Việt Nam sẵn sàng hành động để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 (Mục V.5) được Đại hội XIII của Đảng thông qua đã giao nhiệm vụ: 'Thúc đẩy phát triển TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT)'. Những ngày đầu tiên của năm 2025, Việt Nam đã tuyên bố với thế giới rằng chúng ta đã hành động, chúng ta hiểu những việc cần làm và với nguồn lực, trí tuệ và bản lĩnh của người Việt Nam trong nước, ngoài nước và Việt Nam sẽ đạt được điều mình muốn.

Đà Nẵng sẽ trở thành một trong hai trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam
Cụ thể, ngày 4/1/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố Nghị quyết 259/NQ-CP của Chính phủ; ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Thông báo số 47-TB/TW ngày 15/11/2024 của Bộ Chính trị về xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Tiếp đó, Quyết định số 1718/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo về TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam cũng được công bố.
Các văn bản này đã quy định những người phải gánh vác trách nhiệm tổ chức xây dựng các TTTC, các nhiệm vụ, lộ trình và các chính sách cụ thể để thực hiện mục tiêu này. Đó là lời tuyên bố với thế giới rằng chúng ta đã hành động, chúng ta hiểu những việc cần làm và với nguồn lực, trí tuệ và bản lĩnh của người Việt Nam trong nước, ngoài nước và Việt Nam sẽ đạt được điều mình muốn. Hơn thế nữa, quyết tâm chính trị, cam kết và lộ trình rõ ràng sẽ tạo niềm tin cho các định chế tài chính, nhà đầu tư nước ngoài, tạo động lực để họ tham gia đóng góp ý kiến, chung sức với chúng ta trong việc xây dựng, đầu tư hạ tầng công nghệ và cùng đóng góp trong sự vận hành hiệu quả của các TTTC tại Việt Nam trong tương lai.
Theo Nghị quyết 259/NQ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan lập dự thảo hồ sơ xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng TTTCQT tại Việt Nam. Nghị quyết này sẽ là một mảnh ghép thiết yếu trong bức tranh toàn cảnh về TTTC tại Việt Nam.
Theo dự kiến, Chính phủ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng TTTC quốc tế tại Việt Nam để trình Quốc hội thông qua Nghị quyết này tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2025. Hiện dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng TTTC quốc tế tại Việt Nam đang nhận được nhiều đóng góp từ người dân, chuyên gia trong nước, ngoài nước… và thời gian sẽ không còn nhiều để hoàn thiện văn bản rất quan trọng này.
Để đảm bảo sức hút của TTTCQT tại Việt Nam, có chuyên gia đề xuất Việt Nam nên xây dựng một thị trường chứng khoán phi tập trung sử dụng công nghệ blockchain, nhằm khắc phục những hạn chế của mô hình thị trường truyền thống. “Với cơ chế tập trung hiện nay, thị trường chứng khoán đối mặt với nhiều vấn đề như bảo mật kém, chi phí giao dịch cao do sự phụ thuộc vào các trung gian như sở giao dịch và công ty chứng khoán, thời gian xử lý giao dịch chậm, và thiếu minh bạch do tập trung quyền lực”, vị chuyên gia nói.
Blockchain với đặc điểm phi tập trung hóa, cung cấp giải pháp loại bỏ trung gian, giảm chi phí, tăng tính bảo mật và minh bạch, đồng thời cho phép thanh toán và khớp lệnh nhanh chóng thông qua hợp đồng thông minh. Các ưu điểm nổi bật của mô hình này bao gồm khả năng chống tấn công và chỉnh sửa dữ liệu, giảm chi phí giao dịch, rút ngắn thời gian thanh toán bù trừ, hạn chế làm giá và nghẽn lệnh nhờ cơ chế giao dịch ngang hàng.
Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất là giao dịch không thể sửa đổi sau khi đã ghi vào blockchain, dễ gây rủi ro khi lệnh sai. Mặc dù vậy, việc triển khai mô hình này được xem là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghiệp 4.0, đòi hỏi lộ trình cụ thể và các giải pháp tối ưu để hiện thực hóa tiềm năng, góp phần xây dựng một kênh huy động vốn minh bạch, hiệu quả và bền vững cho nền kinh tế.
Nếu xây dựng được thị trường này, Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên có thị trường chứng khoán phi tập trung và sẽ mang lại một mô hình hoàn toàn mới, từ đó thu hút việc niêm yết không chỉ các doanh nghiệp trong nước mà cả các doanh nghiệp trong khu vực và thế giới.