Làm gì để Việt Nam giữ vị thế trung tâm sản xuất giữa 'phép thử' thuế quan?
Chính sách thuế quan mới của Mỹ như 'phép thử' đòi hỏi Việt Nam phải đồng bộ giải pháp nhằm củng cố niềm tin dài hạn cho khối FDI, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh để giữ vững vị thế là 'trung tâm sản xuất'. Bên cạnh đó, cần chuyển mình từ một trung tâm lắp ráp chi phí thấp sang một quốc gia sáng tạo công nghệ.
Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump tạm hoãn áp thuế quan đối ứng 90 ngày để đàm phán, cùng với đó là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, điều làm dư luận quan tâm là những biến động này có làm lung lay các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở Việt Nam, đặc biệt khi khối FDI đang chiếm hơn 70% tổng giá trị xuất khẩu (XK) của Việt Nam.
Sẽ trụ vững trước cú sốc?
Chẳng hạn như với nhóm ngành máy tính, điện tử, linh kiện được cho là chịu tác động tiêu cực ở mức cao. Các DN sản xuất mặt hàng này chủ yếu là các doanh nghiệp FDI từ Mỹ như Intel, HP, Dell, Amkor…

Cần đồng bộ nhiều giải pháp để tăng cường sức hút, giữ chân nhà đầu tư FDI giữa “phép thử” thuế quan.
Đứng trước nguy cơ bị áp thuế đối ứng cao, liệu các DN này có thể chủ động dịch chuyển một phần sản xuất trong khâu hoàn thiện đóng gói sản phẩm sang các quốc gia bị đánh thuế đối ứng thấp hơn hay không?
Tương tự là nhóm sản điện tử linh kiện. Các DN chủ yếu trong nhóm mặt hàng này như Rockwell Automation, First Solar cũng là các doanh nghiệp FDI từ Mỹ. Những DN này liệu có ý định gì nếu chịu tác động thuế quan?
Thực ra, ngay cả trong trường hợp đánh thuế mạnh của Trump, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán PHS không cho rằng sản xuất có thể dịch chuyển về Mỹ với chi phí đắt đỏ (cả về xây dựng nhà máy, hạ tầng lẫn nhân công).
Trên thực tế, điều mong mỏi của Việt Nam là việc giữ chân các doanh nghiệp FDI sẽ thuận lợi hơn nếu như Mỹ không áp thuế quá cao cho hàng XK từ Việt Nam.
Theo ông Lê Khánh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán & Tư vấn RSM Việt Nam, sẽ khó xảy ra chuyện các doanh nghiệp FDI thu hẹp hoặc dịch chuyển dòng vốn do tác động thuế quan. Bởi vì có những DN đã lập kế hoạch khá dài hạn khi đầu tư nhà máy hàng tỷ USD tại Việt Nam để không chỉ phục vụ riêng thị trường Mỹ mà còn có các thị trường khác.
Còn theo phía PSI, mặc dù đối mặt với nguy cơ giảm FDI trong lĩnh vực sản xuất, thế nhưng việc dịch chuyển sản xuất ồ ạt khó xảy ra do chi phí di dời cao và một số lợi thế nhất định của Việt Nam (chi phí thấp, vị trí địa lý, chính sách…).
Trong khi đó, báo cáo cập nhật trong tháng 4/2025 từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán PHS, cho rằng FDI duy trì đà tăng trưởng tích cực, nhưng triển vọng vẫn rất bất định.
Số liệu cho thấy tính đến cuối tháng 3/2024, tổng vốn FDI đăng ký đạt gần 10,98 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, các dự án hiện hữu đã đăng ký tăng vốn tổng cộng gần 5,16 tỷ USD - tăng gấp 5,1 lần về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Phía PHS vẫn hy vọng Việt Nam có thể đạt được một thỏa thuận nhằm làm dịu căng thẳng với phía Mỹ. Tuy nhiên, tác động từ thuế quan trong kịch bản Việt Nam không đạt được thỏa thuận ước tính dòng vốn FDI có thể giảm khoảng 15 - 20% trong năm 2025 và 2026.
Bên cạnh đó, xét về tác động thuế quan và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung như hiện nay, Ts. Sam Goundar (Đại học RMIT) đã đặt vấn đề là liệu ngành công nghệ Việt Nam có thể trụ vững trước cú sốc chưa từng có này?
Theo Ts. Sam Goundar, Việt Nam hiện giữ vai trò đặc biệt trong khu vực với thế mạnh là điểm lắp ráp cuối cho các sản phẩm điện tử cao cấp. Các “ông lớn” như Foxconn, Samsung, LG Electronics, Intel và Luxshare không chỉ tận dụng nguồn lao động chất lượng của Việt Nam mà còn đánh giá cao môi trường XK ít rủi ro. Chính sách thuế mới từ Hoa Kỳ đang thách thức trực tiếp mô hình này.
Đồng bộ giải pháp tăng sức hút đầu tư
Ts. Sam Goundar lưu ý Việt Nam đang chuyển mình từ vai trò lắp ráp cơ bản sang sản xuất linh kiện công nghệ cao, đòi hỏi độ chính xác lớn như chip bán dẫn, cảm biến và phần cứng Trí tuệ nhân tạo (AI) – những lĩnh vực phụ thuộc đáng kể vào đầu tư nước ngoài để phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ cao. Vấn đề là làm sao để niềm tin của nhà đầu tư được duy trì trước tác động của thuế quan.
Vị chuyên gia này có đưa ra lời khuyên là Việt Nam phải chuyển mình từ một trung tâm lắp ráp chi phí thấp sang một quốc gia sáng tạo công nghệ. Điều này đòi hỏi thu hút vốn đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), xây dựng hệ thống phòng sạch, và mở rộng năng lực sản xuất chip trí tuệ nhân tạo để Việt Nam không chỉ là nơi “lắp ráp” mà còn là nơi “thiết kế và phát minh”.
Ngoài ra, cũng nên nhắc đến Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý 1/2025 được Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) công bố mới đây. Theo đó, có 39% DN được khảo sát dự đoán chiến lược giá – bao gồm biến động thuế quan và chi phí vận hành – sẽ là thách thức lớn.
Các DN tham gia khảo sát cũng chỉ ra một số lĩnh vực cần cải thiện để tăng cường sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó phát triển cơ sở hạ tầng (37%) được coi là ưu tiên hàng đầu.
Ngoài ra, các nhà đầu tư của châu Âu tại Việt Nam cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tinh giản thủ tục hành chính (29%) nhằm giảm thiểu những rào cản quan liêu; nới lỏng quy trình cấp thị thực và giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài (24%); cũng như tăng cường tính minh bạch trong luật pháp và thực thi pháp luật (21%). Những ưu tiên này cho thấy các DN châu Âu mong đợi những cải thiện rõ ràng hơn để củng cố niềm tin dài hạn của họ.
Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam, ông Bruno Jaspaert, cho biết phần lớn các DN vẫn chưa điều chỉnh chiến lược đầu tư hoặc tuyển dụng, phản ánh cách tiếp cận “chờ đợi và quan sát” trước những biến chuyển trong chính sách thương mại toàn cầu.
Từ cách tiếp cận như vậy của doanh nghiệp FDI, có lẽ điều trước mắt mà Việt Nam cần làm để giữ vị thế “trung tâm sản xuất” là nên tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư.
Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán PHS cũng chỉ rõ điều này khi cho rằng Chính phủ sẽ đồng bộ thực hiện các giải pháp nhằm giữ chân nhà đầu tư. Trong đó, đáng chú ý là việc tập trung thu hút và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao. Ngoài ra, cần phải kể đến việc giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, chi phí kinh doanh và điều kiện kinh doanh ít nhất 30% vào năm 2025.
Nhìn vào “phép thử” thuế quan để thấy đây là lúc tiếp tục cần có những cải cách cần thiết để Việt Nam giữ vị thế “trung tâm sản xuất” và tăng cường sức hút đầu tư thay cho tâm lý bi quan của một số ý kiến rằng doanh nghiệp FDI sẽ thu hẹp hay dịch chuyển. Đặc biệt là cần cải thiện các điều kiện thị trường và đầu tư, quản lý chi phí, cũng như hiệu suất thủ tục hành chính.