Tâm lý thị trường tiêu cực bao trùm lên giá dầu tuần qua

Tuần qua, tâm lý thị trường bi quan đối với giá dầu xuất hiện dưới nhiều hình thức khi viễn cảnh ngừng bắn trong cuộc chiến Nga - Ukraine, kết hợp với báo cáo lạm phát tiêu cực và lượng tồn kho dầu thô tăng mạnh, đã đẩy giá dầu xuống thấp hơn so với đầu tuần.

Hình minh họa

Hình minh họa

Phân tích cơ bản dầu thô

Tâm lý tiêu cực đối với giá dầu đến từ nhiều yếu tố trong tuần này. Viễn cảnh ngừng bắn trong cuộc chiến Nga - Ukraine, báo cáo lạm phát kém khả quan và lượng tồn kho dầu thô tăng mạnh đều góp phần kéo giá dầu giảm.

Một điểm sáng hiếm hoi trong tuần là các lệnh trừng phạt mới đối với xuất khẩu dầu Nga đang bắt đầu cho thấy tác động rõ rệt. Dầu WTI đạt mức cao 73,70 USD/thùng vào thứ Ba tuần này và giảm xuống 70,25 USD/thùng vào thứ Tư. Trong khi đó, dầu Brent đạt đỉnh 77,20 USD/thùng vào thứ Ba và giảm xuống 74,10 USD/thùng vào thứ Năm. Cả hai loại dầu đều đóng cửa tuần với mức giá thấp hơn so với tuần trước. Hiện tại, mức chênh lệch giá dầu WTI - dầu Brent đang là -4,10 USD.

Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Nga sẵn sàng đàm phán hòa bình với Ukraine, có khả năng dẫn đến một thỏa thuận ngừng bắn. Nếu điều này xảy ra, Mỹ có thể dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu của Nga. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng đề xuất áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu của ông Trump có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, kéo theo nhu cầu dầu giảm.

Các lệnh trừng phạt gần đây của chính quyền Biden đối với dầu Nga dường như đã có hiệu quả khi các khách hàng châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, đang tìm kiếm nguồn cung thay thế. Ngoài ra, chi phí vận chuyển dầu Urals cũng tăng lên, do các hãng tàu e ngại vận chuyển lô hàng bị trừng phạt. Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tại Paris cảnh báo rằng Nga có thể sẽ tìm ra cách “né” lệnh trừng phạt, giống như trước đây, vì thực tế sản lượng dầu của nước này vẫn chưa giảm đáng kể.

Trong khi đó, chính quyền Trump đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với những cá nhân và công ty giúp Iran bán dầu cho Trung Quốc. Động thái này nhằm mục tiêu cắt giảm đáng kể xuất khẩu dầu của Iran. Cùng lúc đó, Ấn Độ đã đồng ý mua thêm dầu và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ để giúp giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước và tránh nguy cơ bị áp thuế mới.

Lạm phát tại Mỹ đang có dấu hiệu tăng lên, với Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 ghi nhận mức 3,0%, cao hơn so với 2,9% của tháng 12 năm ngoái, trong khi mức tăng hàng tháng đạt 0,5%. Trước tình hình này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bày tỏ lo ngại và khẳng định đây chưa phải thời điểm thích hợp để cân nhắc việc cắt giảm lãi suất. Thị trường tài chính phản ứng tiêu cực trước thông tin này.

Báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô và nhiên liệu chưng cất tăng, trong khi tồn kho xăng giảm. Sản lượng dầu của Mỹ đạt 13,5 triệu thùng/ngày, còn Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) tăng lên 395 triệu thùng.

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới trong tuần trước đạt 213.000, thấp hơn mức dự báo 214.000 và giảm so với mức 220.000 của tuần trước đó. Số đơn xin trợ cấp liên tục cũng giảm xuống 1,85 triệu từ mức 1,89 triệu. Dù thị trường chứng khoán Mỹ có sự sụt giảm giữa tuần do báo cáo lạm phát, nhưng cả 3 chỉ số chứng khoán chính đều kết thúc tuần với mức cao hơn. Đồng USD suy yếu, có thể giúp tạo mức hỗ trợ cho giá dầu trong tuần này.

Phân tích kỹ thuật dầu thô

Hợp đồng dầu WTI giao tháng 3/2025 trên sàn NYMEX hiện đang giao dịch dưới các đường trung bình động 8, 13 và 20 ngày. Khối lượng giao dịch ở mức thấp, khoảng 180.000 hợp đồng. Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI), một chỉ báo đo lường động lượng, đang ở mức 42 – vùng “hơi quá bán”. Hiện tại, ngưỡng kháng cự ở mức 71,50 USD (đường trung bình động 8 ngày) và hỗ trợ ngắn hạn ở mức 70,50 USD.

Kỳ vọng sắp tới

Nếu Nga thực sự sẵn sàng đàm phán hòa bình với Ukraine, giá dầu có thể tiếp tục giảm, đặc biệt khi lo ngại về chính sách thuế quan của ông Trump và tình hình kinh tế toàn cầu ngày càng nghiêm trọng. Ngược lại, nếu không có bất kỳ tiến triển nào trong các cuộc đàm phán, lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu của Nga vẫn sẽ được duy trì. Khi kết hợp với các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran, giá dầu thậm chí có thể tăng trở lại.

Tuy nhiên, kỳ vọng kinh tế chung vẫn khá ảm đạm, và phần lớn chuyên gia không lạc quan về giá dầu trong năm 2025. Trong ngắn hạn, dự báo thời tiết từ NOAA cho thấy nhu cầu dầu sưởi tại khu vực Đông Bắc Mỹ sẽ tăng mạnh trong 8-14 ngày tới.

Phân tích khí đốt

Khí đốt đang có chuỗi tăng giá 8 ngày liên tiếp, do lượng tồn kho sụt giảm và các đợt lạnh bất thường tiếp tục bao phủ nhiều khu vực rộng lớn tại Mỹ. Bên cạnh đó, xuất khẩu LNG tiếp tục lập kỷ lục mới. Hợp đồng khí Henry Hub giao tháng 3 trên sàn NYMEX đạt mức cao 3,80 USD/MMbtu vào thứ Sáu tuần này và mức thấp 3,29 USD vào thứ Hai.

Tuần trước, nguồn cung khí tăng nhẹ +0,2 bcfd lên 112,5 bcfd so với mức 112,3 bcfd của tuần trước đó. Trong khi đó, nhu cầu tăng mạnh +11 bcfd lên 134,6 bcfd so với 123,6 bcfd tuần trước, chủ yếu do tiêu thụ khí trong khu dân cư giảm mạnh.

Xuất khẩu khí sang Mexico đạt 6,5 bcfd so với 6,4 bcfd tuần trước. Xuất khẩu LNG đạt 15,7 bcfd (mức cao kỷ lục mới) so với 15,1 bcfd tuần trước khi Freeport LNG khôi phục công suất sau sự cố mất điện do bão.

Báo cáo Dự trữ Khí đốt hàng tuần của EIA cho thấy mức rút 100 bcf, cao hơn dự báo -90 bcf. Tổng lượng khí tồn kho hiện còn 2,297 tcf, thấp hơn 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn 2,8% so với mức trung bình của 5 năm qua.

Phân tích kỹ thuật khí đốt

Hợp đồng khí Henry Hub giao tháng 3/2025 trên sàn NYMEX hiện đã vượt các đường trung bình động 8, 13 và 21 ngày, đồng thời chạm ngưỡng trên của dải Bollinger Band – một tín hiệu bán. Khối lượng giao dịch khoảng 185.000 hợp đồng, gần mức trung bình. Chỉ số RSI đang ở mức 68 – vùng “quá mua”. Hỗ trợ hiện tại ở mức 3,70 USD, trong khi kháng cự ở mức 3,80 USD (ngưỡng trên của Bollinger Band).

Kỳ vọng sắp tới

Giá khí đốt tại châu Âu cũng giảm, do kỳ vọng cuộc chiến tại Ukraine sớm kết thúc, tạo điều kiện cho khí đốt Nga quay trở lại châu Âu. Hiện giá giao dịch gần nhất ở mức 16,00 USD/MMbtu. Cũng giống như dầu sưởi, nhu cầu khí đốt trong 14 ngày tới dự kiến sẽ vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, nhu cầu LNG toàn cầu có vẻ vẫn sẽ duy trì ở mức mạnh trong ngắn hạn.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/tam-ly-thi-truong-tieu-cuc-bao-trum-len-gia-dau-tuan-qua-724204.html
Zalo