Hà Nội: phát triển làng nghề bền vững
TP Hà Nội xác định làng nghề là điểm nhấn trong thập kỷ công nghiệp văn hóa, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, là điểm đến không thể thiếu với du khách trong nước và quốc tế khi thăm Thủ đô.

Du khách tham quan sản phẩm của làng nghề dệt lụa Vạn Phúc – một trong những thành viên Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo thế giới. Ảnh: P.L
Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, TP Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó, có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được TP công nhận. Giá trị sản xuất của các làng nghề Hà Nội đạt hơn 24.000 tỷ đồng.
Sản phẩm của các làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, có sức hấp dẫn du khách, khách hàng trong và ngoài nước bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những nghệ nhân, thợ lành nghề qua từng sản phẩm đặc trưng như: Sản phẩm mây tre đan Phú Vinh, Chương Mỹ; nón Chuông, Thanh Oai, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động, Thường Tín; hoa Tây Tựu, Bắc Từ Liêm; lụa Vạn Phúc, Hà Đông; gốm sứ Bát Tràng, Gia Lâm; tò he Xuân La, Phú Xuyên; cốm Mễ Trì, Nam Từ Liêm...
Nhờ đó, các làng nghề đã, đang góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo tiền đề thực hiện thành công Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trong những năm gần đây, TP Hà Nội rất quan tâm đến chính sách phát triển làng nghề. Tuy nhiên, quy mô sản xuất trong làng nghề tại Hà Nội hiện nay vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, tự phát; thiết bị sản xuất chủ yếu thủ công, lạc hậu; năng lực, trình độ tổ chức quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh còn hạn chế; tính cạnh tranh của một số sản phẩm làng nghề chưa cao, tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô…
Nhằm phát triển làng nghề, TP Hà Nội đã thí điểm phát triển 6 làng nghề gắn với du lịch, xây dựng 9 điểm giới thiệu quảng bá sản phẩm làng nghề… TP cũng tập trung phát triển các cụm công nghiệp, tạo điều kiện phát triển làng nghề bền vững.
Đặc biệt, để tạo động lực cho làng nghề phát triển bền vững, TP đang triển khai xây dựng Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, đề ra nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị, tôn vinh nghệ nhân; bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống; phát triển nghề mới; phát triển các làng nghề chủ lực gắn với tiềm năng và thế mạnh của địa phương; phát triển dịch vụ hỗ trợ và nâng cao vai trò của các tác nhân liên quan…
TP Hà Nội đề ra các giải pháp phát triển làng nghề bền vững, đó là tập trung vào tuyên truyền, vận động, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước đối với công tác bảo tồn và phát triển làng nghề. Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát triển làng nghề; phát triển các vùng nguyên liệu cho sản xuất. Đào tạo nhân lực, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất…
Theo Sở Công Thương Hà Nội, TP. Hà Nội có nhiều làng nghề. Vì vậy, trong Đề án cần có sự phân nhóm rõ từng nghề để có cơ chế phù hợp từng đối tượng như: nhóm các làng nghề chế biến nông sản; nhóm các làng nghề dệt may, nhóm các làng nghề sản xuất đồ gỗ, kim khí; hàng thủ công mỹ nghệ…
Một số nghề như thêu không gây ô nhiễm môi trường, không cần diện tích sản xuất lớn thì không nhất thiết phải đưa ra xa khu dân cư để tiết kiệm chi phí và thuận lợi cho người sản xuất. Các làng nghề thủ công mỹ nghệ như dát vàng, bạc quỳ, vuốt gốm không nhất thiết phải ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất…
Bà Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cho biết, Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa quan trọng, là tin vui cho các làng nghề của Hà Nội.
Tuy nhiên, cần phải chi tiết đề án, gắn với việc triển khai thực hiện cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức. Đối với chính quyền các cấp cần phải nắm chắc đề án để khi triển khai mới có thể hỗ trợ người dân thực hiện. Còn các sở, ban, ngành cùng tham gia hỗ trợ làng nghề thay đổi quy trình sản xuất, xúc tiến thương mại cho các làng nghề.