Chán bon chen, nhiều người trẻ chọn lối sống cân bằng

Đạt thành tích tốt ở trường đại học, sau đó học thạc sĩ, Rose Gardner (ở Wiltshire, Anh) bắt đầu với công việc trong lĩnh vực xuất bản. Thăng tiến đều đặn ở các công ty nổi tiếng trong ngành xuất bản trước khi ổn định việc làm tại một tổ chức truyền thông, Gardner đã mua được căn hộ ở London. Tuy nhiên, mỗi lần đạt được một cột mốc mới, cô không cảm thấy thực sự vui vẻ.

 Cô Abadesi Osunsade

Cô Abadesi Osunsade

"Có vẻ như tôi là người không biết trân trọng những gì mình có nhưng tôi nhớ rằng, tôi đã cảm thấy sợ hãi khi bước vào căn hộ của riêng mình. Tôi biết mình sẽ phải tiếp tục làm điều mà tôi ghét, đó là trả tiền thế chấp", Gardner, 42 tuổi, nói.

Công việc không phát sinh vấn đề gì lớn nhưng theo thời gian, Gardner không còn tìm thấy động lực khi theo đuổi các giá trị vật chất, đồng thời nhận thấy việc đến quán bar, câu lạc bộ hay tiệc tùng không có ý nghĩa gì với cô. Quan trọng hơn, Gardner bị mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), khiến việc làm việc trong văn phòng có không gian mở 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày trở nên cực kỳ khó khăn. 5 năm trước, Gardner quyết định nghỉ việc. Cô bán căn hộ ở London và chuyển về nhà bố mẹ ở Wiltshire, nơi cô hiện làm việc bán thời gian trong ngành khách sạn và làm đồ thủ công tại nhà. Thu nhập tuy không nhiều nhưng các khoản chi của cô cũng rất ít.

"Công việc không còn là tất cả"

Gardner tìm thấy niềm vui trong cuộc sống hiện tại. Cô trả tiền thuê nhà cho bố mẹ trong khi vẫn duy trì không gian riêng của mình. Cô coi sự sắp xếp này là hợp lý khi gia đình được gắn kết mà bản thân cô vẫn có không gian riêng. Cô chia sẻ: "Hằng ngày, tôi thiền và đi dạo với chú chó của mình. Tôi đã đánh mất sự kết nối với chính mình khi nghe quá nhiều về những gì tôi nên làm. Giờ đây, tôi có nhiều niềm vui hơn từ những điều nhỏ nhặt".

Gardner đang theo đuổi một lối sống ngày càng phổ biến, "soft life". Cô thuộc thế hệ Millennial (những người sinh vào khoảng đầu những năm 1980 đến cuối những năm 1990), là thế hệ được nuôi dưỡng để tự hào về việc chăm chỉ làm việc nhưng giờ đây, họ phải đối mặt với những thách thức như khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Nhiều người thuộc thế hệ Millennial, cùng với các thế hệ trẻ hơn như Gen Z và Alpha, phải đối mặt với viễn cảnh không thể mua được nhà. Thực tế này đã thúc đẩy một quan điểm ngày càng phổ biến rằng, làm việc chăm chỉ chẳng mang lại điều gì, thậm chí gây bất lợi. Từ đó, xu hướng "soft life" đã xuất hiện, bác bỏ quan niệm phấn đấu không ngừng nghỉ để đạt được thành công trong công việc. Trọng tâm của lối sống này là dành nhiều thời gian và năng lượng hơn cho những điều khiến con người ta hạnh phúc.

Rose Gardner

Rose Gardner

Tìm kiếm cuộc sống dễ chịu hơn

Judge, 26 tuổi, tốt nghiệp ngành khoa học máy tính vào năm 2019. Cô được nhận vào làm tại một công ty công nghệ nhưng sau đó, Judge vỡ mộng khi tiền lương không phản ánh khối lượng công việc mà cô phải đảm nhận, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát. Sau khi nghỉ việc 2 tháng, cô chuyển sang làm dịch vụ chăm sóc khách hàng cho một nền tảng xây dựng trang web ở Denver, Colorado (Mỹ). Mặc dù trên thực tế, Judge đang sử dụng bằng cấp của mình, cô vẫn tìm thấy sự thoải mái trong công việc ít căng thẳng hơn này. Hiện Judge ủng hộ chế độ làm việc 4 ngày/tuần, mức lương đủ sống và ưu tiên sức khỏe của mình. "Tôi không nói cho mọi người biết chính xác họ cần phải làm việc bao nhiêu thời gian. Tôi chỉ đang cố gắng khuyến khích mọi người cho mình quyền tự do theo đuổi bất cứ điều gì khiến họ hạnh phúc", Judge nói.

Abadesi Osunsade, 37 tuổi, từng có cuộc sống bận rộn để lập ra Hustle Crew, một công ty tập trung vào đào tạo về đa dạng và hòa nhập. Ở tuổi 20, Osunsade cảm thấy kiệt sức khi vừa làm việc trong các công ty khởi nghiệp công nghệ 12 giờ mỗi ngày vừa xây dựng Hustle Crew những lúc rảnh rỗi. Giờ đây, khi công ty đã được thành lập, cô ưu tiên dành thời gian cho tập thể dục và thăm gia đình ở Philippines. Nữ CEO này cho rằng, việc theo đuổi cuộc sống dễ chịu hơn là một quá trình liên tục. Cô khuyến khích mọi người không nên xác định bản thân bằng năng suất làm việc. "Năng suất và hạnh phúc đan xen với nhau. Bạn thực sự nhận được giá trị gì từ sự bận rộn? Bạn đã nuôi dưỡng đủ sự yêu thương bản thân và thái độ tự nhận thức để tận hưởng thời gian rảnh rỗi chưa?", cô nói.

Chấp nhận đánh đổi

Tuy nhiên, lựa chọn không làm việc, hoặc làm việc ít hơn, vẫn có thể bị người khác "đánh giá". Ossunsade nhớ lại cuộc trò chuyện với một đồng nghiệp lớn tuổi. Người này mô tả việc một phụ nữ trẻ, thông minh, nghỉ việc sau khi có con là một "tội ác" và "lãng phí chất xám". "Tôi có cảm giác là chúng ta phải có cả thành công trong sự nghiệp và hạnh phúc cá nhân vì thế hệ trước đã đấu tranh để phụ nữ hiện nay có cơ hội bình đẳng trong lực lượng lao động", cô cho biết.

Liệu có thể có một cuộc sống dễ chịu hơn mà không phải thay đổi hoàn toàn lối sống của một người? Osunsade gợi ý rằng đó là việc chấp nhận những hạn chế của bản thân và ưu tiên những gì thực sự quan trọng đối với mình. Theo cô, nhiều người phụ nữ thường rơi vào cái bẫy muốn giỏi ở nhiều vai trò. "Chúng ta cần hài lòng với việc trở thành người giỏi nhất trong một hoặc hai vai trò và bằng lòng với việc ở mức tạm được trong những vai trò khác", CEO của Hustle Crew nói.

Nguồn: Guardian

Jade Nguyễn

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chan-bon-chen-nhieu-nguoi-tre-chon-loi-song-can-bang-20250206142855721.htm
Zalo