Chủ động thích ứng với cuộc chiến thuế quan

Mỹ hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày là cơ hội tốt để các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ sẵn sàng thích ứng, tìm ra những cơ hội phát triển mới

Ngày 11-4, Báo Người Lao Động tổ chức talkshow với chủ đề "Thuế quan, rào cản thương mại: Hành động của doanh nghiệp (DN)" sau khi Mỹ thông báo hoãn áp thuế 46% lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trong 90 ngày để đàm phán.

Nhanh chóng tăng tỉ lệ nội địa hóa

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), việc Mỹ hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày là tin tốt cho ngành gỗ bởi các DN có thời gian chuẩn bị bởi thực tế, chuỗi cung ứng gỗ không thể dịch chuyển nhanh trong 6 tháng hay 1 năm. Do đó, việc các DN Việt Nam và đối tác phải bàn nhau cách thích ứng với tình hình mới. Trước đó, các DN đã rất lo lắng về các đơn hàng đi Mỹ, lo bị đứt dòng tiền.

Còn bà Trần Hoàng Phú Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may TP HCM, Giám đốc điều hành Công ty CP Kết nối thời trang (Faslink) - cho hay khi có thông tin thuế đối ứng từ phía Mỹ, các DN rất lo lắng và liên tục có các cuộc đàm phán trao đổi với đối tác vào sáng sớm hoặc đêm hôm. "Chủ các DN trong ngành chỉ ngủ vài giờ mỗi ngày, còn lại phải lo sắp xếp. Việc quan trọng là đàm phán với nhau để duy trì giao thương vì kế hoạch kinh doanh ngành dệt may theo mùa, thậm chí là kế hoạch 18 tháng, không thể thay đổi ngay vì thuế" - bà Xuân nói.

Dưới góc nhìn của chuyên gia, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP HCM, cũng cho rằng việc Mỹ hoãn áp thuế 90 ngày là tin vui nhưng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các bên liên quan để tạo ra sự khác biệt trong thời gian tới.

Việt Nam bị rơi vào nhóm áp thuế cao do gây thâm hụt lớn cho Mỹ (gần 120 tỉ USD năm 2024). Mục tiêu của Việt Nam là phải chuyển được sang nhóm ngược lại, áp thuế thấp hoặc chí ít là có mức thuế ngang bằng đối thủ cạnh tranh ở Mỹ. "Chúng ta cần có kịch bản tốt và cả kịch bản xấu có thể xảy ra để tránh bất ngờ. Trong thời gian này, các DN sẽ hạn chế tuyển dụng mới bởi tương lai bất định, khó dự báo. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng dù hiện tại, tác động của thuế quan Mỹ chưa lớn" - PGS-TS Nguyễn Hữu Huân phân tích.

Các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp và hiệp hội tham gia talkshow sáng 11-4. Ảnh: QUANG LIÊM

Các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp và hiệp hội tham gia talkshow sáng 11-4. Ảnh: QUANG LIÊM

Cũng theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, dù Mỹ thâm hụt thương mại với Việt Nam lớn nhưng phân tích con số mới thấy rằng dòng tiền ròng không có nhiều vì chủ yếu là gia công, đặc biệt các ngành như: điện tử - công nghệ cao, dệt may... Bài toán đặt ra là cần tăng tỉ lệ nội địa hóa khi hiện tại, hơn 70% giá trị xuất khẩu từ khối DN nước ngoài (FDI). Do đó, các DN FDI cần hợp tác với các DN Việt Nam để gia tăng tỉ lệ nội địa hóa cùng với các biện pháp tiến tới cân bằng thương mại Việt Nam - Mỹ. "Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rất yêu mến Việt Nam, ông ấy cần những con số. Việt Nam muốn đàm phán thành công, phải đưa ra lộ trình cụ thể. Còn các DN cần chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất, tức là thuế vẫn 46% hoặc có thể giảm một nửa, khó có khả năng về 0%" - chuyên gia này nhận định.

Cơ hội để tái định vị

Đối với ngành gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương khuyến cáo các DN trong 90 ngày hoãn thuế, các DN phải chuẩn bị về quản trị xuất xứ hàng hóa, tương tự cách chứng minh xuất xứ khi xuất khẩu châu Âu (EU). "Việt Nam có thể đàm phán biểu mẫu riêng cho hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ để DN dễ thực hiện. Với ngành gỗ, tỉ lệ nội địa hóa hơn 50% không khó khi nguyên liệu gỗ trong nước chiếm gần 60%" - ông Phương tự tin.

Tuy nhiên, với nguyên phụ liệu như: vải, đệm, kim khí... hiện vẫn nhập khẩu nên cần tăng nội địa hóa ở nhóm này. Ngoài ra, ngành gỗ cũng có thể tăng nhập khẩu nguyên liệu từ Mỹ (350 triệu USD trên tổng số 2 - 2,2 tỉ USD nhập khẩu hằng năm) để chế biến xuất khẩu về Mỹ.

Theo bà Xuân, vấn đề thuế quan thực tế đã được cảnh báo từ trước và một số DN đã có sự chuyển mình, đặc biệt vấn đề lớn hơn của ngành là "khủng hoảng thừa" toàn cầu những sản phẩm na ná nhau. "Thương chiến là cơ hội để DN định vị lại mình, chuẩn bị tâm thế thay đổi, cùng hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng nội địa, hợp tác với DN FDI tăng hàm lượng giá trị gia tăng tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc" - bà Xuân nêu.

Riêng tại Faslink, bà Xuân cho hay thời gian qua công ty đã chủ động minh bạch chuỗi cung ứng, đi theo xu hướng thời trang bền vững, nhiều công năng, đòi hỏi công nghệ cao và khó thay thế so với thời trang nhanh.

Dù vậy, các khách mời đều tin tưởng "trong nguy có cơ" và tình huống hiện tại chưa hẳn là quá xấu. PGS-TS Nguyễn Hữu Huân dẫn một báo cáo từ nước ngoài cho biết khi thương chiến Mỹ - Trung leo thang, Mỹ áp thuế Trung Quốc 145% còn Trung Quốc áp thuế Mỹ 125% thì 2 nước không thể có giao thương. "Và động thái này, tác động của Việt Nam với thuế quan từ mạnh sang bình thường. Thậm chí, ngành dệt may của Việt Nam còn hưởng lợi do đơn hàng từ Trung Quốc chuyển qua" - PGS-TS Nguyễn Hữu Huân nói.

Khi thương chiến leo thang, DN Mỹ vẫn có nhu cầu bán hàng cho Trung Quốc và ngược lại nên Việt Nam vẫn có thể hưởng lợi nếu tuân thủ đúng quy tắc về xuất xứ, hàm lượng giá trị gia tăng tại Việt Nam.

Cũng theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, các DN xuất khẩu cần chú ý vấn đề tỉ giá. Như việc Trung Quốc liên tục giảm giá đồng Nhân dân tệ sẽ tác động ra sao đến cạnh tranh của DN xuất khẩu? Từ đó, DN cần tính toán việc chuẩn bị nguồn USD để nhập khẩu nguyên liệu, cân nhắc giữ lại USD khi nhận thanh toán đơn hàng hay chuyển sang VNĐ ngay cần có tính toán để có hiệu quả nhất. Các DN cần có kế hoạch phòng ngừa rủi ro tỉ giá vì áp lực tỉ giá năm nay lớn do tác động nhiều yếu tố.

Thủy sản tận dụng 90 ngày "vàng"

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thương chiến Mỹ - Trung leo thang với các mức thuế chưa từng có là cơ hội để Việt Nam củng cố vị thế tại Mỹ nhưng cũng đặt ra thách thức lớn từ sự chuyển hướng của Trung Quốc. Ngành thủy sản Việt Nam cần hành động nhanh, linh hoạt và minh bạch để tận dụng "cửa sổ vàng" này, đồng thời cũng cần thận trọng để tránh bị cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh tiêu cực bởi Trung Quốc là nước xuất khẩu thủy sản tốp 2 thế giới.

VASEP khuyến cáo các DN cân nhắc kế hoạch tăng cường xuất khẩu sang Mỹ và tranh thủ giai đoạn 90 ngày thuế quan 10% đẩy mạnh xuất khẩu. DN tính tới phương án chuyển hướng và đa dạng thị trường, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ hoặc Trung Quốc. Các cơ quan quản lý và cộng đồng DN chú trọng kiếm soát xuất xứ, minh bạch truy xuất nguồn để bảo đảm thủy sản xuất khẩu là 100% từ Việt Nam. Hợp tác với Mỹ để giám sát chuỗi cung ứng, tránh bị nghi ngờ lẩn tránh thuế.

N.Ánh

EuroCham tin tưởng chính sách của Việt Nam

Ngày 11-4, tại Hà Nội, Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã phối hợp với Đại sứ quán EU tại Việt Nam tổ chức tọa đàm về tác động của thuế quan Mỹ, qua đó bày tỏ tin tưởng vào các chính sách và đường lối của Chính phủ Việt Nam trong bối cảnh Mỹ công bố áp 46% thuế.

Tại tọa đàm, các DN châu Âu cho rằng 46% thuế đối ứng mà Mỹ áp cho Việt Nam sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu cũng như các DN xuất khẩu của Việt Nam và DN FDI. Đại diện Eurocham và các DN châu Âu đánh giá cao về phản ứng kịp thời của Chính phủ Việt Nam trong việc đưa ra những đàm phán với Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia Việt Nam và EU cho rằng việc Mỹ áp thuế cao không chỉ với Việt Nam mà còn nhiều quốc gia khác. Điều này cho thấy thế giới luôn biến động. Do vậy, Việt Nam cũng như các DN cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng như đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chủ động trong mọi tình huống để tránh những điều rủi ro có thể xảy ra. Các DN châu Âu tại Việt Nam luôn tin tưởng vào các chính sách và đường lối của Chính phủ Việt Nam trong bối cảnh này.

Cùng ngày, EuroCham đã ra mắt Sách Trắng 2025 - ấn phẩm chủ lực của EuroCham - tổng hợp các khuyến nghị chính sách chuyên sâu đến từ 19 Tiểu ban ngành nghề. Ra mắt trong bối cảnh thế giới đầy biến động, Sách Trắng năm nay mang đến một cách tiếp cận trọng tâm hơn, giới thiệu: "Những ưu tiên chiến lược" - các cải cách trọng tâm do 19 Tiểu ban ngành nghề của EuroCham đề xuất, đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì sức cạnh tranh và thúc đẩy hội nhập sâu rộng của Việt Nam với EU. Năm nay, trong ấn bản thứ 16, Sách Trắng tiếp tục là bản lộ trình toàn diện hướng đến tăng trưởng kinh tế bền vững trong một thế giới ngày càng phức tạp.

N.Dương

NGỌC ÁNH - THANH NHÂN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chu-dong-thich-ung-voi-cuoc-chien-thue-quan-196250411214415844.htm
Zalo