Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên thảo luận Đề án tăng trưởng 8% trở lên và 3 dự án quan trọng

Chiều 14.2, tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Quốc hội thảo luận tại tổ về: Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự phiên thảo luận tại Tổ 13 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Ninh, Đắk Lắk, Lạng Sơn, Hậu Giang.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển

Theo Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên: Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%; trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi NSNN lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.

Thẩm tra Đề án, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 trong Tờ trình, Báo cáo của Chính phủ. Mục tiêu Chính phủ đề xuất cao hơn khoảng 1 điểm % so với tăng trưởng năm 2024 và cũng cao hơn so với dự báo của một số tổ chức quốc tế về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025.

Trong bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế còn tiềm ẩn khó khăn, thách thức, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tập trung đánh giá các điều kiện thực hiện để bảo đảm tính khả thi của Đề án, đặc biệt cần chú trọng các giải pháp bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công; đánh giá nguồn lực dự kiến, khả năng huy động nguồn lực và kiểm soát rủi ro, cơ sở để đạt được mục tiêu, để từ đó có những giải pháp đột phá tận dụng cơ hội, hạn chế rủi ro, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc về việc điều chỉnh chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động vì chỉ tiêu này có mối tương quan chặt chẽ với chỉ tiêu tăng trưởng GDP.

Nhất trí việc điều chỉnh chỉ tiêu tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4,5 - 5% là cần thiết nhằm tạo không gian điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý, lạm phát cơ bản tháng 1.2025 tăng 3,07%, cao hơn bình quân chung năm 2023 (2,71%), cho thấy áp lực lạm phát là đáng kể. Do đó, cần có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô; đánh giá kỹ tác động của việc thực hiện điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, giá các dịch vụ công theo lộ trình thị trường, đặc biệt là chi phí người dân chi trả cho các dịch vụ giáo dục, y tế.

 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Bắc Ninh, Lạng Sơn, Đắk Lắk, Hậu Giang thảo luận ở Tổ. Ảnh: Lâm Hiển

Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Bắc Ninh, Lạng Sơn, Đắk Lắk, Hậu Giang thảo luận ở Tổ. Ảnh: Lâm Hiển

Về đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu về bội chi và nợ công, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ chỉ điều chỉnh khi đã thực hiện hết các giải pháp và bảo đảm an toàn nợ công, khả năng trả nợ, đặc biệt là chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với tổng thu ngân sách.

Đối với Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng: Báo cáo với Quốc hội,Ủy ban Kinh tế thống nhất sự cần thiết đầu tư Dự án với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và những lý do thực tiễn đã được nêu tại Tờ trình số 69/TTr-CP của Chính phủ; đề nghị làm rõ hơn sự phù hợp của Dự án với Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và việc phân bổ, khoanh vùng đất đai cho Dự án tại các quy hoạch tỉnh của địa phương có Dự án đi qua.

Dự án có quy mô và tổng mức đầu tư rất lớn, trong kỳ trung hạn 2021 - 2025, nhu cầu vốn cho Dự án khoảng 128 tỷ đồng đã được Chính phủ cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Giai đoạn 2026 - 2030, nhu cầu vốn khoảng 177.282 tỷ đồng và giai đoạn 2031 - 2035, nhu cầu vốn khoảng 25.821 tỷ đồng.

Nguồn vốn cho Dự án được Chính phủ kiến nghị sử dụng nguồn vốn trong nước, nguồn vốn nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác, đồng thời đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt như: không thẩm định khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công; trong quá trình thực hiện Dự án, cho phép Thủ tướng Chính phủ được quyết định phát hành trái phiếu Chính phủ, huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương hằng năm (nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp khác để bảo đảm tính phù hợp, khả thi cho Dự án.

 Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Cơ quan thẩm tra đề nghị trong quá trình triển khai, thực hiện cần tuân thủ nguyên tắc bảo đảm các cân đối vĩ mô và an toàn nợ công quốc gia. Bên cạnh đó, cần đánh giá tổng thể hiệu quả của các dự án đường sắt dự kiến sẽ đầu tư và đánh giá kỹ lưỡng phương án tài chính, các tác động trong quá trình vận hành, khai thác của các dự án để giảm thiểu các rủi ro về sau.

Đối với Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh: Ủy ban Kinh tế nêu rõ, việc ban hành Nghị quyết này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa vào vận hành, khai thác đồng bộ hệ thống đường sắt đô thị tại hai thành phố lớn, tạo bước đột phá trong phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tiến tới mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại.

Dự thảo Nghị quyết quy phạm hóa 6 nhóm chính sách đặc thù, đặc biệt và đã được cơ quan có thẩm quyền thông qua gồm: huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; phát triển đô thị theo mô hình TOD; phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; các quy định áp dụng riêng cho TP. Hồ Chí Minh. Các nhóm chính sách này được xây dựng trên cơ sở kế thừa Luật Thủ đô, các chính sách đặc thù, đặc biệt đã được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 172/2024/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

 ĐBQH Nguyễn Văn Quân (Hậu Giang) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Nguyễn Văn Quân (Hậu Giang) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đồng thời, điều chỉnh, bổ sung một số chính sách mới như: Các dự án được bố trí vốn qua các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn, mức vốn bố trí mỗi kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn phù hợp với tiến độ thực hiện từng dự án và không giới hạn phần vốn chuyển tiếp của các dự án sang kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn tiếp theo (khoản 3 Điều 4 dự thảo Nghị quyết); Dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD được thực hiện ngay việc lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án mà không phải thực hiện thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và các thủ tục khác có liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật có liên quan (điểm a khoản 1 Điều 5 dự thảo Nghị quyết)… cho phù hợp với tính chất phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, trong Báo cáo thẩm tra trình Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất với sự cần thiết phải có một số cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận với những cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn và quan điểm, mục tiêu đã được nêu tại Tờ trình số 74/TTr-CP của Chính phủ

Tuy nhiên, đây là dự án quan trọng quốc gia, phức tạp, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, khoa học, công nghệ của nước ta. Do vậy, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị rà soát kỹ lưỡng, thực hiện nghiêm công tác báo cáo,xin ý kiến các cấp có thẩm quyền, lấy ý kiến đầy đủ của các cơ quan liên quan về các cơ chế, chính sách đặc thù được đề xuất nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi với phương châm đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên hàng đầu.

* Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục thông tin về phiên họp...

Phạm Thúy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chu-tich-quoc-hoi-tran-thanh-man-du-phien-thao-luan-de-an-tang-truong-8-tro-len-va-3-du-an-quan-trong-post404508.html
Zalo