qua việc xây dựng hệ thống chùa, tháp, khắc in kinh Phật, độ tăng, giảng đạo, cứu độ chúng sinh... Năm 1308, Phật hoàng Trần Nhân Tông về với cõi Phật. Tiếp đó các năm 1330 và 1334, Đệ Nhị tổ Pháp Loa và Đệ Tam tổ Huyền Quang lần lượt viên tịch. Như vậy, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử phát triển mạnh trong hơn 30 năm đầu của thế kỷ XIV, gắn với khoảng thời gian hoằng dương Phật pháp của 3 vị Tam tổ. Trong đó, Đệ Nhị tổ Pháp Loa kế tục sự nghiệp từ năm 1308 đến năm 1330, được cho là khoảng thời gian có nhiều chùa tháp xây dựng, mở rộng, nhiều dân chúng được độ theo Phật (7)... Nên chúng tôi cho rằng, chùa Am Vãi nhiều khả năng được hình thành trong thời gian Đệ Nhị tổ Pháp Loa kế nghiệp và đây cũng là thời điểm công chúa nhà Trần đến chùa này tu hành.

Tác giả: TS Tạ Thị Tâm - Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 01/2025 - Xuân Ất Tỵ

***

CHÚ THÍCH:

(1) Hội Sử học tỉnh Hải Dương (1999), Di sản Hán Nôm Hải Dương, tập 1, Hải Dương, tr.42-43.

(2) Hội Sử học tỉnh Hải Dương (1999), sđd, tr.48.

(3) Hội Sử học tỉnh Hải Dương (1999), sđd, tr.49.

(4) Thích Phước Sơn (Dịch và chú, 1995), Tam tổ thực lục, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr.54.

(5) Thích Phước Sơn (Dịch và chú, 1995), Sđd, tr.55.

(6) Hoàng Phê (1988), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Khoa học Xã hội, H. 1988, tr.757; tr. 1130.

(7) “Sư (tức Pháp Loa) đã tạo hơn 1.300 tượng Phật lớn nhỏ, hai bộ tượng sơn mài, hơn 100 tượng bằng đất, dựng hai cảnh chùa lớn và 5 ngôi tháp, lập hơn 200 tăng xá, độ hơn 15.000 tăng, ni; in một bộ Kinh Đại tạng. Những đệ tử đắc pháp hơn 30 người đã liệt kê ở lược đồ. Pháp sư có 6 người, như: Tuệ Nhiên, Tuệ Chúc, Hải Ấn... đều hành pháp đắc lực. Còn Hoàng Tế và Huyền Giác hiện đang chăm sóc tháp của Sư”. Hội Sử học tỉnh Hải Dương (1999), Di sản Hán Nôm Hải Dương, tập 1, Hải Dương, tr. 48.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/chua-am-vai-dau-an-tu-hanh-cua-cong-chua-nha-tran.html
Zalo