Triển vọng nào cho thị trường bất động sản năm 2025?
Năm 2025, giới chuyên gia dự báo, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, sự hồi phục của nền kinh tế, BĐS tiếp tục là một trong những lĩnh vực trọng điểm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Dự kiến nguồn cung bất động sản năm 2025 sẽ tăng mạnh
Năm 2024 khép lại với nhiều biến động lớn trên thị trường BĐS Việt Nam, trong đó các khó khăn và thách thức tiếp tục phủ bóng lên toàn ngành. Đây là năm mà những nỗ lực phục hồi thị trường dường như chưa đạt được hiệu quả mong đợi, khi dòng vốn hạn chế, thanh khoản yếu và niềm tin của nhà đầu tư suy giảm.
Thị trường BĐS năm 2024 chịu ảnh hưởng lớn từ việc lãi suất không còn thấp như năm 2023, thậm chí còn tăng dần. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thận trọng để kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá. Điều này khiến các doanh nghiệp BĐS, vốn phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng, đối mặt với khó khăn trong việc huy động vốn để triển khai dự án. Các dự án lớn bị đình trệ hoặc chậm tiến độ, trong khi thị trường thứ cấp gần như “đóng băng” khi người mua nhà chần chừ vì chi phí vay tăng cao. Cùng với đó, các doanh nghiệp BĐS còn phải vật lộn với các vướng mắc pháp lý kéo dài, khiến nhiều dự án không thể triển khai hoặc hoàn thiện, làm gia tăng áp lực tài chính và chi phí duy trì.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu BĐS - kênh dẫn vốn cũng lâm vào tình trạng suy giảm mạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến dòng tiền của các doanh nghiệp. Các thông tin tiêu cực liên quan đến việc tái cơ cấu nợ, thiếu minh bạch trong báo cáo tài chính và triển vọng kém lạc quan về lợi nhuận khiến nhóm cổ phiếu BĐS bị bán tháo, dẫn đến làn sóng thoái vốn lớn từ các nhà đầu tư.
Theo ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital Group: “Doanh nghiệp BĐS Việt Nam cần phải tăng tính minh bạch và đa dạng hóa kênh huy động vốn, thay vì chỉ dựa vào ngân hàng. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp lớn xem lại chiến lược dài hạn của mình và tập trung vào các phân khúc có nhu cầu thực sự”.
Mặc dù Chính phủ đã đưa ra một số chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, như giảm bớt các thủ tục pháp lý, gia hạn thời gian thanh toán nợ và đẩy nhanh đầu tư công vào cơ sở hạ tầng, nhưng tác động vẫn chưa đủ mạnh để tạo sự thay đổi rõ rệt. Thị trường tiếp tục bị đè nặng bởi tâm lý lo ngại của nhà đầu tư và sự thiếu hụt dòng vốn. Trong khi đó, các doanh nghiệp BĐS cũng gặp khó khăn trong việc tái cấu trúc hoạt động và tìm kiếm các cơ hội mới trong môi trường đầy biến động.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, Chính phủ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn pháp lý và hỗ trợ tín dụng đối với các doanh nghiệp cũng như dự án BĐS. Đây cũng là yếu tố quyết định để phục hồi thị trường.
2. Năm 2025 đã mở ra với điểm điểm sáng. Trước hết, Chính phủ đang tập trung giải quyết các vấn đề tồn đọng trong lĩnh vực BĐS, bao gồm việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý và đẩy nhanh quy trình cấp phép cho các dự án mới. Điều này đã mang lại niềm tin lớn cho các nhà phát triển dự án và nhà đầu tư.
Theo dự kiến, nguồn cung BĐS năm 2025 sẽ tăng mạnh. Riêng tại Hà Nội và TP HCM, nguồn cung mới dự kiến tăng 44%, tạo điều kiện cho thị trường cân bằng giữa cung và cầu, đồng thời thúc đẩy thanh khoản.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, trong năm 2025, sự khởi sắc của thị trường BĐS sẽ chứng kiến sự dịch chuyển của dòng tiền đầu tư sang phân khúc có tỷ suất sinh lời cao hơn phân khúc chung cư. “Chính bởi vậy, các phân khúc như đất nền và nhà phố sẽ được nhà đầu tư quan tâm trong năm 2025”, ông Quốc Anh nhận định.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn
Chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, năm 2025 sẽ là thời điểm đánh dấu sự phục hồi toàn diện của thị trường nhờ vào các chính sách tháo gỡ khó khăn của Chính phủ. Ông nhấn mạnh: “Nguồn cung gia tăng ở tất cả các phân khúc, từ nhà ở thương mại, nhà ở xã hội đến BĐS khu công nghiệp, sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện của thị trường”.
Một điểm sáng quan trọng khác là sự gia tăng đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn, tạo động lực cho các khu vực lân cận phát triển mạnh mẽ. Những dự án giao thông trọng điểm như đường cao tốc Bắc - Nam, các tuyến metro tại TP HCM và đường vành đai tại Hà Nội sẽ nâng cao giá trị BĐS tại các khu vực xung quanh, đồng thời thu hút thêm các dự án đầu tư mới. Chính sách tái khởi động mô hình xây dựng và chuyển giao cũng giúp huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, góp phần đẩy nhanh tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng.
Lãi suất vay mua nhà được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì ở mức ổn định, hỗ trợ người mua nhà và kích thích thị trường BĐS nhà ở. Chính phủ cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 16% trong năm 2025, đồng thời dần gỡ bỏ trần tín dụng hằng năm, tạo điều kiện cho các ngân hàng mở rộng các gói vay mua nhà và đầu tư BĐS. Nhờ đó, nhu cầu mua nhà ở, đặc biệt là phân khúc nhà ở thương mại và nhà ở xã hội, sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ.
Trong bối cảnh toàn cầu ngày càng chú trọng đến phát triển bền vững, BĐS xanh và thông minh trở thành xu hướng dẫn dắt thị trường. Nhiều chủ đầu tư lớn đã bắt đầu triển khai các dự án tích hợp công nghệ hiện đại, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người mua mà còn giúp nâng cao giá trị của các dự án trong dài hạn.

Với những điều kiện thuận lợi đó, BĐS Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục là một trong những lĩnh vực hấp dẫn nhất, không chỉ đối với các nhà đầu tư trong nước mà còn đối với các tập đoàn quốc tế đang tìm kiếm cơ hội tại khu vực Đông Nam Á.
Và mặc dù có triển vọng tích cực nhưng thị trường BĐS Việt Nam năm 2025 vẫn đối mặt với một số thách thức. Tình trạng dư thừa nguồn cung ở một số phân khúc, đặc biệt là BĐS cao cấp, có thể làm giảm thanh khoản nếu không được quản lý hợp lý. Áp lực từ lãi suất quốc tế và tỷ giá hối đoái cũng có thể ảnh hưởng đến dòng vốn FDI vào lĩnh vực này.
Ông Trần Quốc Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Xây dựng nhấn mạnh: “Chúng ta cần cân đối nguồn cung và tập trung vào các phân khúc đáp ứng nhu cầu thực sự của người dân, đặc biệt là nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập trung bình. Nếu tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công vào cơ sở hạ tầng và kiểm soát chặt chẽ tín dụng BĐS, thị trường sẽ duy trì sự ổn định và tăng trưởng bền vững”.
Năm 2025 được các chuyên gia kỳ vọng là thời điểm thị trường BĐS có thể bước vào giai đoạn khởi sắc, với nhiều cơ hội và tiềm năng tăng trưởng. Sự kết hợp giữa các chính sách hỗ trợ, dòng vốn đầu tư và sự phục hồi kinh tế sẽ tạo nên nền tảng vững chắc cho thị trường phát triển bền vững.