Nỗ lực ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa
Tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa đã trở thành vấn đề nóng bỏng trong bối cảnh vòng xoáy thuế quan ngày càng mạnh, đặc biệt với việc Mỹ áp thuế đối ứng lên các nền kinh tế. Vì vậy, để duy trì hoạt động, doanh nghiệp cần cân nhắc nguồn cung nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu.

Công nghiệp đóng góp lớn vào giá trị sản xuất xuất khẩu. Ảnh: M.H.
Lực lượng chức năng vào cuộc
Gian lận xuất xứ hàng hóa gây nguy hại tới hoạt động sản xuất trong nước, làm giảm uy tín hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới. Nếu không có các giải pháp xử lý mạnh tay, kiên quyết thì tình trạng gian lận xuất xứ tiếp tục diễn biến phức tạp.
Bộ Công thương cho biết, tình hình thương mại quốc tế diễn biến nhanh và khó lường, theo đó, Mỹ áp dụng chính sách thuế quan đối với nhiều nước, bao gồm cả Việt Nam.
Để chủ động thích ứng với tình hình mới, vì lợi ích hài hòa với các đối tác mà không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Công thương đề nghị các hiệp hội ngành hàng xuất khẩu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời thông tin về cơ chế chính sách, động thái thị trường thương mại quốc tế nhằm khuyến cáo, hướng dẫn các doanh nghiệp hội viên chủ động phương án trong sản xuất và xuất khẩu.
Hiệp hội ngành hàng là đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp hội viên mở rộng, đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, hạn chế phụ thuộc vào một thị trường nguyên liệu nhập khẩu.
Khuyến cáo các doanh nghiệp hội viên lưu ý bảo đảm nguồn gốc nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, đáp ứng yêu cầu nước nhập khẩu về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, tránh gian lận xuất xứ hàng hóa.
Các doanh nghiệp xuất khẩu được khuyến nghị chủ động xây dựng kế hoạch thích ứng với tình hình thương mại quốc tế mới thông qua tìm kiếm khách hàng, đối tác từ các thị trường nhập khẩu còn nhiều dư địa, tiềm năng để khai thác và phát triển.
Bộ cũng lưu ý các doanh nghiệp cân nhắc nguồn cung nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, bảo đảm yêu cầu của nhà nhập khẩu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.
Trước đó, ngày 7/4/2025, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội, doanh nghiệp, nhằm chủ động thích ứng với tình hình mới về thương mại quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để các bộ, ngành, địa phương thực hiện, trong đó có nội dung liên quan đến việc chống hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi các nước khác.
Để triển khai, thực hiện có hiệu quả nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã có văn bản đề nghị Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan thực hiện tốt các nội dung trọng tâm: Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam đối với các loại hàng hóa xuất khẩu có sử dụng nguyên liệu, vật tư có nguồn gốc từ nhập khẩu theo đúng quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa…
Đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào
Ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cho biết, Hòa Phát hiện tập trung đẩy mạnh sản xuất các dòng thép chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp chế tạo như ô tô, đóng tàu, cơ khí, dầu khí, đường sắt, gia dụng… và công nghiệp quốc phòng, giúp tự chủ nguồn nguyên liệu trong nước, không phụ thuộc nhập khẩu.
Trong khi đó, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, ngành công nghiệp Việt Nam có đóng góp lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị xuất khẩu cả nước. Trong vòng 10 năm, xuất khẩu điện tử chiếm trên 30% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam và đứng đầu trong các ngành chế biến chế tạo.
Trên thực tế, ngành chế biến chế tạo của Việt Nam vẫn có vị thế nhất định trên trường thế giới. Tuy nhiên, trong “giá trị đường cong nụ cười” của chuỗi cung ứng toàn cầu, lĩnh vực công nghiệp điện tử Việt Nam nói riêng và công nghiệp chế biến chế tạo nói chung vẫn đang ở vùng “đáy” của đường cong, tập trung vào phần sản xuất và chưa tham gia vào các công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao hơn như logistics thu mua, logistics phân phối…
Theo bà Hương, hiệu quả kết nối của chuỗi cung ứng với các doanh nghiệp nội địa ngành điện tử tại Việt Nam mang lại bao gồm: Chuỗi cung ứng được đầu tư tương đối đầy đủ nhưng mạnh về sản xuất gia công linh kiện, cụm linh kiện; Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của ngành điện tử lớn, nhưng lợi nhuận từ gia công là thấp.
Các chuyên gia kinh tế đã khuyến cáo cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nên có chiến lược thay đổi thị trường cung ứng nguyên liệu. Trong đó, cần ưu tiên mua nguyên liệu trong nước và tìm thêm nguyên liệu ở các nước khác để giảm bớt rủi ro khi bị truy xuất nguồn gốc, xuất xứ.
Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Quốc Việt đã chỉ ra, cần tăng cường chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng và chuyển dịch năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, tích hợp xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và sản phẩm với các xu thế thương mại và sản xuất toàn cầu hóa.
Ông Việt cho biết thêm, việc khẳng định tên thương hiệu và làm rõ các sản phẩm “Made in Vietnam” là điều cần thiết trong bối cảnh phân cực hiện nay.
Bộ Công thương đề nghị siết nguyên liệu đầu vào hàng xuất khẩu
Bộ Công thương vừa ban hành văn bản về việc tăng cường quản lý nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Theo đó, văn bản gửi các hiệp hội ngành hàng xuất khẩu, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nêu rõ, hiện nay tình hình thương mại quốc tế diễn biến nhanh và khó lường trong bối cảnh Hoa Kỳ áp dụng chính sách thuế quan đối với nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam.
Bộ Công thương khuyến cáo các đơn vị đảm bảo nguyên liệu sản xuất đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, gồm chất lượng, xuất xứ và truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp được khuyến khích tìm kiếm thêm đối tác, mở rộng hoạt động sang các thị trường tiềm năng. Bộ này cũng đề nghị các hiệp hội ngành hàng lưu ý đến hội viên về tiêu chuẩn ngày càng khắt khe từ thị trường nhập khẩu. Các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, phòng tránh gian lận thương mại... bởi đây là vấn đề làm ảnh hưởng đến uy tín hàng Việt.
Đ.Lê