Nghị quyết 57 là lời hiệu triệu, là mệnh lệnh đối với toàn thể người dân Việt Nam

Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Chỉ sau 20 ngày, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Ảnh minh họa. (Nguồn: VGP).

Ảnh minh họa. (Nguồn: VGP).

Khoa học và công nghệ đã và đang đóng góp thiết thực cho mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội ở Việt Nam

Trước hết, cần nhấn mạnh rằng phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) luôn được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm trong suốt thời kỳ đổi mới. Minh chứng điển hình là Nghị quyết số 02-NQ/HNTW ngày 24/12/1996 của Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị khóa XIII, Kết luận số 69-KL/TW ngày 11/1/2024 của Bộ Chính trị khóa XIII, bên cạnh việc khẳng định KH&CN “là quốc sách hàng đầu” đã đặt ra nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển KH&CN; Luật KH&CN năm 2013 đã thể chế hóa Nghị quyết 20 tạo hành lang pháp lý cho KH&CN phát triển với nhiều cơ chế, chính sách mới phù hợp với nền kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế…

Năm 2025 là năm đánh dấu 40 năm Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới. Trong chặng đường này, Việt Nam đã và đang đạt được rất nhiều thành tựu nổi bật của KH&CN. Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt khi trả lời báo chí, từ năm 1986, khi Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, KH&CN đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, góp phần vào sự phát triển nhanh chóng và bền vững của Việt Nam. Giai đoạn từ năm 2000 đến nay, KH&CN được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành hệ thống pháp luật hoàn chỉnh. Năm 2000, Luật KH&CN ra đời, mở đầu cho việc xây dựng các văn bản pháp lý chuyên ngành như: Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Công nghệ cao…

Trong 40 năm đổi mới, KH&CN đã có những đóng góp thiết thực cho mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Chúng ta có thể kể đến những công trình lớn mang dấu ấn của KH&CN, làm thay đổi diện mạo đất nước như: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nhà máy thủy điện Sơn La, đường dây 500kV Bắc - Nam, các công trình dầu khí và hạ tầng hiện đại như cầu, đường, sân bay… Cùng với đó, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đã tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp đáng kể vào GDP. Nếu như giai đoạn 2001 - 2010, TFP chỉ đạt 4,3%, thì đến giai đoạn 2016 - 2020, con số này đã tăng lên 45,2%. Đây là minh chứng rõ nét cho sự đóng góp của KH&CN và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam cũng liên tục được cải thiện. Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index 2024 - GII) năm 2024, Việt Nam được xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 4 (sau Singapore, Malaysia và Thái Lan). Đáng chú ý, trong các kết quả nổi bật của các ngành, lĩnh vực, có thể thấy có sự đóng góp quan trọng của KH&CN. Điển hình như trong lĩnh vực y tế, chúng ta đã làm chủ nhiều công nghệ hiện đại như ghép tạng, tế bào gốc, sản xuất vaccine, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng. KH&CN cũng góp phần hiện đại hóa nông nghiệp. Nhiều giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao được nghiên cứu và ứng dụng, nâng cao giá trị xuất khẩu và cải thiện đời sống nông dân. Trong quốc phòng - an ninh, chúng ta đã phát triển được nhiều công nghệ cao, xây dựng hệ thống an ninh mạng hiện đại, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia…

Những thành tựu đó đã đóng góp thiết thực cho công cuộc đổi mới, thúc đẩy năng suất, chất lượng và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, giữ vững quốc phòng, an ninh, phát triển bền vững, tạo thế và lực mới cho đất nước.

5 đột phá của Nghị quyết 57

Bên cạnh các thành tựu cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, các chủ trương, chính sách về KH&CN vẫn chậm được thể chế hóa, chưa phát huy được tác dụng thúc đẩy quá trình đổi mới. KH&CN Việt Nam vẫn chưa thực sự thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, chưa tương xứng với vai trò “nền tảng, động lực” và “quốc sách hàng đầu” như kỳ vọng.

Vì thế, “sự ra đời của Nghị quyết số 57-NQ/TW với những nội dung đi thẳng vào những vấn đề rất mới của thời đại như: dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, blockchain, internet vạn vật (IoT), cơ chế thử nghiệm có kiểm soát các công nghệ mới… để thúc đẩy nhanh nhất, đưa các sản phẩm công nghệ mới, công nghệ chiến lược vào cuộc sống, chính là lời hiệu triệu, là mệnh lệnh đối với toàn thể đội ngũ trí thức, nhà khoa học trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, cũng như mọi tầng lớp Nhân dân tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới và chuyển đổi số nhằm phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Nghị quyết đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu rất quyết liệt trong việc tháo gỡ các “điểm nghẽn”, rào cản về thể chế, cũng như đưa ra những giải pháp mạnh mẽ nhằm giải phóng sức sáng tạo của các nhà khoa học và người dân”, như nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt.

Trong bài viết “Nghị quyết 57 và những đột phá cho phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số”, TS. Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam đã đề cập đến 5 đột phá của Nghị quyết 57 với những mục tiêu quan trọng, cụ thể cùng các giải pháp quyết liệt chưa từng có.

Cụ thể, theo TS. Nguyễn Quân, điểm đột phá đầu tiên đó là Đảng ta đã đặt ra các mục tiêu cụ thể ở mức cao đến năm 2030 và 2045 để Việt Nam có thể trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao. Điểm đột phá thứ hai là Nghị quyết 57 xác định phải tăng đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Điểm đột phá thứ ba là Nghị quyết 57 đã có đột phá về tư duy trong quản lý đầu tư ngân sách nhà nước cho hoạt động R&D. Điểm đột phá tiếp theo là Nghị quyết 57 xác định “chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Điểm đột phá cuối cùng chính là tính khả thi trong tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Từ góc độ nhà khoa học và đã từng là người đứng đầu ngành KH&CN, TS. Nguyễn Quân đã phân tích rất kỹ việc Nghị quyết 57 xác định “chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Theo ông, “lâu nay các cơ quan quản lý và dư luận xã hội đều quan niệm các nhiệm vụ nghiên cứu được Nhà nước tài trợ phải thành công 100% và nếu không thành công sẽ bị coi là lãng phí, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Nhưng thực tế làm nghiên cứu là phải tìm ra cái mới, vì thế luôn tiềm ẩn khả năng thất bại và ngay cả các nước phát triển thì tỷ lệ các đề tài thành công được áp dụng vào thực tiễn cũng chỉ khoảng 20 - 30%. Đó cũng là lý do các nước phát triển có hệ thống quỹ đầu tư mạo hiểm và văn hóa chấp nhận thất bại trong nghiên cứu, nhờ vậy họ mới có được các doanh nghiệp kỳ lân, các tập đoàn công nghệ với nhiều sản phẩm công nghệ cao. Với quy định mang tính đổi mới tư duy này của Nghị quyết 57 chắc chắn sẽ khuyến khích các nhà khoa học dám nghĩ, dám làm, dám nhận nhiệm vụ khi tiếp cận nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Bởi họ yên tâm rằng nếu thất bại họ sẽ được miễn trừ trách nhiệm, cũng như có được bài học kinh nghiệm để giúp họ tránh được thất bại trong các nhiệm vụ tiếp theo”.

Cũng theo TS. Nguyễn Quân, tính khả thi trong tổ chức thực hiện Nghị quyết 57 cũng rất quan trọng. “Lần đầu tiên người đứng đầu Đảng ta trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết và bên cạnh Ban Chỉ đạo còn có Hội đồng tư vấn gồm các nhà quản lý và các nhà khoa học có trình độ và uy tín. Đây là cách làm khắc phục nhược điểm của các giai đoạn trước đây, khi các Ban Chỉ đạo thường chỉ bao gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, không đủ quyền lực trong hệ thống chính trị và nặng tư duy nhiệm kỳ. Để Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ cơ quan hành pháp, phải thay đổi tư duy của cả bộ máy quản lý từ Trung ương đến địa phương, phải xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ có tính khoa học và thực tiễn đối với các quy định mới mang tính đột phá, phải được sự ủng hộ của mọi tầng lớp Nhân dân và doanh nghiệp, phải phù hợp với thông lệ quốc tế. Đây là một quá trình lâu dài, phức tạp, cần có sự chỉ đạo xuyên suốt và quyết liệt từ người lãnh đạo cao nhất của quốc gia, không giới hạn trong một vài nhiệm kỳ, phải tập hợp được trí tuệ của tầng lớp tinh hoa trong nước và quốc tế”, theo TS. Nguyễn Quân.

Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho KH&CN và đổi mới sáng tạo

“Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH&CN và đổi mới sáng tạo phù hợp với cơ chế thị trường, thông lệ quốc tế, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và độ trễ trong hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo; đồng bộ hóa các quy định của pháp luật, chính sách liên quan tới KH&CN và đổi mới sáng tạo theo hướng tháo gỡ các “nút thắt”, rào cản, tạo thuận lợi tốt nhất cho phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo. Đồng thời xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách vượt trội; tạo dựng hành lang pháp lý thuận lợi để triển khai cơ chế thí điểm, thử nghiệm và đặc thù đối với các loại hình, mô hình kinh tế mới dựa trên KH&CN và đổi mới sáng tạo. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để kết quả, sản phẩm KH&CN và đổi mới sáng tạo thực sự là hàng hóa đặc biệt, có giá trị, quyền sở hữu và được lưu thông trên thị trường”, trích bài phỏng vấn báo chí của Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt ngày 2/2/2025.

“Để nhà khoa học thực sự là nhân tố then chốt, cần phải có các cơ chế, chính sách trọng dụng, đãi ngộ họ tốt hơn và khả thi hơn. Nghị quyết 57 đã nêu ra được nhiều giải pháp quan trọng, để thực hiện thì Ban Chỉ đạo cần quan tâm đồng bộ không chỉ chế độ đãi ngộ tiền lương và thu nhập mà quan trọng hơn là tạo điều kiện làm việc và môi trường sáng tạo, tức là phải tin tưởng, đặt hàng giao nhiệm vụ cho nhà khoa học, đầu tư cơ sở vật chất tốt nhất, hợp tác quốc tế thuận lợi nhất, cho họ quyền tự chủ cao nhất về tài chính, tổ chức, nhân sự, kể cả việc cho họ được quyền thành lập và điều hành doanh nghiệp KH&CN dựa trên kết quả nghiên cứu, giúp hình thành các tập thể mạnh trong hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Muốn vậy, chúng ta phải rà soát sửa đổi một loạt luật có liên quan, ví dụ Luật KH&CN, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, Luật Viên chức, các luật thuế..., để có các cơ chế chính sách thực sự đột phá, tạo thuận lợi cho nhà khoa học”, trích bài viết “Nghị quyết 57 và những đột phá cho phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số” của TS. Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN.

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nghi-quyet-57-la-loi-hieu-trieu-la-menh-lenh-doi-voi-toan-the-nguoi-dan-viet-nam-post539875.html
Zalo